CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 04:54

An toàn lao động cho nữ công nhân

13/08/2019 | 08:30

Nhiều nữ công nhân vẫn thờ ơ với sức khỏe và tính mạng của mình
 
Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2018, trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.229 người bị nạn. Trong đó nạn nhân là lao động nữ 2.667 người, nữ nạn nhân làm việc trong khu vực có quan hệ lao động bị tai nạn lao động tăng 7,42% so với năm 2017 (2.489 người). Thực trạng mất an toàn lao động hiện nay đáng báo động. Song, nhiều nữ công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn thờ ơ với sức khỏe và tính mạng của chính mình. Dù “giới chủ” trang bị rất cẩn thận và đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động, nhưng công nhân chỉ thực hiện kiểu đối phó. Một nữ công nhân Công ty SunGroup Việt Nam, tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết: “Khi quản lí nhắc nhở mặc quần áo, đi giầy, đội mũ bảo hộ khi làm việc, thì em  “giả vờ” chấp hành.
 
Trong khi một số nữ công nhân “giả vờ” dùng thiết bị bảo hộ khi được nhắc nhở, một số khác có sử dụng nhưng “bỏ lại” một số thiết bị vì thấy vướng víu, “không que”. Chị Lê Thị Phương, một công nhân sản xuất gạch công nghiệp tại khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, Thái Bình chia sẻ: “Mình thường mặc quần áo, đội mũ và đi giầy bảo hộ chứ ít khi đeo kính và nút tai chống ồn vì cảm thấy bí bách, dù trong xưởng bụi, tiếng máy chạy rất ồn”. 
 
Chị Nguyễn Thị Hoa, cán bộ hành chính công ty FCC Việt Nam (thuộc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) cho biết: Người sử dụng lao động tuân thủ các quy định an toàn lao động không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động mà còn cho toàn bộ doanh nghiệp của họ. Tuy nhiên, tình trạng lao động bị tai nạn vẫn diễn ra. Lí giải nguyên nhân một số nữ công nhân bị tai nạn lao động ở công ty mình, chị Hoa cho biết: “Công ty đã trang bị quần áo, dụng cụ bảo hộ lao động rất đầy đủ, nhưng nhiều công nhân thờ ơ, không quan tâm đến vấn đề an toàn lao động. Đấy chính là nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động. Đa số công nhân không sử dụng bảo hộ để làm việc nhanh hơn, hoặc dễ dàng hơn nhưng nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chẳng hạn, không mang găng tay, người lao động khi va chạm vào máy móc, thậm chí là các sản phẩm sắc nhọn dễ bị bỏng, đứt tay, đứt chân. Rất nhiều người không đeo nút tai trong khi làm việc ở phòng có tiếng ồn thì bị giảm thính lực, không đeo khẩu trang thì ngửi mùi nhựa ảnh hưởng đến phổi…”
 
Ảnh minh họa
 
Cần tăng cường tuyên truyền và trang bị đầy đủ thiết bị an toàn
 
Tai nạn liên quan đến công việc có ảnh hưởng kinh tế, thể chất và cảm xúc mạnh mẽ đến người lao động và gia đình của họ, cũng như tác động tiêu cực, mạnh mẽ đến năng suất và hình ảnh của doanh nghiệp. Nhận thức được điều đó, các nhà máy đã quan tâm tới việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động; hệ thống an toàn vệ sinh viên ngày càng phát triển; tập trung cung cấp đủ dịch vụ y tế, nước sạch và không gian làm việc bảo vệ nhân viên trước các mối nguy hiểm và cũng là chìa khóa để nâng cao năng suất. Ý thức của người sử dụng lao động và người lao động trong thực thi các quy định về an toàn vệ sinh lao động cũng được nâng lên phần nào. Tuy nhiên, phải làm việc trong dây chuyền công nghiệp đòi hỏi sức ép cao về tính chính xác, cường độ cao và sức khỏe tốt, những công việc lao động nữ đảm nhiệm thường đòi hỏi nhiều thời gian, công việc lặp đi lặp lại một cách máy móc, buồn tẻ, thời gian tăng ca, tăng giờ nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe… Bên cạnh đó, một số lao động nữ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về an toàn lao động, thiếu trang thiết bị bảo đảm an toàn trong môi trường làm việc của mình, dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động.
 
Ngoài ra, vẫn còn có một phần không nhỏ lao động nữ khu công nghiệp, khu chế xuất chưa nắm được các quy định của chính sách pháp luật. Phần lớn lao động nữ làm việc trong các khu công nghiệp đến từ các vùng nông thôn, trình độ tay nghề còn hạn chế, chủ yếu làm việc thủ công nên khi tìm được một công việc có thu nhập đã được coi là một sự may mắn nên dẫn đến tình trạng cam chịu, chấp nhận làm việc khi người chủ doanh nghiệp chưa áp dụng, thực thi các chế độ chính sách pháp luật, các quy định về an toàn lao động đối với người lao động theo quy định...
 
Cũng như nhiều công nhân trẻ từ các vùng quê khác đến Hà Nội, em Lê Thị Dung, quê ở Thanh Hóa, công nhân Công ty TNHH Toho Việt Nam chia sẻ, em chưa bao giờ ra Hà Nội, cũng không biết rõ công ty tuyển lao động như thế nào. Tất cả đối với em đều rất mới mẻ, em chưa từng được nghe về các quy định an toàn trong lao động. 
 
Ảnh minh họa
 
Theo bà Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Đông Anh (Hà Nội), trên địa bàn huyện có khoảng 50.000 lao động di cư, trong đó có 2/3 nữ lao động nhập cư, tất cả đều có nhu cầu trong việc đào tạo nghề, kỹ năng sống. 
 
Ông Đinh Quốc Toản – Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cho biết, để có thể giải quyết vấn đề ATLĐ cho công nhân nói chung và nữ công nhân trong các KCN, KCX thì cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động về các giải pháp. Trong đó, cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục pháp luật, phổ biến các quy định về ATLĐ cho người lao động, để họ được biết, được tham gia ý kiến và giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng và thể hiện quyền, nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp. 
 Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 12/2016 cả nước có 325 KCN được thành lập với 2.989.613 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 63%, một số ngành như da giày, dệt may, chế biến thủy sản có doanh nghiệp tỉ lệ nữ chiếm tới 80% đến 90%.

 

Châu Anh/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.