THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 12:37

Bản sắc, bản lĩnh của một tạp chí chuyên biệt

25/06/2020 | 08:33
 
Lần lại lịch sử để hiểu rõ vai trò, vị trí của Tạp chí  GĐ&TE
 
Sau khi nghiên cứu kỹ càng, vào ngày 20/2/1990, Việt Nam đã ký Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em và trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới ký và phê chuẩn công ước quan trọng này. Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em là một trong những văn bản pháp lý quốc tế có giá trị và tiến bộ nhất về quyền con người. Đây cũng là công ước được nhiều nước trên thế giới thực hiện nghiêm túc nhất.
 
Vào thời điểm này, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc thành lập những cơ quan, những tổ chức; thông qua những văn bản pháp quy liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cụ thể, sau khi ký Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em, Việt Nam thành lập Tạp chí Vì Trẻ Thơ (tiền thân của Tạp chí GĐ&TE) vào tháng 3 năm 1991; thông qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào tháng 8 năm 1991, và đến tháng 5 năm 1992, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam được thành lập. Đây là những cơ quan đóng vai trò quan trọng ra đời vào thời điểm quan trọng đó để tham gia vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Đảng và Nhà nước ta.
 
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thay mặt Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Tạp chí.
 
Như vậy, từ một ấn phẩm mang tên “Vì trẻ thơ” thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, là phụ trương của Báo Nhi đồng, đã trở thành Tạp chí GĐ&TE với tôn chỉ mục đích là bảo vệ trẻ em và củng cố những giá trị gia đình Việt Nam. Trong gần 30 năm hoạt động, Tạp chí GĐ&TE đã chuyển từ Trung ương Đoàn sang Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ Việt Nam, sau đó là Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em. Đến tháng 4/2008, Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em giải thể, Tạp chí GĐ&TE chuyển sang trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
 
Dù đã nhiều lần thay đổi cơ quan chủ quản, Tạp chí GĐ&TE luôn luôn trung thành với tôn chỉ mục đích của mình, hết lòng phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, củng cố giá trị gia đình Việt. Để làm được việc này, Tạp chí GĐ&TE có ý thức tạo bản sắc riêng bằng những bài viết chuyên nghiệp, lịch lãm với thông tin lành mạnh, bổ ích. Do vậy, Tạp chí GĐ&TE đã xây dựng được thương hiệu, dấu ấn riêng của mình trong hệ thống báo chí Việt Nam. Về nội dung, về phong cách, Tạp chí GĐ&TE không trùng, không giống với bất cứ ấn phẩm nào.


Hình ảnh đẹp trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Tạp chí.

Những đóng góp có giá trị của Tạp chí GĐ&TE
 
Tạp chí đã nỗ lực phát huy những thế mạnh của mình trong hoạt động tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Với phương châm thu hút sự chú ý của xã hội vào việc bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, lãnh đạo cùng phóng viên của Tạp chí đã tạo ra một diễn đàn thông tin rộng lớn, bổ ích, có sức lay động đối với tất cả những người yêu quý trẻ em, quan tâm tới tương lai của đất nước.
 
Nội dung của Tạp chí đã tạo ra được bản sắc và nét đặc trưng của mình, phản ánh đối tượng là trẻ em, viết về trẻ em cho người lớn và cả trẻ em đọc. Đây cũng là Tạp chí duy nhất trong cả nước làm được điều này. Ngoài ra, Tạp chí chú trọng cung cấp kiến thức, kỹ năng, tư vấn về nuôi dạy trẻ... Nhờ vậy, Tạp chí ngày càng được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, cán bộ chuyên trách ở các trung tâm bảo trợ xã hội, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, người dân trong cộng đồng... yêu thích, coi đây như cuốn cẩm nang trong việc dạy dỗ và nuôi dưỡng trẻ em.
 
Vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi Tạp chí GĐ&TE chỉ là một cơ quan báo chí chuyên biệt về gia đình và trẻ em nhưng được các đồng chí lãnh đạo cao cấp khi đang còn trên cương vị của mình gửi thư chúc mừng, thăm hỏi động viên. Đó là thư của các Tổng bí thư Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, của Thủ tướng Phan Văn Khải. Đây không chỉ là quá khứ, mà còn là tài sản quý giá của Tạp chí.


Niềm vui của đồng bào dân tộc khi nhận được Tạp chí.

 Bản lĩnh của Tạp chí GĐ&TE: Trung thành với thông tin bổ ích

 
Những năm gần đây, Tạp chí GĐ&TE  còn bám sát hoạt động của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để thực hiện nhiều bài viết có chất lượng cao trong các chính sách lao động, người có công, xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, xuất khẩu lao động, dạy nghề, tạo việc làm... 
 
Có một mâu thuẫn lớn trong lý luận báo chí: Những thông tin bổ ích thường lại không hấp dẫn. Tạp chí đã giải quyết mâu thuẫn này bằng cách kiên trì viết bằng thứ ngôn ngữ lịch lãm, trung thực, đầy chất thẩm mỹ chứ không chạy theo loại bài có nội dung “cướp – giết – hiếp” và cách giật tít giật gân để gây chú ý với bạn đọc.
 
Cán bộ, phóng viên của Tạp chí thường nói với nhau: “Những bài viết của Tạp chí góp phần cứu trẻ em khỏi tai nạn thương tích, đuối nước; làm giảm việc trẻ em bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục là chúng tôi vui rồi!”. Với phương châm như vậy, họ vẫn miệt mài làm việc mặc dù thu nhập không cao.
 
Trong tiến trình quy hoạch báo chí của Chính phủ và của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cán bộ và phóng viên của Tạp chí GĐ&TE vẫn tin là dù với tư cách nào, thì tên gọi ấn phẩm Gia đình và Trẻ em vẫn tồn tại để phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và củng cố giá trị gia đình Việt.
 

Hồ Bất Khuất/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...