CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 12:40

Báo động tình trạng thiếu i - ốt quay lại Việt Nam

18/12/2017 | 15:59

Hội thảo Hội thảo Tăng cường thực thi Nghị định 09/2016/NĐ – CP về bổ sung vi chất vào thực phẩm tổ chức ngày 14/12 tại Hà Nội. 
Ảnh: Châu Anh
 
Thiếu I ôt gây hậu quả nghiêm trọng 

Bà Đinh Thị Thu Thủy, đại diện Vụ pháp chế - Bộ Y tế cho biết: vai trò của i-ốt là rất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể con người. I-ốt là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hormon điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da - lông - tóc - móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động...

Đối tượng bị tác động mạnh nhất bởi thiểu vi chất dinh dưỡng chính là phụ nữ và trẻ em, trong đó: Thiếu iốt ở thai phụ dễ xảy ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, nếu thiếu iốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác. Còn đối với trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng... Ngoài ra, thiếu iốt còn gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi.

Số liệu gần đây cho thấy: Việt Nam đang ở trong một tình trạng đáng lo ngại vì các rối loạn do thiếu iốt có thể sẽ quay lại Việt Nam. Trừ khi các hành động dự phòng được thực hiện kịp thời, nếu không các rối loạn do thiếu iốt có thể xảy ra, đặc biệt là ở các khu vực có nguy cơ cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực đông nam nơi việc tiêu thụ muối i-ốt đã giảm ở mức báo động. 

Từ tình hình thực tiễn thiếu hụt i ốt tại Việt Nam, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/9/2016 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Nghị định số 09). Nghị định này được ban hành với mục tiêu phòng ngừa thiếu hụt i ốt trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm phòng, chống các rối loạn thiếu i ốt.

Nghị định 09/2016/NĐ-CP đã có quy định về lộ trình (1 năm) để các doanh nghiệp thực hiện các quy định về việc bổ sung i ốt vào muối ăn và muối dùng để chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, tháng 7/2017, kết quả cuộc khảo sát do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Y tế tại một số cơ sở sản xuất muối và nước mắm cho thấy, chỉ có các doanh nghiệp sản xuất muối là tuân thủ các quy định của Nghị định, và không một cơ sở nước mắm nào dùng muối đã bổ sung i ốt để sản xuất nước mắm.

Cần xây dựng pháp luật bắt buộc trong việc sử dụng muối i ốt

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu iốt, cho dù là thể nhẹ, cũng lấy mất của mỗi trẻ 13,5 điểm IQ, làm giảm năng lực học tập và trí tuệ của các em... Cũng theo WHO, Việt Nam nằm trong khu vực thiếu iốt có tỉ lệ rất cao chiếm tỷ lệ 95,7%. Mặt khác, theo điều tra, gần 47% học sinh hoàn toàn không hiểu biết gì về lợi ích của chất này. Một số gia đình không có thói quen sử dụng muối iốt trong bữa ăn hàng ngày.

Theo các cuộc khảo sát, hiện nay có 90% các bậc cha mẹ hiểu rõ tác dụng của muối i-ốt nhưng chưa thực sự quan tâm. Cùng với đó, cuộc sống bận rộn khiến các gia đình ít khi đủ mặt trong 3 bữa ăn chính. Vì vậy, lượng muối iốt được dùng trong các bữa ăn gia đình chưa đủ đáp ứng nhu cầu i-ốt của cơ thể. 

Bà Karen Codling, điều phối khu vực, mạng lưới i ốt toàn cầu cho biết: kinh nghiệm toàn cầu về bổ sung vi chất vào thực phẩm đòi hỏi các bên Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội vào cuộc. Theo khuyến cáo của WHO và nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thành công, việc xây dựng pháp luật bắt buộc đem lại hiệu quả cao và chi phí rẻ nhất so với bổ sung vào các thực phẩm khác. Điều này cũng đem lại công bằng về chi phí cho các nhà sản xuất, làm cho việc tiếp cận các thực phẩm bổ sung vi chất một cách bình đẳng hơn; Có thể giám sát dễ dàng hơn so với việc bổ sung vi chất tự nguyện; Không yêu cầu người dùng phải thay đổi hành vi; và xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật bổ sung vi chất phù hợp. 

Với mỗi đô la đầu tư vào dinh dưỡng iốt thì chúng ta sẽ tiết kiệm được 30 đô la thông qua khả năng học tập tốt hơn của trẻ em ở trường; tăng năng lực sản xuất của người lớn; và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó, cần nâng cao ý thức sử dụng muối iốt trong cộng đồng bằng việc tuyên truyền về tác hại của thiếu muối i-ốt tới các bậc phụ huynh cũng như trong các trường học; tầm quan trọng của việc sử dụng muối iốt trong các bữa ăn hàng ngày tại gia đình hoặc trường học hay những nơi công cộng cần được quan tâm một cách đúng mức hơn.

Thảo Vân/ GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.