THỨ TƯ, NGÀY 15 THÁNG 05 NĂM 2024 05:33

Bảo hiểm tai nạn lao động: Nhìn từ góc độ tâm lý

06/03/2020 | 15:31
 
Cái lợi của BHTNLĐ đã rõ ràng nhưng nhiều người vẫn còn băn khoăn
 
Dù chúng ta đã cố gắng nâng cao sự an toàn trong lao động sản xuất, nhưng tai nạn lao động vẫn xảy ra. Không thể nào triệt tiêu hết được tai nạn lao động bởi vì hoạt động này diễn ra thường xuyên ở khắp mọi nơi, càng ngày càng khẩn trương. Xét về mặt xác suất, về nguyên tắc là không tránh khỏi rủi ro. Đó là chưa kể tới còn người nhiều khi vẫn mắc phải sai lầm trong hoạt động của mình.
 
Để giảm bớt những lo lắng khi xảy ra tai nạn và hỗ trợ chi phí y tế, tài chính tốt nhất, BHTNLĐ trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của mỗi người, nhất là đối với người lao động trực tiếp tham gia lao động sản xuất ở công trường, nhà máy, xí nghiệp... Trên thực tế, BHTNLĐ đã là một chỗ dựa vững chắc cho người lao động.
 
Tuy nhiên, một số người lao động vẫn thắc mắc: “Liệu có thực sự cần tham gia BHTNLĐ hay không?”. Điều thắc mắc đó tồn tại bởi vì những người lao động thường có mức thu nhập chưa cao, việc chi một khoản nhất định trong lương để đóng bảo hiểm sẽ khiến cuộc sống thường ngày thêm eo hẹp. Lại có nhiều người thực tế hơn khi nói: “Tiền cho việc ăn, việc mặc chưa đủ thì tiền đâu mà tham gia bảo hiểm tai nạn lao động?”.
 
Những thắc mắc này ở mức độ nào đấy là có lý nhưng rõ ràng người ta chưa hiểu thấu đáo vấn đề nên mới nêu thắc mắc như vậy. Trên thực tế, tham gia BHTNLĐ sẽ giúp người lao động an tâm hơn khi làm việc; nó sẽ là người bảo trợ tốt nhất nếu chẳng may xảy ra tai nạn.
 
Hiện nay, dù phần lớn người sử dụng lao động cố gắng cải thiện nhưng môi trường làm việc của người lao động vẫn rất khắc nghiệt, luôn luôn tiềm ẩn những rủi ro. Vì vậy, tham gia BHTNLĐ là điều vô cùng cần thiết trong điều kiện hiện nay. Cái lợi của nó rất nhiều. Ví dụ, khi tai nạn xảy ra với người lao động không có bảo hiểm thì người đó phải tự mình chi trả 100% viện phí, mà số tiền này nhiều khi rất lớn. Còn nếu người lao động đã tham gia BHTNLĐ thì sẽ được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ viện phí. Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ nhiều thứ khác, trong đó có hỗ trợ tài chính với các hạn mức khác nhau. Nói một cách hình ảnh, tham gia BHTNLĐ giống như con người có của để dành.

                                                                           
Việc tham gia BHTNLĐ khiến người lao động yên tâm hơn và kết quả là ít gây tai nạn hơn. Ảnh minh họa KT

BHTNLĐ: Nhìn từ góc độ tâm lý
 
Thật ra, BHTNLĐ không chỉ có vai trò, chức năng và ý nghĩa như những gì chúng ta nói ở trên. Thực tế, BHTNLĐ có ý nghĩa rộng lớn, sâu xa hơn rất nhiều. Nó chính là một biểu hiện của xã hội văn minh; nó còn mang tính nhân đạo, nhân văn, và nó cũng là yếu tố bảo đảm cho lao động sản xuất an toàn hơn, hiệu quả hơn.
 
Để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta cần nhìn nhận từ góc độ tâm lý của con người. Con người không bao giờ làm việc theo một nhịp độ đều đặn như nhau ở mọi thời điểm. Trong một ca làm việc có ba giai đoạn rõ rệt là: 1.Giai đoạn “đi vào công việc”; 2. Giai đoạn “sức làm việc tối đa” hay “sức làm việc ổn định”; 3. Giai đoạn “sức làm việc giảm sút” hay “sự mệt mỏi phát triển”. Giai đoạn 1 ngắn hơn; Giai đoạn 2 cũng ngắn hơn, tuy nhiên sức làm việc tối đa thấp hơn; Giai đoạn 3 sự mệt mỏi xảy ra sớm hơn. 
 
Cần nhấn mạnh rằng, sự mệt mỏi thúc đẩy việc nảy sinh trường hợp bất hạnh chứ không gây ra sự bất hạnh. Nguyên nhân chủ yếu của tai nạn là do người lao động chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn lao động, chưa tự giác chấp hành quy trình quy phạm vận hành máy móc, khai thác thiết bị một cách an toàn. Bên cạnh đó, các nhà quản lý lao động chưa quan tâm đúng mức đến việc cải thiện điều kiện làm việc vệ sinh hơn, an toàn hơn cho người lao động, trong đó có an toàn về mặt tâm lý.


BHTNLĐ có ý nghĩa rộng lớn, sâu xa hơn rất nhiều. Nó chính là một biểu hiện của xã hội văn minh; nó còn mang tính nhân đạo, nhân văn, Ảnh minh họa KT

 Một số biện pháp nâng cao an toàn lao động từ góc độ tâm lý

 
Từ góc độ tâm lý học, có thể vận dụng các yếu tố tâm lý vào xây dựng môi trường lao động trở nên hợp lý, thuận tiện, vệ sinh, góp phần làm giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn trong quá trình sản xuất, đồng thời làm tăng năng suất lao động.
 
Áp dụng các biện pháp truyền thống và mới mẻ như: Tuyên truyền giáo dục về an toàn lao động; Đào tạo nghề nghiệp; “Học đón trước” giúp người lao động có khả năng đoán trước (nhìn thấy trước) các tình huống nguy hiểm để có thể giải quyết chúng nhanh chóng, hiệu quả và điều đó giúp nâng cao an toàn lao động; Xây dựng các nhóm lao động dựa trên các đặc điểm về chuẩn mực của nhóm; Hình thành thái độ trách nhiệm đối với an toàn lao động; Hoàn thiện sự hợp tác giữa các đơn vị dịch vụ; Hoàn thiện chương trình thông tin về an toàn lao động. Bố trí các vị trí làm việc phù hợp; Thay đổi nhịp độ của các động tác trong băng chuyền theo quy luật của sức làm việc; Xây dựng chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý, khoa học, đặc biệt quan tâm các giờ giải lao ngắn của công nhân; Sử dụng hợp lý, khoa học các phương pháp tác động thẩm mỹ khác nhau trong sản xuất, nhất là màu sắc và âm nhạc; Xây dựng và sử dụng hệ thống thưởng - phạt hợp lý; Điều chỉnh một số khiếm khuyết hoặc thiết lập các nhiệm vụ an toàn lao động cho máy ngay trong giai đoạn thiết kế; Hoàn thiện việc bảo dưỡng máy móc và nơi làm việc của người lao động. 
 
Như vậy, cần lưu ý tới những khả năng cũng như giới hạn về mặt tâm - sinh lý của người lao động trong quá trình tham gia lao động sản xuất. Việc tham gia BHTNLĐ khiến người lao động yên tâm hơn và kết quả là ít gây tai nạn hơn.
 

Hồ My/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.