THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 03:56

Bảo tàng chiến tranh để tri ân các liệt sĩ và giáo dục thế hệ trẻ

07/06/2019 | 16:01
 
Rất nhiều đoàn cựu chiến binh và các cơ quan, đoàn thể đến tham quan Bảo tàng. 
 
Ông Lâm Văn Bảng sinh năm 1943, là một cựu chiến binh ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, Phú Xuyên, Hà Nội. Ông nhập ngũ năm 1965. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông bị địch bắt và giam ở nhà lao Biên Hòa rồi đày ra Phú Quốc. Năm 1973, ông cùng nhiều đồng đội được trao trả theo Hiệp định Paris.
 
Bản thân là người lính trải qua nhiều năm binh lửa, bị bắt rồi bị tù đày, ông chứng kiến nhiều cảnh đau thương của người dân và đồng đội. Những cảnh tượng thương tâm của đồng đội khi bị giam cầm, tra tấn và hy sinh găm sâu vào ký ức ông những nỗi ám ảnh, nỗi đau không bao giờ nguôi. Từ những day dứt ấy, ông nung nấu quyết tâm phải làm một điều gì đó để tưởng nhớ những người đồng đội đã khuất và lưu giữ những ký ức một thời đã qua.

 
Ông Lâm Văn Bảng. 
 
Ông Bảng kể lại, vào năm 1985, ông được giao nhiệm vụ sửa chữa Cầu Giẽ. Trong khi sửa chữa thì phát hiện ra một quả bom tấn, ông cùng đồng đội của mình đã vớt quả bom lên, rút hết thuốc trong đó và cho xây bệ trưng bày quả bom. Ông mong muốn xây một địa điểm để lưu giữ những kỷ vật của chiến tranh, của đồng đội, và hành trình ấy bắt đầu từ đó. Với những tâm huyết và niềm tri ân, vượt qua nhiều khó khăn, ông đã gây dựng nên một bảo tàng tự quản, tự túc, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm. Đến nay, bảo tàng do ông xây dựng đã có hơn 4.000 kỷ vật và 10 phòng chuyên đề, tất cả được bố trí bài bản và khoa học trên 2000m2 đất mà ông dùng để xây bảo tàng. Tại đây, có nơi thờ các anh hùng liệt sĩ bị giam tại Phú Quốc với chân nhang được lấy ở nơi thờ Bác Hồ (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội) và tại các nghĩa trang: Cô Đảo, Phú Quốc, Trường Sơn, Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Điện Biên, Hỏa Lò.
 
Các phòng chuyên đề là nơi trưng bày về: Những thủ đoạn tàn độc của Mỹ - Ngụy; những hiện vật quý về sự lãnh đạo của Đảng, lá cờ Tổ quốc; những tấm gương anh hùng tiêu biểu với tinh thần cộng sản trước sự tra tấn của địch; những dụng cụ được sử dụng trong chiến tranh, những dụng cụ tra tấn của địch…
 
 
Bảo tàng như một lời nhắc nhở thế hệ trẻ không quên lịch sử, phát huy tinh thần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời bình.
 
Mỗi kỷ vật được lưu giữ nơi đây đều mang trong mình những câu chuyện để kể lại cho hậu thế về câu chuyện chiến tranh đã qua, để khơi gợi lòng yêu nước, yêu hòa bình cho thế hệ sau. Với tâm nguyện chính để tưởng nhớ đồng đội đã hi sinh và để minh chứng cho những hành động tàn bạo của kẻ địch, Bảo tàng được ông Lâm Văn Bảng mở ra còn với tâm nguyện giáo dục cho thế hệ trẻ về những năm tháng chiến tranh ác liệt. Bởi hòa bình được đánh đổi bằng sự hi sinh xương máu của những người chiến sĩ cách mạng, những tâm hồn thanh niên, những chàng trai, cô gái xung phong từ khắp mọi miền Tổ quốc.
 
Hiện nay, tại bảo tàng có hơn 16 cựu chiến binh tự nguyện làm công tác chăm nom và bảo vệ các hiện vật. Có những người đã ngoài 80 tuổi nhưng ngày nào cũng đến đây để chia sẻ về những câu chuyện trong những năm tháng mưa bom bão đạn ngoài chiến trường. Khách đến tham quan tự do tại bảo tàng với sự hướng dẫn của những người cựu chiến binh.
 
 Mỗi hiện vật, kỷ vật được trưng bày, lưu trữ tại Bảo tàng tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng trong đó những câu chuyện sống động, bi hùng về những ngày tháng tù đày gian khổ nhưng kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Như câu chuyện về lá cờ Tổ quốc bằng máu của ông Nguyễn Thế Nghĩa, một cựu chiến binh ở Bắc Giang tặng cho Bảo tàng. Khi trao tặng lá cờ này, ông Nghĩa rưng rưng dặn dò tôi: “Đây là sinh mạng chính trị cả đời của tôi, trong lúc mọi người đang mưu sinh với cuộc sống, người ta xe hơi, nhà lầu, tôi chỉ có lá cờ này như mạng sống của mình thôi”, ông Bảng kể lại.
 
Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày của người cựu chiến binh Lâm Văn Bảng như một lời nhắc nhở thế hệ trẻ không quên đi lịch sử, phát huy tinh thần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời bình.

Nhàn Nguyễn - Đỗ Thêu/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.