THỨ HAI, NGÀY 29 THÁNG 04 NĂM 2024 06:28

Bảo tồn đa dạng sinh học từ cây dược liệu và thủ công mỹ nghệ tại Thừa Thiên Huế

11/10/2019 | 10:25

Sản xuất và tiêu dùng bền vững là một trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cơ bản và mang đến chất lượng cuộc sống tốt hơn, song song với việc sử dụng tối thiểu nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguyên liệu độc hại cũng như giảm thiểu phát thải và các chất ô nhiễm trong vòng đời của sản phẩm hoặc dịch vụ để không gây ảnh hưởng đến các thế hệ sau.

Được sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), trong khuôn khổ của dự án Trường Sơn Xanh, Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) tổ chức họp khởi động tiểu dự án “Sản xuất bền vững và tiêu thụ có trách nhiệm sản phẩm từ cây dược liệu và thủ công mỹ nghệ để phát triển sinh kế và giảm nạn săn bắt động vật hoang dã nhằm tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Thừa Thiên Huế”. Tiểu dự án được triển khai tại ba huyện Nam Đông, Quảng Điền và A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế (TT Huế) từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 26,1 tỉ đồng.

Tiểu dự án hướng đến mục tiêu phát triển sinh kế cho người dân địa phương sống phụ thuộc vào rừng, qua đó giúp giảm dần áp lực của con người lên rừng và tài nguyên rừng như nạn săn bắt động vật hoang dã và khai thác lâm sản ngoài gỗ, đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh TT Huế. Thông qua phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị theo định hướng thị trường, VIRI và Dự án Trường Sơn Xanh của USAID sẽ thúc đẩy sản xuất bền vững và tiêu thụ có trách nhiệm các sản phẩm đặc trưng địa phương như cây dược liệu và hàng thủ công mỹ nghệ.

Chia sẻ về dự án, Bà Nguyễn Bảo Thoa, Viện trưởng Viện VIRI, cho biết, tiểu dự án hướng đến việc sản xuất bền vững các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm từ cây dược liệu cũng như các sản phẩm địa phương khác. Theo đó, các tiêu chí chính được áp dụng là: Sử dụng kỹ thuật và nguyên liệu địa phương; Tôn trọng các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương; Giảm thiểu nguyên liệu tự nhiên, giảm thiểu tối đa việc sử dụng hoá chất hoặc rác thải ra môi trường; Giảm thiểu thời gian sản xuất; Đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng.

“Các mẫu thiết kế này nếu nhìn kỹ thì sử dụng kỹ thuật rất đơn giản, có thể giảm thiểu thời gian làm sản phẩm của nhóm, giúp nhóm tăng năng suất nhưng hoàn toàn giữ được bản sắc của địa phương”, bà Thoa cho biết.
 
Thông tin từ dự án chỉ ra, dự án dự kiến sẽ tạo thu nhập trực tiếp cho khoảng 280 người và liên kết thị trường thành công cho một số hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Huế. Ngoài ra, 2% doanh thu bán hàng sẽ được huy động từ các đơn vị tham gia để đóng góp cho Quỹ quản lý và bảo vệ rừng cộng đồng tại địa phương.
 
Với phương pháp tiếp cận chuỗi giá trị, VIRI và Dự án Trường Sơn Xanh của USAID sẽ  hỗ trợ người dân địa phương tại đầu vào về các kỹ thuật khai thác mây tự nhiên một cách bền vững cũng như quy trình chuẩn về trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại cây dược liệu, đồng thời nâng cao năng lực về quản lý và kinh doanh cho các nhóm liên kết và hợp tác xã. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và gia tăng giá trị cho sản phẩm, dự án sẽ đa dạng hoá các mẫu mã với nhiều thiết kế mới lạ.

Tại đầu ra, dự án sẽ hỗ trợ tăng cường liên kết kinh doanh giữa người dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ xây dựng ba Trung tâm kết nối tinh hoa tại Huế và kênh truyền thông qua mạng xã hội Facebook, đồng hành cùng các HTX và doanh nghiệp tham gia vào các hội chợ thương mại, nhằm đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị và quảng bá sản phẩm.
 
Các hoạt động này sẽ gắn liền với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dùng liên quan đến tiêu dùng có trách nhiệm đối với xã hội và môi trường. Trong đó, người tiêu dùng sẽ hiểu rõ việc mua và sử dụng các sản phẩm đặc trưng của địa phương là đang góp phần cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân tộc thiểu số, cũng như bảo vệ các cánh rừng và tính đa dạng sinh học quý giá ở khu vực Trường Sơn.

(*) Dự án Trường Sơn Xanh là một dự án về môi trường của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Dự án hỗ trợ chính quyền và người dân tại hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế nhằm góp phần tăng cường quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện và tạo sinh kế thay thế bền vững, nâng cao khả năng thích ứng của các cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số số phụ thuộc vào rừng.

Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.