THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 10:41

Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng

27/06/2020 | 19:00


Ý kiến của trẻ em rất quan trọng

Internet đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt là khoảng thời gian giãn cách xã hội trong đợt dịch COVID 19 vừa rồi, Internet được sử dụng nhiều hơn - ngay cả các học sinh cấp tiểu học lớp 1, 2 cũng đã tham gia học tập trực tuyến trên môi trường mạng. Bên cạnh những lợi ích mà internet mang lại thì trẻ em có thể đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro trên Internet.

Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì xây dựng Đề án quốc gia "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên môi trường mạng" phối kết hợp các cơ quan ban ngành, tổ chức khác để hỗ trợ và bảo vệ trẻ em. Đây chính là đề án được xây dựng vì các em, cho các em, của các em.

Thực hiện quyền tham gia của trẻ em vào các chính sách liên quan đến quyền của các em, tháng 6/2020, Viện MSD phối hợp cùng Tổ chức World Vision và ChildFund đã hỗ trợ lấy ý kiến của hơn 1000 trẻ em tại 20 tỉnh thành/phố, 20 dân tộc khác nhau cho ý kiến về Đề án.

Tiếp theo hoạt động này, Cục An toàn Thông tin tiếp tục phối hợp với Viện MSD để tổ chức buổi truyền thông – tham vấn trực tiếp học sinh các trường về các nội dung của đề án. Chương trình gồm nhiều hoạt động thú vị, không chỉ chia sẻ thông tin về đề án cho các em học sinh mà còn cung cấp các kiến thức hữu ích về chủ đề Sử dụng Internet an toàn, lành mạnh, sáng tạo bởi chuyên gia, đặc biệt bao gồm cả Game Show “Công dân số chuẩn” gồm những trò chơi, đố vui có thưởng dành cho cả các bạn học sinh, giáo viên và phụ huynh do các bạn nhóm Lãnh đạo trẻ của Viện MSD thực hiện.

Ông Hoàng Minh Tiến – Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin cho biết, Đề án được xây dựng để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em. Đặc biệt là vấn đề hỗ trợ, vì các bạn nhỏ, trẻ em của chúng ta là các công dân số, nếu được hỗ trợ để có kiến thức, kỹ năng số, được các cơ quan, tổ chức, cha mẹ, thầy cô làm người đồng hành, tất cả tạo nên một hệ sinh thái cho sự phát triển của trẻ, các em sẽ làm chủ công nghệ và có cơ hội phát triển toàn diện, khai thác tối đa các lợi ích của công nghệ và giảm thiểu các rủi ro trên môi trường mạng. “Chính vì thế, ý kiến của trẻ em cho đề án là vô cùng quan trọng, để giúp đề án thực sự hữu ích, phục vụ cho nhu cầu phát triển của trẻ em”, ông Hoàng Minh Tiến nói.
Tại sự kiện, bà Nguyễn Thu Hương – Chánh văn phòng Cục An toàn Thông tin đã chia sẻ kỹ hơn về các vấn đề của đề án, đặc biệt đề cập đến các rủi ro mà trẻ em cần có ý thức tự bảo vệ bản thân mình và kêu gọi sự hỗ trợ.

Giúp trẻ tương tác sáng tạo, lành mạnh trên không gian mạng

Chia sẻ với giáo viên, phụ huynh và các em học sinh về phương pháp Giáo dục đồng hành, giúp trẻ tương tác sáng tạo, lành mạnh trên không gian mạng, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện MSD, cho biết, trẻ em sinh ra trong thời đại công nghệ số, chính vì thế có sự vượt trội cha mẹ, thầy cô và những người lớn về trí tuệ, tư duy công nghệ. Việc người lớn cố gắng kiểm soát, cấm đoán trẻ sử dụng Internet để phòng ngừa rủi ro là không hiệu quả. Chính vì thế, cha mẹ, thầy cô, người lớn cần tôn trọng quyền sử dụng Internet của trẻ, sẵn sàng đồng hành, học hỏi từ trẻ về công nghệ, cùng con thảo luận giải quyết các tình huống rủi ro trên môi trường mạng, thoả thuận cùng con trong cách sử dụng Internet thông minh và an toàn. Quan trọng hơn, hãy cho con biết bố mẹ, thầy cô, người lớn luôn song hành, hỗ trợ các con.

Việc thu thập thêm ý kiến của trẻ em là một trong những cách thức để Ban soạn thảo Đề án lắng nghe tất cả các ý kiến của trẻ em, thầy cô, phụ huynh và các bên liên quan về giải pháp tối ưu hóa các lợi ích của Internet, giảm thiểu các rủi ro, cũng như các cách thức hỗ trợ bảo vệ, các sản phẩm công nghệ mà các trẻ em mong muốn.

Em P. học sinh lớp 7 trường Nam Từ Liêm chia sẻ: “Con rất thích buổi truyền thông, con vừa được nêu ý kiến vừa được chơi trò chơi, vừa có quà. Bây giờ con đã biết cài đặt thông tin để bảo vệ quyền riêng tư, quyền bảo mật thông tin của con. Con cũng sẽ chú ý hơn trong việc chia sẻ thông tin của mình trên môi trường mạng. Đã có lúc con hùa vào trêu chọc bạn trên môi trường mạng làm bạn buồn, con sẽ chú ý hơn và sử dụng Internet có trách nhiệm hơn”.

Cô Hoàng Thị Yến, hiệu trưởng nhà trường bày tỏ hy vọng đề án sớm được thông qua để chương trình Giáo dục công dân số thực sự đưa vào nhà trường, giúp học sinh ngày càng tài giỏi, thành thạo công nghệ với sự thông minh và có trách nhiệm.

Khẳng định “trẻ em là tương lai của đất nước, đầu tư vào trẻ em để các con sử dụng Công nghệ, Internet là điều cần thiết để đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, bà Hoàng Thị Hoa – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội ghi nhận sự thành công của buổi truyền thông – tham vấn trẻ em về đề án. Bà đề nghị nghiên cứu xây dựng chương trình truyền thông thành mô hình có thể nhân rộng để nhiểu trường, nhiều em học sinh có thể tiếp cận.
 

Châu Anh/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...