THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 04:27

Bé trai uống nhiều sữa đậu nành - Có sao không?

16/11/2017 | 10:26
 
Trẻ từ 2 tuổi trở lên nên cho con tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần. Ảnh: KT
 
Con tôi được 2 tuổi, đêm ngủ không ngon giấc, trên đầu cháu có hiện tượng rụng tóc hình vành khăn và cháu hay ra nhiều mồ hôi. Sợ tốn kém và mất công, tôi định ra hiệu thuốc mua canxi Corbiere dạng ống 5ml và Aquadetrim (vitaminD3) về cho cháu uống vào mỗi buổi sáng với liều lượng 1 ống 5ml và 4 giọt vitaminD3. Theo bác sĩ, tôi có nên làm vậy không? Xin cảm ơn bác sĩ! (Nguyễn Quỳnh Anh, Đại Từ, Thái Nguyên)
 
Trả lời:
 
Cháu nhà chị có uống được nhiều sữa không? Nếu mỗi ngày uống được 500ml sữa trở lên thì mỗi buổi sáng chị chỉ cần bổ sung 2-4 giọt vitaminD3 cho cháu là đủ, bởi trong sữa đã có đủ canxi. Nếu chỉ bổ sung nhiều canxi cho cháu nhưng thiếu chất chuyển hóa là vitaminD3 thì không những không có tác dụng mà còn có hại. Còn nếu cháu không uống được nhiều sữa, chị mới nên bổ sung canxi Corbiere nhưng thời gian không kéo dài quá 20 ngày mỗi đợt.
 
Con gái tôi 24 tháng tuổi, nặng 10kg. Gần đây, cháu thường kêu đau bụng quanh rốn, kém ăn hơn trước, thỉnh thoảng bị rối loạn tiêu hóa… Xin hỏi có phải cháu bị nhiễm giun không? Nếu nhiễm giun thì ở độ tuổi này có tẩy giun được không và dùng loại thuốc nào? Nguyễn Hải Yến (Mộc Châu, Sơn La)
 
Trả lời: 
 
Theo thư chị kể, gần đây cháu thường đau bụng, ăn kém, rối loạn tiêu hóa cũng có thể là dấu hiệu nhiễm giun. Tuy nhiên, để xác định trẻ nhiễm giun hay không, nhiễm loại giun nào cần khám, xét nghiệm phân. Lứa tuổi được khuyến cáo bắt đầu tẩy giun là từ 24 tháng tuổi trở lên. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc tẩy giun bán ở các hiệu thuốc được chỉ định khi nhiễm một hoặc nhiều loại giun như giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim, giun lươn…
 
Nếu không có điều kiện đưa cháu đi khám, xét nghiệm, chị có thể tự theo dõi xem cháu có hay ngứa hậu môn hoặc đi phân vào bô nếu nhiễm giun kim sẽ thấy có giun kim trong phân. Trong trường hợp này, việc dùng thuốc tẩy giun là cần thiết. Chị có thể mua thuốc tẩy giun cho con ở các hiệu thuốc dưới sự tư vấn của các dược sĩ.

Cơ địa của con trai tôi hay bị nhiệt, nhiệt miệng, mọc nhiều mụn to khiến cháu khó chịu. Cháu đi ngoài hay bị chảy máu. Mặc dù tôi đã có ý thức cho cháu ăn hoa quả, sữa chua và uống nước dấp cá hàng ngày, tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ. Tôi đang băn khoăn không biết có phải do loại sữa của cháu đang dùng hay là do cháu uống nước cam và nước dấp cá hàng ngày cũng có một lượng đường vừa đủ ngọt để cháu dễ uống? Có người mách tôi nên cho cháu uống sâm cho mát. Tôi không biết có nên cho con trai (18 tháng tuổi) uống sâm không? Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên và làm thế nào để con tôi hết rôm sảy? (Nguyễn Thị Hương, Hoàng Mai, Hà Nội)
 
Trả lời:
 
Theo khuyến cáo của giới chuyên môn thì không nên cho trẻ em dưới 2 tuổi uống sâm. Nếu chị định dùng sâm với mục đích cho cháu mát thì có nhiều cách thức khác, không cần đến sâm.
 
Con của chị mọc nhiều mụn một phần do nóng trong, một phần do dị ứng da với thời tiết khi ra nhiều mồ hôi kết hợp với bụi bẩn gây tăng tiết vi khuẩn, dẫn đến viêm da. Để hết mụn nhọt, chị cần vệ sinh sạch sẽ cho cháu, ăn nhiều hoa quả, vitamin, uống nhiều nước, tắm gội hàng ngày bằng nước lá kim ngân, sài đất, trà xanh.
 
Lưu ý: Lá dấp cá thường không sạch. Vì vậy, chị không nên dùng nhiều. Nếu dùng phải đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, mua dấp cá không rõ nguồn gốc, dù có ngâm nước muối vẫn không đảm bảo.
 
 
Có thể cho bé trai sử dụng sữa đậu nành. Tuy nhiên, hãy xen kẽ sữa đậu nành với sữa bột cho con uống để cân bằng đạm động vật với đạm thực vật. Ảnh: KT
 
Con trai tôi gần 3 tuổi, rất thích uống sữa đậu nành nên tôi cho con sử dụng thường xuyên. Nhưng tôi nghe đồng nghiệp nói rằng, con trai uống sữa đậu nành là không tốt, uống nhiều có thể gây vô sinh vì trong sữa đậu nành có chứa chất diệt tinh trùng. Xin hỏi bác sĩ, chất diệt tinh trùng là chất gì? Bé trai có nên uống sữa đậu nành không? Một ngày nên uống bao nhiêu? Tôi xin cảm ơn bác sĩ! (Bùi Gia Huy, Ba Vì, Hà Nội)
 
Trả lời:
 
Đây là thắc mắc không của riêng chị mà cũng là mối quan tâm lớn của các bà mẹ có con trai. Thực ra, vấn đề nên hay không nên cho con trai uống sữa đậu nành vẫn đang còn tranh cãi rất nhiều, vì chưa có chứng minh khoa học rõ ràng.
 
Chất diệt tinh trùng mà chị hỏi chính là phytoestrogen thực vật có trong sữa đậu nành, giống phytoestrogen nội tiết tố buồng trứng tiết ra. Nhưng hàm lượng phytoestrogen trong sữa đậu nành rất thấp, vì 100g đậu nành làm được 1 lít sữa. Uống 500ml sữa cũng chỉ tiêu thụ 50g đậu tương/ngày, nhưng không phải đã ăn hết 50g đậu tương do phần bỏ đi cũng đáng kể.
 
Thế nào là một liều lượng trung bình? Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào trả lời dứt khoát câu hỏi này. Nhưng các dữ kiện khoa học công bố trong thời gian gần đây cho thấy có lẽ dùng khoảng 30-40 mg/ngày (tức khoảng 1 ly sữa đậu nành mỗi ngày) là một liều lượng an toàn.
 
Sữa đậu nành chứa nhiều protein, hàm lượng lysine cao hơn ngũ cốc, có thể bổ sung lượng lysine còn thiếu trong gạo và bột mì. Chất béo trong sữa đậu nành còn rất phong phú, hơn nữa còn chứa nhiều axit béo cần thiết, thích hợp cho quá trình phát triển của trẻ. Do đó, hoàn toàn có thể cho bé trai sử dụng sữa đậu nành. Tuy nhiên, hãy xen kẽ sữa đậu nành với sữa bột cho con uống để cân bằng đạm động vật với đạm thực vật. Không nên sử dụng quá 250ml/ngày sẽ dễ gây tiêu chảy. 

Minh Anh (thực hiện)/TC GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

6 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.