THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 09:41

“Bến đỗ” bình an của trẻ em mồ côi

25/10/2021 | 07:18
Hơn 30 năm qua, mái ấm “Gia đình trẻ em mồ côi Xa Mẹ” của ông Vũ Tiến và bà Vũ Thị Ngọc Oanh (13 phố Ngô Văn Sở, Hà Nội) trở thành điểm tựa vững chắc cho hơn 600 trẻ em nghèo mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Nuôi dạy những trẻ thiệt thòi trở thành người có ích cho xã hội là ước nguyện của hai ông bà.

Mái ấm cho những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

Em Trần Hữu Hùng (13 tuổi) ở Hưng Yên, được vợ chồng ông Vũ Tiến nhận về nuôi từ lúc 6 tuổi, kể: “Mẹ em mất từ lúc em 2 tuổi, bố bị tâm thần. Khi về đây em được ông bà chăm sóc, nuôi ăn học. Mùa hè năm nào chúng em cũng được đi chơi, tham dự các trại hè ở nhiều nơi. Hằng tuần, ông bà thường nói chuyện với chúng em về kỹ năng sống, giảng dạy để chúng em trở thành người lương thiện”.

Nhiều đứa trẻ được ông bà Tiến – Oanh nuôi dạy trưởng thành, đi hỏi vợ, gả chồng cho và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ảnh: Hà Thanh

Nhiều đứa trẻ được ông bà Tiến – Oanh nuôi dạy trưởng thành, đi hỏi vợ, gả chồng cho và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ảnh: Hà Thanh

Em Quách Thị Hoài Anh (11 tuổi, ở H.Ân Thi, Hưng Yên) cũng được ông bà nhận nuôi từ 5 năm nay. Hoài Anh mồ côi bố từ nhỏ, mẹ nghèo quá không nuôi được em. “Em được ông bà dạy về văn hóa, lịch sử. Ông còn dạy em cả cách cầm đũa và những điều nhỏ nhặt nhất về cách ứng xử như: biết xin lỗi khi làm sai, biết cảm ơn khi được người khác giúp đỡ. Ngoài giờ học văn hóa, bà dạy chúng em học văn nghệ, tập đàn, tập múa và phải sống thật sạch sẽ, nghe lời người lớn”, Hoài Anh chia sẻ. Em Hữu Hùng và Hoài Anh là 2 trong số 600 trẻ em nghèo, mồ côi, được vợ chồng ông Tiến cưu mang, nuôi dạy và trưởng thành trong ngôi nhà mang tên "Gia đình trẻ em mồ côi Xa Mẹ".

Bà Oanh cho biết, năm 1989 ông bà mở quán ăn Hoa Phượng ở 65 phố Quán Sứ. Quán ăn bình dân và khá đông khách. Gần ga nên người lang thang, nhất là trẻ em cơ nhỡ vào xin ăn rất nhiều. Chiều nào cũng vậy, chúng tôi để một ít đồ ăn, thức uống cho người lang thang. Dần dà, quán Hoa Phượng thành điểm cho trẻ lang thang, xin ăn cuối ngày tụ tập. Ăn xong, bọn trẻ lại trở về nơi lưu trú của mình. Rồi một hôm ông Tiến bàn với bà Oanh nhận nuôi một số trẻ mồ côi hay đến xin ăn ở quán. Trước sự ngạc nhiên của bà Oanh, ông Tiến kể lại câu chuyện thời trẻ cũng lang thang, cơ nhỡ của mình cho vợ nghe. “Đó là lần đầu ông ấy kể chuyện đó với tôi trong sự đồng cảm, cả những giọt nước mắt. Ông ấy muốn giúp những đứa trẻ như ông ngày nào, có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi đồng ý và ủng hộ hoàn toàn”, bà Oanh kể.

Ông Tiến đệm đàn, dạy hát cho những đứa trẻ trong căn phòng sinh hoạt chung của “Gia đình trẻ mồ côi Xa Mẹ”. Ảnh: Quang Phúc

Ông Tiến đệm đàn, dạy hát cho những đứa trẻ trong căn phòng sinh hoạt chung của “Gia đình trẻ mồ côi Xa Mẹ”. Ảnh: Quang Phúc

Để có kinh phí duy trì “Gia đình trẻ em mồ côi Xa Mẹ”, ông bà mở công ty kinh doanh du lịch, một quán ăn và cà phê. Ông cho biết, vợ chồng ông tự lao động để giúp đỡ trẻ nghèo. Từng được một số tổ chức từ thiện nước ngoài hỗ trợ, nhưng ông Tiến chưa bao giờ mở lời kêu gọi tài trợ hay xin giúp đỡ từ bất kỳ ai. “Chúng tôi làm được bao nhiêu thì giúp đỡ các cháu bấy nhiêu. Số tiền tổ chức từ thiện hỗ trợ chỉ chiếm một phần mười chi phí nuôi dạy các cháu suốt 30 năm qua. Có thời điểm kinh phí thiếu thốn, chúng tôi phải bán nhà để vận hành chương trình nhân đạo của mình”, ông nhớ lại.

Trẻ được học hành tử tế và biết yêu thương cuộc đời hơn

Theo ông Tiến, trẻ ở đây không những được học văn hóa mà còn được học thêm các môn năng khiếu nghệ thuật khác như học đàn, múa, ca hát. Ông bà cho rằng, trẻ cần phải được giáo dục thẩm mỹ, bồi dưỡng sự tự tin, nhân ái. Hiểu biết về âm nhạc, nghệ thuật sẽ giúp trẻ bớt suy nghĩ tới những điều tiêu cực, biết yêu thương cuộc đời và sống nhân văn hơn. Những trẻ lớn được ông bà cho đi học nghề. Em học lái xe, em học làm bánh, mỗi em đều có nghề mưu sinh, đủ trưởng thành và tự lập, có thể tự lo cho bản thân.

Bà Vũ Thị Ngọc Oanh dạy học cho các con. Ảnh Vũ Thơ

Bà Vũ Thị Ngọc Oanh dạy học cho các con. Ảnh Vũ Thơ

Cứ như thế, lớp này trưởng thành lại đến lớp khác. Nhiều trẻ được chăm sóc ở đây đã trở thành công dân có ích cho xã hội. Điển hình như vợ chồng anh chị Nguyễn Minh Phú - Lê Thị Thanh hiện là chủ của ba cửa hàng bánh ngọt lớn ở Hà Nội. “Đối với chúng tôi, bác Oanh như người mẹ thứ hai”, chị Thanh chia sẻ. Tiếp bước ông bà Tiến, vợ chồng chị Thanh cũng thường xuyên làm việc thiện tại “Gia đình trẻ em mồ côi Xa mẹ”, sẵn sàng tiếp nhận cả trường hợp khuyết tật, tự kỷ vào học nghề.

Hiện tại, trong căn nhà ở số 13 phố Ngô Văn Sở, ông bà Tiến - Oanh đang nuôi ăn học 10 trẻ mồ côi, lang thang. Ghi nhận nghĩa cử cao đẹp này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2019 cho bà Vũ Thị Ngọc Oanh.

Ông Tiến tâm sự, giờ đây tuổi đã cao, sức khỏe không được như xưa, nên sau khi chăm sóc hết các cháu nhỏ hiện đang ở mái ấm, ông sẽ dừng công việc này. Thay vì trực tiếp nuôi dạy, vợ chồng ông tính sẽ nhận đỡ đầu các em nhỏ khó khăn, tài trợ tiền để các cháu có chi phí sinh sống và học tập.

Theo bà Oanh, các tổ chức xã hội nên quan tâm hơn tới hoàn cảnh, đời sống của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Nên mở nhiều lớp học để hướng dẫn các em rèn nghề, có việc làm ổn định, hạn chế việc phát sinh các tệ nạn xã hội. Việc giáo dục đúng và đủ sẽ giúp các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện tại, mà còn tạo động lực, hạt nhân sống tốt sau này.
Việt Cường
Chiêm ngưỡng 10 mẫu xe đẹp mắt nhất hiện nay

Chiêm ngưỡng 10 mẫu xe đẹp mắt nhất hiện nay

1 tháng trước

Trước kia, việc tìm xe 7 chỗ đẹp tại Việt Nam khá khó khăn. Tuy nhiên từ khi các dòng xe 7 chỗ nhập khẩu tràn về Việt Nam, người dùng có nhiều lựa chọn xe hơi 7 chỗ đẹp, tiện nghi và an...
“Vòng tay yêu thương” chăm lo lâu dài cho trẻ mồ côi vì Covid-19

“Vòng tay yêu thương” chăm lo lâu dài cho trẻ mồ côi vì Covid-19

2 năm trước

Đại dịch Covid-19 vừa qua ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó trẻ em phải gánh chịu những tổn thất nặng nề và đau thương dai dẳng nhất cả về thể...