THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 05 NĂM 2024 02:47

Bến Tre: Tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em

23/05/2019 | 14:59

Sở LĐTBXH Bến Tre tổ chức Hội nghị về Tháng hành động vì trẻ em 2019

Diễn biến trẻ em bị xâm hại trong 03 năm gần đây:
 
Theo số liệu từ Sở LĐ TB XH tỉnh Bến Tre: Trong 03 năm (2016-2018), toàn tỉnh xảy ra 75 trường hợp trẻ em bị xâm hại (trong đó: bị xâm hại tình dục là 71 em, bị gây thương tích 04 em). Các em là nạn nhân ở lứa tuổi từ 6 đến dưới 16 tuổi (có 01 trường hợp dưới 6 tuổi), đối tượng xâm hại các em là những người hàng xóm, bạn bè của trẻ, bạn bè của anh trai, bạn nhậu của cha, cha dượng, ông nội ghẻ. Tuy nhiên, thời gian gần đây phát hiện vụ xâm hại tình dục trẻ em có tính chất loạn luân, cha hiếp dâm con ruột đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, cho thấy sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, gây bức xúc trong nhân dân. 
 
 Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em: Đa số có trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật, không có nghề nghiệp hoặc làm nghề tự do, đa số có mối quan hệ quen biết với các em hoặc gia đình, hoặc là người ở cùng địa phương, do đó, các đối tượng nắm bắt được quy luật sinh hoạt, đi lại của gia đình và các em, dễ dàng tiếp cận, lợi dụng sự ngây thơ, thiếu hiểu biết của các em để thực hiện hành vi phạm tội; ngoài ra, cũng còn rất nhiều trường hợp do trẻ em quan hệ yêu đương với nhau, tự nguyện thực hiện hành vi giao cấu.
 
Về hoàn cảnh gia đình: Một bộ phận cha, mẹ, người thân trong gia đình thờ ơ, thiếu trách nhiệm; lo làm ăn phát triển kinh tế, chưa quan tâm thường xuyên trong việc quản lý và giáo dục con cái, nhất là vấn đề phát triển tâm, sinh lý của các em. Một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ ly hôn, sống với mẹ kế hoặc cha dượng, các trường hợp không còn cha mẹ phải sống với ông bà… những trẻ em này thường bị tổn thương, khiếm khuyết về tâm lý, dễ mặc cảm, tự ti, thiếu điều kiện học tập, vui chơi, thiếu sự quản lý, giáo dục dẫn đến mất phương hướng khi hành động, dễ bị lôi kéo dụ dỗ, bị xâm hại.
 
Công tác can thiệp, xử lý trẻ em bị xâm hại tình dục
 
Tại cấp huyện, khi vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra, phần lớn các cơ quan chức năng đã chủ động vào cuộc, kịp thời chỉ đạo và phối hợp thực hiện các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ để hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em là nạn nhân cũng như xử lý hành vi xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục được các địa phương lập hồ sơ quản lý, theo dõi và thực hiện hỗ trợ, can thiệp theo quy định của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Trẻ em bị xâm hại được hỗ trợ, can thiệp, được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ sử dụng các dịch vụ trợ giúp pháp lý, tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác.
 
Tuy nhiên, còn một số trường hợp vì uy tín, danh dự cá nhân và gia đình khi phát hiện vụ việc, gia đình thường cam chịu không dám tố cáo, không phối hợp để giải quyết sự việc. 
 
Công tác giải quyết xâm hại tình dục trẻ em 
 
Lực lượng công an toàn tỉnh đã tích cực tham mưu, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tiếp nhận và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Bằng các biện pháp nghiệm vụ, lực lượng Công an đã tiếp cận đối tượng vi phạm và can thiệp sớm đối với các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời, Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo một số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra. 
 
 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh thường xuyên thực hiện và phối hợp với các cơ quan, các tổ chức trong các hoạt động tư vấn, hòa giải, tố tụng, đại diện ngoài tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em. Căn cứ vào tính chất, nội dung của từng vụ án xâm hại trẻ em, các Hội đồng xét xử đã lồng ghép để phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em ngay tại phiên tòa; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về kết quả xét xử; góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm xâm hại trẻ em nói riêng trong nhân dân.
 
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã chỉ đạo toàn ngành kiểm sát tăng cường công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, kịp thời xử lý nghiêm các vụ xâm hại trẻ em, phối hợp với các cơ quan rà soát hồ sơ, vụ việc xâm hại trẻ em đã tiếp nhận để xử lý dứt điểm. 
 
Kết quả thu được 
 
Hệ thống văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tương đối hoàn thiện và được triển khai đồng bộ, các cấp, các ngành và xã hội quan tâm thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm lo về đời sống, hỗ trợ giáo dục, y tế đã giúp cho các em vượt qua khó khăn hoà nhập với cộng đồng. 
 
Công tác vận động nguồn lực để hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm thực hiện tốt, thông qua nguồn lực này đã góp phần cho tỉnh đạt các chỉ tiêu về chăm sóc trẻ em theo kế hoạch đề ra của tỉnh.
 
Công tác tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua Tháng hành động vì trẻ em. Các hoạt động chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thực hiện tốt. Số lượng trẻ em được thụ hưởng có tăng lên thông qua các hoạt động như vận động tặng quà, tặng xe đạp, tặng học bổng, tặng học phẩm cho trẻ em. Nhận thức của các gia đình và xã hội về phòng, chống xâm hại trẻ em ngày càng được nâng cao và có sự tham gia tích cực trong công tác bảo vệ trẻ em.
 
Hạn chế còn lại
 
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong công tác chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em vẫn còn những hạn chế nhất định: 
 
- Các cơ quan chức năng tỉnh rất quan tâm chỉ đạo quyết liệt về ngăn ngừa tình trạng học sinh bỏ học, nhưng thực tế vẫn còn xẩy ra tình trạng học sinh bỏ học. Số học sinh bỏ học nhiều nhất là do lười học, mất căn bản dẫn đến học lực kém; do yếu tố gia đình, bản thân sống với người thân thiếu sự quản lý chặt chẽ; một số sớm tham gia lao động kiếm tiền, số ít chuyển sang học tại các trường nghề.
 
- Sự an toàn của trẻ em, nạn xâm hại tình dục đang diễn biến phức tạp. Công tác triển khai các chương trình bảo vệ trẻ em cấp cơ sở có thực hiện nhưng chưa đi vào chiều sâu, chỉ tập trung vào các hoạt động mang tính chất phong trào…
 
- Công tác tuyên truyền chỉ dừng lại ở việc  thực hiện các chế độ chính sách, các quy định của pháp luật trong công tác chăm sóc trẻ em nhưng chưa chú trọng đến việc nêu các gương điển hình, kể cả các hành vi ngược đãi, xâm hại trẻ em. 
 
- Sự phối hợp giữa các ngành trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em chưa chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao; còn chủ yếu còn mang tính hình thức như thăm hỏi, động viên trẻ và gia đình các em khi các em là nạn nhân.
 
- Nhiều bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em chưa nhận thức đầy đủ được trách nhiệm tự bảo vệ trẻ em, thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em. Nhiều gia đình sao nhãng việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; còn lúng túng trong việc xử lý khi có vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra, không biết, không kịp thời, không thông báo, tố cáo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em đến các cơ quan chức năng.
 
- Về pháp luật, một số cơ quan có liên quan chưa phát huy trách nhiệm trong công tác chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em, dù đã có cơ chế quản lý, phối hợp được quy định rõ tại Luật và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP. 
 
 
Tăng cường cac biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em được hữu hiệu hơn:
 
Sở LĐ TB XH tỉnh Bến Tre cho biết sẽ  tiếp tục phối hợp với các ngành các cấp liên quan trong toàn tỉnh triển khai tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, tập huấn về các quy định của Luật và Nghị định dưới Luật, đặc biệt những quy định về bảo vệ trẻ em và quy trình, thủ tục hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột. 
 
- Duy trì, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em kết nối với các dịch vụ công tác xã hội, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục và trợ giúp pháp lý nhằm đáp ứng việc bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp). Bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin, thông báo, tố giác về bạo lực, xâm hại trẻ em. Phối hợp, xử lý thông tin kịp thời giữa địa phương với Tổng đài 111 trong việc xác minh, hỗ trợ, can thiệp các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Kiên quyết xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em và người thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ trẻ em.
 
- Phổ biến quy định của pháp luật và hướng dẫn việc phòng, chống bóc lột trẻ em, không sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật, nhất là trong các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
 
- Tiếp tục thực hiện và nhân rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới” đến địa bàn dân cư; gắn kết tiêu chí về thực hiện quyền trẻ em với đánh giá nông thôn mới. Phổ biến và thực hiện những quy định về tiêu chuẩn, trình tự đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Phát hiện, biểu dương, nhân rộng các sáng kiến, mô hình, kinh nghiệm và gương người tốt, việc tốt thực hiện quyền trẻ em, nhất là bảo vệ trẻ em.
 
- Tăng cường truyền thông, giáo dục về vai trò, trách nhiệm và trang bị kiến thức, kỹ năng cho các thành viên gia đình, bao gồm kỹ năng làm cha mẹ, và cho trẻ em trong việc bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Tận dụng ưu thế của mạng xã hội trong việc cung cấp, chia sẻ các thông tin, sản phẩm truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
 
- Tổ chức các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em. Vận động các nguồn lực để trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tổ chức Diễn đàn trẻ em để xem xét và giải quyết những vấn đề, kiến nghị được trẻ em quan tâm. Triển khai tốt việc bàn giao, quản lý trẻ em trong dịp nghỉ hè bảo đảm mùa hè an toàn cho trẻ em, giảm trẻ em bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước và hạn chế tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
 
- Thành lập, kiện toàn Ban điều hành chương trình bảo vệ trẻ em các cấp; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực trong việc thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột; thực hiện chính sách cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và thu thập, cập nhật thông tin về trẻ em ở cấp huyện, xã và cộng đồng dân cư; phát triển mạng lưới cộng tác viên ấp, khu phố.
 
- Căn cứ vào tình hình thực tế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để có giải pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời, đảm bảo thực hiện tốt các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật.
 
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Ưu tiên phòng ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em bị bạo lực, bóc lột, xâm hại, đặc biệt bị xâm hại tình dục, tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước, do tai nạn giao thông và các vấn đề nóng về trẻ em tại địa phương.
 

H.L/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.