THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 01:22

Bệnh cúm

24/10/2019 | 15:44
 
1. Triệu chứng
 
Theo thống kê của CDC Hoa kỳ hàng năm trên thế giới có hàng chục nghìn người mắc virut cúm. Bệnh cúm thường xuất hiện đột ngột,  người bệnh có thể có một hoặc nhiều triệu chứng sau:
Sốt cao
Rét run hoặc ớn lạnh
Ho khan hoặc ho có đờm
Đau họng
Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi
Đau mỏi cơ toàn thân
Đau đầu
Cảm giác mệt mỏi
 
Một số người gặp triệu chứng nôn và tiêu chảy, triệu chứng này hay gặp ở trẻ em hơn nguời lớn.
 
Ngoài ra , khi mắc cúm người bệnh có thể bị bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác làm cho triệu chứng nặng hơn, có thể dẫn tới viêm tai giữa, viêm phổi nặng và suy hô hấp.
 
2. Đường lây
Bệnh cúm lây truyền trực tiếp từ người sang người qua các giọt nước bọt của người bệnh khi ho và hắt hơi. Vì vậy, Bệnh cúm có tốc độ lây lan rất nhanh, khó kiểm soát và dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng.
 
Bệnh cũng có thể lây truyền khi tiếp xúc bằng tay với các đồ dùng nhiễm virut, sau đó có tiếp xúc tay với miệng hoặc mũi.
 
3. Những người có nguy cơ cao  gặp biến chứng khi mắc cúm
Trẻ em: Do hệ miễn dịch còn yếu chưa đủ khả năng chống đỡ bệnh tật nên trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi khi bị mắc cúm sẽ dễ dẫn đến suy hô hấp, viêm phổi và bội nhiễm các vi khuẩn khác.
 
Người trên 65 tuổi: Ở lứa tuổi này hệ miễn dịch suy giảm cùng với cơ thể suy nhược, mắc các bệnh mãn tình kèm theo làm trầm trọng thêm biến chứng của bệnh cúm. 
 
Phụ nữ đang mang thai: Khi mang thai sự thay đổi về hệ miễn dịch, tăng gánh nặng của tim và phổi làm cho người mẹ có nguy cơ cao bị  mắc cúm và biểu hiện các triệu chứng nghiêm trọng. Virut cúm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi bao gồm các dị tật về não và ống sống. Nếu phụ nữ mang thai được tiêm vắc xin phòng cúm sẽ tránh được dị tật cho thai nhi và có thể truyền kháng thể cho trẻ để bảo vệ  khỏi bệnh cúm trước khi trẻ đủ độ tuổi để tiêm phòng.
 
Người mắc bệnh mạn tính: Virút cúm làm cơ thể yếu đi và làm nặng thêm các bệnh sẵn có. Vì vậy, những người đang mắc các bệnh như hen phế quản, tim mạch, tiểu đường,HIV...cần chủ động tiêm vắc xin phòng cúm.
 

 
4. Điều trị
 
Điều trị không đặc hiệu: là các biện pháp điều trị dựa vào triệu chứng của người bệnh như: nghỉ ngơi, dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, vitamin C…
 
Điều trị đặc hiệu: dùng thuốc kháng virut khi người bệnh nhiễm cúm có các triệu chứng nặng hoặc nằm trong đối tượng có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng. Với các trường hợp gặp các biến chứng nặng đặc biệt là Hội chứng suy hô hấp cấp người bệnh cần theo dõi, điều trị tại đơn vị cấp cứu, hỗ trợ hô hấp bằng máy thở, thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị cao và có nguy cơ tử vong.
 
5. Phòng bệnh
Cần phát hiện sớm và cách ly các trường hợp nghi ngờ cúm để tránh lây lan. Người bệnh và người chăm sóc cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý và thuốc sát trùng.
 
Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo cách tốt nhất để phòng bệnh cúm là tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm cho người từ đủ 6 tháng tuổi trở lên, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao. Vắc xin cúm đang sử dụng tại Việt Nam phòng được cúm A H1N1, cúm A H3N2 và cúm B.
 
Liều tiêm vắc xin cúm
        + Từ đủ 6 tháng đến đến đủ 36 tháng tuổi: liều 0,25ml
        + Từ đủ 36 tháng tuổi trở lên: liều 0,5ml
 
       
Phòng tư vấn và tiêm chủng vắc xin - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Tổng đài tư vấn của Bệnh viện: 1900 3228
Số điện thoại tư vấn tiêm chủng:
+ Cơ sở 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội: 0963.870.651
+ Cơ sở Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội: 0978.667.832
 

 

BS. Nguyễn Thị Thu Trang - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương /GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.