THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 05:22

Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM khai trương hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa

15/09/2020 | 15:39

Tham dự buổi khai trương có PGS TS BS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế; lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành; lãnh đạo và các chuyên gia y bác sĩ BV ĐHYD TP.HCM; đại diện công nghệ truyền dẫn hình ảnh; 2 điểm cầu tham gia tư vấn khám, chữa bệnh từ xa là Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp và Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh - Đăk Lăk; cùng các đồng nghiệp ở 186 bệnh viện tuyến dưới tại 22 tỉnh thành theo dõi trực tiếp qua cầu truyền hình.

Với hệ thống công nghệ truyền dẫn hình ảnh hiện đại Viettel Telehealth, BV ĐHYD TP.HCM triển khai tư vấn phòng, khám, chữa bệnh, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện đa khoa khu vực và đa khoa tỉnh. Dựa trên hệ thống này, các bác sĩ có thể hội chẩn và thực hiện đánh giá bệnh án ngay trên hệ thống, toàn bộ dữ liệu, hình ảnh khám, chữa bệnh đều được lưu trữ và bảo mật. Bệnh viện phát huy thế mạnh đa chuyên khoa - đa mô thức, với sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ từ các trung tâm, chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện như Trung tâm huấn luyện phẫu thuật nội soi, Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Thần kinh, khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy, khoa Chẩn đoán hình ảnh… Đồng thời, công nghệ quản trị tiên tiến của Bệnh viện như Bệnh án điện tử, hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa (PACS)… cũng được ứng dụng để nâng cao hiệu quả hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh cùng các bệnh viện tuyến dưới. Thông qua hoạt động này, người bệnh có thể được điều trị hiệu quả ngay ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, tiết kiệm thời gian, chi phí.

PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: “Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến để tăng cường hiệu quả khám, chữa bệnh là định hướng chiến lược của Bộ Y tế. Điển hình trong đó là Đề án khám chữa bệnh từ xa với mục tiêu tất cả cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện được hỗ trợ chuyên môn liên tục và mọi người dân được hỗ trợ y tế thường xuyên. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của BV ĐHYD TP.HCM, thực hiện tốt công tác điều trị, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn và công nghệ quản trị. Việc triển khai, đẩy mạnh hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa trên nền tảng công nghệ hiện đại không chỉ nâng cao chất lượng điều trị, tiết kiệm chi phí cho xã hội và ngành Y tế mà còn giúp đội ngũ y bác sĩ có thể dễ dàng trao đổi, đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, giảm quá tải bệnh viện.”

PGS TS BS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế.

PGS TS BS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của BV ĐHYD TP.HCM trong những năm qua về công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới. Thực hiện Đề án khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế, Bệnh viện đã tiếp tục tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, giúp chất lượng khám chữa bệnh được vươn cao, vươn xa. Với bề dày kiến thức, kinh nghiệm, Bộ Y tế tin tưởng rằng BV ĐHYD TP.HCM sẽ là địa chỉ tin cậy giúp đỡ cho các bệnh viện tuyến dưới, sẵn sàng truyền đạt, chia sẻ kiến thức nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Tại sự kiện, các chuyên gia của BV ĐHYD TP.HCM thực hiện hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp và Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (Đăk Lăk). Các bác sĩ đã tư vấn lâm sàng, kết nối siêu âm trực tuyến, truyền hình ảnh phim cắt lớp vi tính, truyền dữ liệu hình ảnh thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh cho các bệnh viện tuyến dưới. Buổi hội chẩn còn có sự tham gia của hơn 186 điểm cầu kết nối trực tuyến của các bệnh viện ở 22 tỉnh thành khác.

 

Tại buổi khai trương, đã có 2 ca bệnh được hội chẩn:

 

Ca bệnh số 1:

Người bệnh N.T.Đ (58 tuổi, ngụ tại Đăk Lăk). Người bệnh nhập viện trong tình trạng khó thở, khò khè. Người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đã 10 năm nay, được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, gần đây bà Đ. có triệu chứng khó thở, khò khè, ho khạc đàm trắng đục, kèm sốt nhẹ. Tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, các bác sĩ đánh giá đây là ca bệnh khó, nhiều bệnh nền khác nhau (như lao phổi, giãn phế quản, tăng huyết áp). Đặc biệt, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn kháng thuốc, rất cần sự hỗ trợ của các chuyên gia để đưa ra phương pháp điều trị tiếp theo cho người bệnh. Tại buổi hội chẩn trực tuyến, các chuyên gia của BV ĐHYD TP.HCM đã tiến hành hội chẩn, đưa ra phương pháp điều trị cho người bệnh.

 

Ca bệnh số 2:

Người bệnh N.V.M. 73 tuổi ngụ tại tỉnh Đồng Tháp. Người bệnh có các cơn co giật toàn thân xảy ra bất chợt lúc ngủ, có tiền căn nhồi máu não cách đây 4 năm. Thời điểm nhập viện, ông M. rơi vào tình trạng hôn mê, thở phì phò, gồng tay chân. Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã kịp thời cấp cứu người bệnh với chẩn đoán ban đầu là u não trán phải, nhồi máu não cũ nhân bèo phải trán trái, động kinh cục bộ toàn thể hóa thứ phát. Tình trạng người bệnh hiện đang ổn định, tuy nhiên cần xác định rõ nguyên nhân gây các cơn động kinh để xác định hướng điều trị. Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia của BV ĐHYD TPHCM cho biết, người bệnh xuất hiện các cơn co giật có thể do 2 tác nhân chính là dị dạng mạch máu não và u não, các bác sĩ đã cùng hội chẩn để đưa ra hướng điều trị tiếp theo.

Can Khương/GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.