THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 10:37

Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện tốt công tác chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh

19/12/2019 | 05:40

Chuyển giao kỹ thuật thành công cho hơn 50 bệnh viện trên toàn quốc

Với tư duy phát triển “nếu không có các kỹ thuật mũi nhọn, thế giới sẽ không biết đến nền y khoa Việt Nam” cùng định hướng phù hợp, Bệnh viện Tim Hà Nội vừa chính thức được Bộ Y tế công nhận là tuyến cuối về chuyên ngành tim mạch.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ, ông luôn tâm niệm, nếu không có các kỹ thuật mũi nhọn, thế giới sẽ không biết đến nền y khoa Việt Nam. Đây cũng chính là chiếc cầu nối giúp người bệnh tiếp cận các kỹ thuật can thiệp hiện đại trên thế giới ngay tại quê nhà với chi phí thấp hơn, không phải tốn kém đi ra nước ngoài chữa bệnh.

Vì thế, thời gian qua, ngoài việc đa dạng hóa dịch vụ khám bệnh, các bác sĩ của bệnh viện đã tập trung nghiên cứu, triển khai các kỹ thuật khám, chữa bệnh tim mạch chuyên sâu, đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm có 5-10 kỹ thuật mới được áp dụng tại bệnh viện.

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội chuyển giao kỹ thuật tim mạch tại BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc

Những năm vừa qua, không chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo tuyến về chuyên ngành tim mạch của thành phố mà Bệnh viện Tim Hà Nội đã mang kỹ thuật can thiệp tim mạch chuyển giao tới hơn 50 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Đáng chú ý, trong số những cơ sở mà Bệnh viện Tim Hà Nội được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn về chuyên ngành tim mạch, có cả những bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện lớn, như: Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy (Quảng Ninh), Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị Nghệ An…

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được UBND TP Hà Nội giao, Bệnh viện còn hỗ trợ đào tạo phát triển chuyên ngành tim mạch tại nước CHDCND Lào.

Về định hướng tới đây, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Trương Quang Việt cho biết, với việc được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối, Bệnh viện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Đề án bệnh viện vệ tinh; tiếp tục phát triển các loại hình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tim mạch đáp ứng nhu cầu của tuyến dưới.

Đồng thời, duy trì, phát triển các hoạt động chỉ đạo tuyến hỗ trợ tuyến dưới thuộc Hà Nội; từng bước hỗ trợ chỉ đạo tuyến tại 16 bệnh viện vệ tinh và một số tỉnh miền núi khó khăn như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La…

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Tim Hà Nội khẳng định, Bệnh viện sẽ không ngừng hoàn thiện, khẳng định vị thế bệnh viện tuyến cuối về chuyên ngành tim mạch của cả nước, xứng đáng với sự công nhận và giao nhiệm vụ của Bộ Y tế.

Với định hướng và bước đi phù hợp, đến nay Bệnh viện Tim Hà Nội đã phát triển một cách toàn diện về cả quy mô và trình độ chuyên môn; là bệnh viện hoàn chỉnh trong lĩnh vực tim mạch với năm mũi nhọn chuyên môn: phẫu thuật, can thiệp, nội khoa, nhi khoa và tim mạch chuyển hóa.

Giúp giảm quá tải cho tuyến trên, tiết kiệm chi phí cho người bệnh

Với quyết tâm chinh phục các thử thách, tập thể các thầy thuốc bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật can thiệp hiện đại, giúp điều trị thành công và đem lại cuộc sống cho những người mắc bệnh hiểm nghèo. Các kỹ thuật chuyên khoa sâu hàng đầu Việt Nam, có trình độ ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới về can thiệp tim mạch đã được bệnh viện thực hiện thường quy như: Thông tim chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh và mắc phải cho cả trẻ sơ sinh nhẹ cân, trẻ em và người trưởng thành; cấy máy tạo nhịp tạm thời, vĩnh viễn, máy phá rung tim dưới da; thăm dò điện sinh lý và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng có tần số Radio (RF) sử dụng hệ thống bản đồ ba chiều giải phẫu - điện học các buồng tim; chụp, nong và đặt stent điều trị hẹp động mạch vành, động mạch dưới đòn, động mạch thận, động mạch ngoài sọ (mạch cảnh, đốt sống) số hóa xóa nền; kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) cấp cứu tại giường trong hỗ trợ suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp… Nhờ đó, đến năm 2018, các bác sĩ ở đây đã thực hiện 8.247 ca can thiệp tim mạch, tăng gấp 16,3 lần so với 10 năm trước (năm 2009 thực hiện 504 ca).

Kỹ thuật phẫu thuật tim mở do các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện cũng ngày càng phát triển, từ chỗ chỉ mổ những ca thông liên thất, thông liên nhĩ, đến nay bệnh viện đã phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh phức tạp như: phẫu thuật sửa toàn bộ dị tật tim bẩm sinh; chuyển vị đại động mạch, đảo gốc động mạch, tách thành động mạch chủ, phẫu thuật điều trị rung nhĩ; phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chủ - động mạch vành kết hợp các can thiệp khác trên tim như thay/sửa van tim; phẫu thuật thay/sửa cùng lúc nhiều van tim; phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp cho trẻ sơ sinh một ngày tuổi, trẻ sơ sinh thấp cân (1,4 kg)...

Nhờ những kết quả về chuyên môn kỹ thuật, Bệnh viện Tim Hà Nội được Bộ Y tế công nhận là đơn vị tuyến cuối và giao nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn nhiều bệnh viện tuyến trung ương và tại các tỉnh, thành phố. Bệnh viện đã thực hiện đào tạo và chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim mở cho các bệnh viện: Quân y 103, T.Ư Quân đội 108, Hữu nghị Việt Xô, Đa khoa Bãi Cháy (Quảng Ninh), Đa khoa Hữu nghị Nghệ An, Nhi Nghệ An; chuyển giao thành công kỹ thuật can thiệp động mạch vành, can thiệp tim bẩm sinh cho nhiều bệnh viện khác.

Không chỉ là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tim mạch của thành phố, thực hiện công tác chỉ đạo tuyến tại tất cả các bệnh viện và trung tâm y tế 29 quận, huyện trên địa bàn, đến nay 16 bệnh viện tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia "Ðề án bệnh viện vệ tinh" của Bộ Y tế với vai trò là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội. Bệnh viện đã chuyển giao kỹ thuật chuyên ngành tim mạch cho 70 cơ sở khám, chữa bệnh của Hà Nội và hơn 50 đơn vị tại các tỉnh, thành phố.

Bệnh viện cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về tim mạch học cơ bản, cấp cứu tim mạch, chẩn đoán và điều trị bệnh tim bẩm sinh… giúp hàng nghìn bác sĩ của Hà Nội và các tỉnh lân cận thực hiện thành thạo các kỹ thuật chuyên khoa ngay tại cơ sở. Ðiều đó giúp giảm quá tải cho tuyến trên, tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Ðáng chú ý, nhiều người bệnh được cấp cứu tim mạch ngay khi tiếp cận dịch vụ y tế tại cơ sở, yếu tố sống còn trong một số trường hợp đã giúp người bệnh vượt qua cơn hiểm nghèo, điều mà trước đây nhiều đơn vị tuyến dưới không thể thực hiện được.

Theo đề nghị của Tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khoảng (CHDCND Lào), UBND TP.Hà Nội giao Bệnh viện Tim Hà Nội triển khai đề án "Hỗ trợ đào tạo và phát triển trung tâm tim mạch tại tỉnh Xiêng Khoảng, CHDCND Lào". Các hoạt động chính đã được triển khai: đào tạo cho bác sĩ, điều dưỡng về chuyên khoa tim mạch; tư vấn thiết kế, hỗ trợ kỹ thuật để thành lập và vận hành trung tâm tim mạch tại Bệnh viện tỉnh Xiêng Khoảng; chuyển giao một số kỹ thuật liên quan đến can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim mở... Ðến nay, người dân tỉnh Xiêng Khoảng và 8 tỉnh bắc Lào được khám, cấp cứu, điều trị và chăm sóc các bệnh lý về tim mạch.

Ðáng chú ý, Bệnh viện Tim Hà Nội đã trở thành đơn vị đầu tiên của thành phố được giao thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế giai đoạn 2017 - 2020. Việc được tự chủ đã tạo nên sự năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; trong kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, đào tạo cán bộ trình độ cao; đổi mới quy trình khám, chữa bệnh và mở rộng các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Mô hình tự chủ của Bệnh viện Tim Hà Nội đang được nhiều đơn vị học tập tham khảo và đang được thành phố nghiên cứu nhân rộng ra các đơn vị sự nghiệp y tế khác.

Mai Ngọc/ TC Gia đình & Trẻ em

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.