THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 09:56

Bi hài học online mùa dịch

13/04/2020 | 15:18
Dạy online miễn phí, chưa chắc học sinh đã học đủ
 
Con gái chị Mai Anh học lớp 5, tối nào cũng tầm 8h, con chị vào Zoom học với cô chủ nhiệm. Ban đầu, phụ huynh lúng túng trong việc cài đặt và truy cập nên chỉ có khoảng chục bạn theo học, sau cô giáo gửi video hướng dẫn tỉ mỉ và thuyết phục bằng được cha mẹ nên cho con học online vì dịch bệnh ngày càng phức tạp, việc nghỉ học có thể còn tiếp tục kéo dài. Cô dạy hoàn toàn miễn phí, tận tình, tưởng là phụ huynh nào cũng hào hứng tham gia, thế mà nhiều cha mẹ viện đủ lý do để từ chối cho con học. Nào “Nhà chị không có máy tính”, “Điện thoại anh cùi bắp lắm, không học được đâu”, “Vợ chồng anh đi làm về muộn lắm, không cho con mượn điện thoại để học online được”, “Chị không biết gì về cài đặt đâu, nghe phức tạp quá”… 
 
Để 40 - 50 học sinh cùng học online một lúc quả là điều không đơn giản. Lớp con chị Mai Anh buổi nào cũng chỉ được tầm 20 - 30 bạn, chưa bao giờ đủ cả lớp, vì có bạn thì “Con không vào được mạng, cô ơi”, có bạn lại “Hôm nay nhà con có giỗ, con phải phụ mẹ rửa bát chưa xong”, hoặc “Mẹ con đi vắng rồi, con không có điện thoại để học”…
 
Với giáo viên ở các thành phố lớn, hầu hết nhà học sinh có máy tính, laptop, điện thoại smartphone, và điều quan trọng hơn cả là tư tưởng phụ huynh tiến bộ, việc thuyết phục trẻ học online khá dễ dàng; ngược lại, ở các vùng quê, vận động học sinh học online là cả một quá trình thương thuyết đầy khó khăn vì học sinh không có phương tiện học hoặc cha mẹ bận, không hỗ trợ con học online được. 

 Cha mẹ không nên kè kè ngồi bên cạnh con khi học online, vì điều này có thể khiến cho giáo viên cảm thấy mất tự nhiên, ảnh hưởng đến việc dạy học.
 
Những bi hài khi trẻ học online
 
Học online bên cạnh vô vàn những tiện ích thông minh, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, và quan trọng nhất là để phòng chống Covid-19 thì đã có không ít bi, hài xảy ra.
 
Có lần, lớp con chị Mai Anh đang học thì nghe thấy bố mẹ bạn nào cãi nhau kịch liệt. Một số bạn tinh ý nhận ra đó là bố mẹ bạn V.A, họ cãi nhau vì tiền, cái gì mà “Tiền anh, tiền tôi, tôi cũng đi làm kiếm tiền, chứ tôi có ngồi chơi đâu”… Cô chủ nhiệm và cả lớp đều lờ đi, coi như không nghe thấy, không biết gì, nhưng không hiểu tại sao, bạn V.A bỗng đột ngột thoát khỏi Zoom, vậy là suy đoán bố mẹ V.A cãi nhau đã rõ như ban ngày. Hôm khác, phụ huynh không cãi nhau nữa mà mắng con sa sả lọt vào míc khiến cả lớp giật mình. Mẹ một bạn nào đó mắng em của bạn muộn rồi vẫn chưa chịu đi tắm rửa, chỉ cắm mặt vào xem tivi, lười chảy thây, bẩn thỉu… Sau đó, biết mình lỡ lời vì con lớn đang học, người mẹ vội vàng suỵt suỵt… nhưng tất nhiên, ai cũng nghe thấy hết cả rồi. Sau mấy lần phải nghe cãi cọ, mắng chửi bất đắc dĩ, cô giáo hướng dẫn học sinh tắt míc, chỉ bật míc lên khi cô gọi phát biểu, chữa bài. Nhưng vẫn rất nhiều bạn không biết cách tắt míc hoặc quên tắt míc nên thỉnh thoảng cả lớp lại được nghe “sinh hoạt cộng đồng sôi động”.
 
Hãy dành cho con một góc yên tĩnh để học online.
 
Cũng dạy học online qua Zoom, một cô giáo trẻ cho biết, cô nhiều lần phát hoảng khi thấy các ông bố cởi trần hoặc mặc áo may ô đứng ngay sau học sinh để học cùng con hay chỉ đơn giản nhà học sinh chỉ có một phòng ngủ kiêm phòng học nên đôi lúc hình ảnh cha mẹ vô tình lọt vào camera. Vấn đề này vô cùng tế nhị, cô giáo không dám nhắc nhở phụ huynh mặc thêm áo, cô đành phải nhờ hội trưởng hội phụ huynh nói khéo các bậc phụ huynh nên cho con học ở chỗ yên tĩnh, và nếu tham gia học cùng con thì nên ăn mặc chỉnh tề như khi đến trường.
 
Khắc phục các sự cố gặp phải của các đồng nghiệp trong quá trình dạy học online, nhiều giáo viên đã cấp tốc soạn Bảng quy tắc dành cho cha mẹ và học sinh khi tham gia lớp học online gửi vào Group Zalo của phụ huynh và yêu cầu nghiêm túc tuân thủ. Kể từ đó, lớp học online mới thực sự đi vào nề nếp, quy củ.
 
Đó là học online với các thầy cô trên lớp, tương tác trực tiếp giữa giáo viên với học sinh. Còn với học online một chiều (qua truyền hình hoặc một số kênh khác), học sinh chỉ được nghe giảng, không được phát biểu, đã có không ít bình luận khiếm nhã xuất hiện tại phần nhận xét của clip dạy học được livestream trực tiếp trên mạng. Người ta không thể tưởng tượng được, những nhận xét tục tĩu và tiêu cực này lại phát ra từ miệng những đứa trẻ. Trước thực trạng này, bộ phận kỹ thuật tại các đài truyền hình và một số trang mạng đã tiến hành lọc các bình luận để tránh xuất hiện các nhận xét mang tính khiếm nhã.
Hầu hết các giáo viên hiện nay đều chọn Zoom làm phần mềm giảng dạy online.

 Nhìn chung, giống như bất cứ phương pháp giáo dục nào, học online cũng có ưu và nhược điểm. Vì học online, học sinh không mặt đối mặt trực tiếp với giáo viên như trên lớp nên ý thức kỷ luật và sự nghiêm túc trong học tập cũng có phần bị xem nhẹ. Để việc học online thực sự hiệu quả, giáo viên cần nghiêm khắc hơn, đặc biệt phụ huynh cũng cần nghiêm túc hơn trong các giờ học online của con. Cho con học đúng giờ và ăn mặc chỉnh tề như khi đến lớp (không nên để con mặc quần áo ngủ xuề xòa), không nói chuyện riêng làm ảnh hưởng đến việc học của con, nên thu xếp một góc riêng yên tĩnh để con học, đừng kè kè ngồi cạnh con vì điều đó có thể khiến cho giáo viên cảm thấy không thoải mái. Nếu lo con học hành không nghiêm túc, bạn có thể để mắt đến con nhưng ở một vị trí không lọt vào khuôn hình của camera. Phụ huynh chỉ nên tham gia hỗ trợ việc học của con khi con bị mất mạng hoặc lỗi kỹ thuật.

Phương Anh/GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...