CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 12:18

Bố mẹ cần biết điều này khi con mắc bệnh đường hô hấp

28/12/2017 | 09:50


Thời tiết thay đổi rất dễ khiến trẻ bị viêm đường hô hấp. ẢNH: T.G
 
Viêm đường hô hấp trên
 
Đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản - do tiếp xúc trực tiếp với không khí, dẫn đến cảm lạnh, tiếp đó là viêm mũi họng, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm tai giữa… Các viêm sưng do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể do virus, vi khuẩn, vi nấm (dị vật, bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc lá), do dị ứng thời tiết (những ngày trời lạnh, chuyển mùa đông-xuân).
 
Triệu chứng chủ yếu là sốt nhẹ, ho, chảy mũi hoặc không chảy mũi, khò khè… Tùy thể trạng mà điều trị triệu chứng. Bệnh nhẹ chỉ cần vệ sinh mũi, họng sạch sẽ, không cần dùng thuốc cũng có thể sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày.
 
Viêm đường hô hấp dưới
 
Tỷ lệ mắc phải viêm đường hô hấp dưới quanh năm rất cao, đặc biệt vào mùa lạnh ở miền Bắc và mùa mưa ở miền Nam. Bệnh hay xảy ra sau khi bị cảm cúm, cảm lạnh và hay gặp nặng nhất là hai thể viêm phế quản cấp và viêm phổi vì dễ biến chứng, gây tử vong. Đặc biệt viêm phổi ở trẻ nhỏ diễn biến rất nhanh. Vì thế, cha mẹ phải theo dõi sát diễn biến của trẻ, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh diễn biến rất nhanh.
 
Mức độ nguy hiểm của viêm hô hấp dưới không thể xem thường, cần dùng thuốc kháng sinh để chữa trị dứt điểm, nhưng phải có sự hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Cha mẹ không được tự ý cho trẻ dùng kháng sinh vì vi khuẩn dễ kháng thuốc. Một đợt viêm phổi cấp điều trị đúng thường khỏi sau 7-10 ngày, nhưng nếu để biến chứng nặng rất dễ bị tử vong.
 
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, bất kì ai cũng có thể bị bệnh viêm đường hô hấp dưới, nhưng trẻ nhỏ và người già dễ mắc hơn do sức đề kháng, hệ miễn dịch bị suy yếu, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công. Hay trẻ mắc các bệnh lý mạn tính ở phổi như bị hen phế quản.
 
Xử trí ở nhà
 
Theo lương y Nguyễn Anh Đào (nguyên bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội), khi bị viêm đường hô hấp trên/dưới đều gây chảy nước mũi, nghẹt mũi, tắc mũi (do tăng tiết nhiều ở đường hô hấp trên). Nếu chỉ cảm ho, không khó thở, không có các dấu hiệu nguy hiểm thì có thể chăm sóc tại nhà với vài loại thuốc ho an toàn - loại này bố mẹ cần nhờ bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hô hấp tư vấn để mua.
 
Có thể dùng một số thuốc giảm ho an toàn như mật ong (nhấp ít một, 6giờ/1 lần, mỗi lần 1/2 thìa cà phê) hoặc nước quất hấp đường kính (quả quất bỏ hạt, vắt bớt nước, hấp cách thủy 20 phút, chắt lấy nước cho trẻ nhấp miệng ít một).
 
Nếu bị đau họng, pha nước ấm với chanh mật ong, giúp làm giảm sưng tấy hiệu quả và rất lành tính. Riêng với trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên dùng mật ong vì có thể chứa một số loại mật hoa không an toàn.
 
Nếu ho có đờm nhầy, có thể xông hơi nước pha thêm tinh dầu bạc hà để hỗ trợ làm sạch đờm nhầy khỏi ngực.
 
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nếu bác sĩ xác định rõ nguyên nhân, có thể dùng kháng sinh, kháng viêm, nhưng cha mẹ không tự ý dùng thuốc cho con khi chưa đi khám, chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi thấy trẻ bị cảm, ho có thể dùng nhóm “thuốc ho an toàn” chế từ thảo dược, nhưng cần có tư vấn của bác sĩ. Bạn nên cho con nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước để tránh mất nước.
 
Cách phòng bệnh hô hấp khi giao mùa
 
Theo hướng dẫn của Bệnh viện Nhi Trung ương về phòng bệnh đường hô hấp trên/dưới khi thời tiết giao mùa như sau:
 
- Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, trực tiếp với người bệnh, tránh các yếu tố có hại cho đường hô hấp như: Bụi, hơi nóng, khí nóng, khí độc…
 
Với trẻ em:
 
- Giữ vệ sinh và bảo quản sữa mẹ tránh nhiễm khuẩn. Tránh nằm phòng điều hòa, sinh hoạt ngoài trời lâu khi trời lạnh, chuyển mùa
 
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng: Trẻ bé bú nhiều hơn. Trẻ lớn cho ăn đồ dễ ăn, giàu dinh dưỡng, vi chất, tăng cường hoa quả.
 
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ 2 lần/ngày sau bữa ăn. Luôn rửa tay bằng xà phòng, trước khi ăn.
 
- Giữ ấm cơ thể khi trời trở, gió lạnh, mưa. Đeo khẩu trang khi ra đường để tránh tiếp xúc trực tiếp với khói bụi ô nhiễm hoặc hít phải các dị vật, vi sinh vật không tốt.
 
- Môi trường sống thông thoáng, tránh ẩm thấp và nơi đông người. Tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào trong căn phòng có trẻ em. Hạn chế sử dụng than, củi… vì có khí độc hại.
 
- Tránh học, làm việc ở nơi nhiệt độ quá thấp.
 
Cha mẹ phân biệt viêm hô hấp trên và dưới để có cách xử lý phù hợp khi trở trời, chữa trị kịp thời bệnh sẽ không thể tiến triển nặng hơn, tránh để lại những di chứng khó chữa.
 
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyên rằng, cần cho trẻ đi viện ngay khi có một trong các triệu chứng sau: Trẻ ăn uống (bú) kém, bỏ bữa, sốt không rõ ràng, hay nôn trớ, giấc ngủ không ngon. Trẻ nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày…và sức khỏe không tốt lên sau 2 ngày điều trị. Hoặc trẻ được bố chăm sóc tại nhà 1 tuần mà không bớt, nôn, ho có đàm đặc như mủ, ho ra máu, sốt cao liên tục 2 ngày, khó thở, thở nhanh hơn 50 lần/1 phút, rút lõm lồng ngực…
Hàng ngày cần vệ sinh mũi, thông mũi trước khi ăn (bú) để tránh bị nôn.
Không tự ý nhỏ các thuốc co mạch kéo dài cho trẻ.
Không nhỏ nước ép tỏi cho trẻ vì dễ gây bỏng niêm mạc của trẻ.
Không tự đặt khí dung cho con tại nhà, vì không tiệt khuẩn sẽ làm trẻ ốm thêm.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng 

Theo Uyển Hương/Giadinh.net.vn

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.