THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 05:13

Bố mẹ đã hết yêu nhau…

14/01/2019 | 15:18
 
 
Nhiều cha mẹ lúng túng trong việc nói với con về việc ly hôn. Ảnh minh họa
 
Trốn tránh sự thật càng dễ bị kịch

Khi Hưng ly hôn, cậu con trai tròn 5 tuổi. Họ đã không nói sự thật cho đứa trẻ. Hai vợ chồng anh cùng đóng một vở kịch vụng về, rằng ông ngoại bị ốm, mẹ về ở với ông bà ngoại một thời gian. Tuy nhiên, mọi điều đều chẳng thể qua nổi mắt trẻ. Có thể, một đứa trẻ 5 tuổi chưa hiểu hết ly hôn là gì nhưng chúng hiểu, từ bây giờ cha mẹ sẽ không sống cùng nhau nữa và nguyên do vì đâu luôn là thắc mắc lớn trong lòng đứa trẻ.
 
Hoa lại khác. Vợ chồng cô ly hôn trong lặng lẽ. Đến cha mẹ và người thân cũng không ai hay biết. Đứa trẻ được mẹ giải thích rằng bố đi công tác một thời gian nên sẽ tạm thời vắng nhà. Khi đó, con gái Hoa vừa mới lên 3. Cô sợ bố mẹ và con mình bị sốc nên đã chọn biện pháp nói dối tạm thời. Sau đó gần 1 năm, chồng cô lấy vợ mới. Không thể bưng bít thông tin được nữa, Hoa đành kể hết sự tình với bố mẹ, đặt vào sự đã rồi. Còn với con gái, cô chỉ nói qua loa, thông báo rằng bố mẹ đã chia tay, bố đi lấy vợ khác rồi, từ giờ nhà sẽ chỉ có hai mẹ con. Cô không dám nói nhiều vì sợ làm con tổn thương. Tuy nhiên, chính vì cách nói chuyện qua quýt của Hoa khiến con gái hiểu nhầm rằng mẹ không còn thương bố, mẹ bỏ bố nên bố mới đi lấy vợ mới. Con gái giận mẹ và phải mất một thời gian, khúc mắc giữa hai mẹ con mới được giải tỏa.
 

Nói với con về việc ly hôn sớm sẽ giúp trẻ không nuôi hy vọng bố mẹ hàn gắn và giúp chúng dễ thích ứng với cuộc sống mới hơn. Ảnh minh họa
 
Thẳng thắn đối diện để nói với con

Có thể thấy, câu chuyện về ly hôn chưa bao giờ là dễ dàng đối với bất cứ ai, người chủ động ly hôn hay người bị đề nghị ly hôn. Khi ly hôn, điều mà mọi người tưởng rằng khó khăn nhất là việc bạn sẽ đối mặt với cuộc sống sau này như thế nào. Nhưng điều này đôi khi lại chưa phải là khó khăn lớn nhất, mà điều khó hơn là bạn sẽ nói với con như thế nào, nhất là khi con bạn còn là một đứa trẻ. Nói dối trẻ, vờ như không có chuyện gì xảy ra, lảng tránh vấn đề… đều không phải là những biện pháp tích cực. Cách tốt nhất là cùng con đối diện sự thật và trao đổi thẳng thắn. Mọi việc rõ ràng ngay từ đầu sẽ giúp trẻ không nuôi hy vọng bố mẹ sẽ hàn gắn và giúp chúng dễ thích ứng với cuộc sống mới hơn.
 
Và đây là cách người mẹ Nguyễn Hà Phương (mẹ Sumo) đã nói với con mình về việc cha mẹ ly hôn. Cách nói chuyện thẳng thắn nhưng nhẹ nhàng và khéo léo của cô khiến tôi thực sự cảm phục.
 
Một buổi sáng, trước khi con trai đi học, hai mẹ con Phương ngồi trò chuyện, bé Sumo - con trai cô bảo: Mẹ ơi, sau này con là chủ nhà ở nhà bà nội đấy.
 
Mẹ Sumo nói: Con nghe này, con chỉ là chủ của một nhà nào đó nếu con là người xây nó hoặc nó được xây bằng tiền của con thôi.
Sumo lại thắc mắc: Thế sao nhà này là nhà bố xây mà mẹ lại nói mẹ là chủ nhà?
 
Mẹ Sumo trả lời: Ba mẹ kết hôn với nhau sinh ra con, đúng không? 
 
Sumo: (Gật). 
 
Mẹ Sumo: Vậy con là con của ba mẹ chứ không phải là con của một mình mẹ, đúng không? 
 
Sumo: (Gật). 
 
Mẹ Sumo: Khi ba mẹ kết hôn với nhau, ba mẹ cùng đi làm và cùng nuôi con, cùng xây nhà. Như vậy nhà là của cả ba và mẹ, không phải của riêng ai cả. Cũng như nhà ở quê không phải của riêng bà nội mà là của cả ông nội và bà nội. 
 
Sumo: (Lại gật).
 
Mẹ Sumo tiếp: Nuôi con là công sức của cả ba và mẹ. Mẹ đi vắng thì ba trông con mà ba bận đi làm thì mẹ trông con. Nên tài sản trong gia đình và con cái đều là chung của ba mẹ hết. Con hiểu không? 
 
Sumo: (Lại gật), nhưng bé thắc mắc: Sao nhà của bố ở trên này mà bố không ở. Con muốn bố ở Hà Nội cơ. (Nói xong, bé òa lên khóc rồi ôm mẹ).
 
Mẹ Sumo ôm con rồi giơ 2 ngón tay trỏ ra chạm nhau, thủ thỉ: Trước đây, ba mẹ ở cùng nhau, nhưng bây giờ hết yêu nhau rồi thì không ở cùng nhau nữa (tách 2 ngón tay ra). Bên trái, mẹ Sumo xòe thêm ngón giữa bảo, mẹ thì đang sống cùng Sumo này, thêm ngón nhẫn bảo, và có thêm em Nemo nữa này. Bên phải xòe thêm ngón giữa bảo, bố thì sẽ kết hôn với cô T này, sinh thêm một em bé nữa này (xòe thêm ngón nhẫn), và có thể sinh thêm một em bé nữa này. Thế là có 4 người. Sau này, nếu mẹ yêu một ai đó, người đó sẽ đến ở cùng mẹ với Sumo và Nemo, thế là cũng có 4 người này (xòe nốt ngón út bên trái). Vậy là, Sumo có 2 gia đình còn gì. Có phải ai cũng có được 2 gia đình đâu con?! Cô mỉm cười.
 
Bé Sumo vẫn ôm mẹ, im lặng một lúc rồi nói khe khẽ “vâng”. Sau đó, bé nín khóc rồi đi học.
 
Ly hôn không phải việc xấu, cũng không hẳn là việc tồi tệ nhất trong cuộc đời bạn. Ly hôn là khi vợ chồng đã không còn yêu nhau nữa, họ cần giải thoát cho nhau để sống cuộc đời hạnh phúc hơn. Những đứa trẻ sống trong một gia đình có cha mẹ không hạnh phúc sẽ rất khó để có thể có được hạnh phúc trọn vẹn.
 
Câu chuyện của người mẹ Nguyễn Hà Phương bất giác làm tôi nhớ đến một câu châm ngôn của một người bạn làm báo, rằng, “Một gia đình ly hôn biết đâu lại sinh ra hai gia đình hạnh phúc”. Tại sao bạn cứ phải nghĩ tiêu cực ly hôn là đường cùng, ly hôn là ngõ cụt? “Một cánh cửa khép lại, sẽ luôn có một cánh cửa khác mở ra”, hãy dũng cảm cùng con mở ra cánh cửa đó!
 “Một gia đình ly hôn biết đâu lại sinh ra hai gia đình hạnh phúc”.

Bình Yên/GĐ&TE

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.