CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 11:35

Cái điện thoại có phải là con của mẹ?

16/03/2020 | 20:55
 
Ước gì con được là cái điện thoại...
 
Từng có một câu chuyện khiến nhiều bậc cha mẹ phải suy nghĩ về thời gian dành cho con cái, sự thờ ơ của cha mẹ đối với cảm xúc của các con. Chuyện kể về bức thư của một học sinh tiểu học viết cho người mẹ của mình. 
 
“Ước mơ của con là trở thành một chiếc điện thoại di động. Bố mẹ con yêu điện thoại di động lắm. Đến mức con cảm thấy bố mẹ quan tâm đến điện thoại còn hơn quan tâm đến con.
 
Khi bố đi làm về, dù rất mệt mỏi nhưng bố vẫn chỉ ngồi bấm điện thoại di động chứ chẳng nhớ gì đến con. Khi bận bịu việc gì quan trọng, nếu bất chợt có chuông điện thoại reo, bố mẹ sẽ ngay lập tức nhấc máy nghe. Thế nhưng lúc con khóc thì bố mẹ lại chẳng sốt sắng đến thế.
 
Bố mẹ thích chơi trò chơi trên điện thoại di động chứ chẳng muốn chơi cùng con. Khi nói chuyện với ai đó trên điện thoại, bố mẹ cũng chẳng bao giờ thèm nghe con nói gì, cho dù con có chuyện rất quan trọng muốn chia sẻ. Vì thế, con chỉ ước được làm một chiếc điện thoại di động”.
Người mẹ mà cậu học trò nhắc đến trong bài văn chính là cô giáo đang chấm chính bài viết của con trai mình và bật khóc trong khi chồng cô, là cha của học sinh đó, đang ngồi chơi games trên điện thoại ngay cạnh cô. Câu chuyện không phải của ai khác mà của chính gia đình họ đã thức tỉnh họ về thái độ, trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ trong việc quan tâm đến cảm xúc, đến những mong muốn dù rất nhỏ, như được chơi cùng với bố mẹ một trò chơi nho nhỏ, ngay tại nhà, của con cái.


Ảnh minh họa KT

Chiếc điện thoại đã đem đến điều gì cho cuộc sống?
 
Chúng ta cũng đang hành động như thế trong cuộc sống hàng ngày. Chiếc smartphone từ khi được khai sinh và phát huy những tiện ích tuyệt vời của nó trong thế giới này, quả thực đã làm thay đổi cuộc sống của rất nhiều người. Thay đổi từ cách nghĩ, cách sống, cách làm việc đến chi phối các mối quan hệ xã hội, gia đình. Những tiện ích, sự thuận lợi mà chiếc điện thoại thông minh mang lại cũng tương đương với những hệ lụy mà nó có thể gây ra. Nó có khả năng kết nối con người trong một không gian rộng lớn mang tính toàn cầu, thúc đẩy công việc đi đến kết quả nhanh hơn, khiến con người tạo ra nhiều của cải vật chất hơn, nhưng nó cũng có khả năng chia cắt con người trong một không gian rất hẹp, như trong một ngôi nhà, hay thậm chí trên một bàn ăn hay trên một chiếc giường. Bố mẹ nằm cạnh nhau mà không thiết nói chuyện, họ nhờ chiếc điện thoại để nhắn tin cho nhau hay comment nhau qua Facebook. Ngồi chung mâm cơm mà con lớn con nhỏ đều cầm điện thoại vừa ăn vừa xem phim, mẹ thì vừa ăn vừa chát chit với bè bạn. Người ta có thể dễ dàng nhìn thấy và dễ dàng đo đếm về lợi ích kinh tế mà chiếc điện thoại giúp con người mang lại, nhưng người ta lại khó nhìn ra những hệ lụy vô hình ảnh hưởng lên các mối quan hệ gia đình, xã hội, cộng đồng mà chiếc điện thoại thông minh đang góp phần gây ra.


Ảnh minh họa KT
 
Trở lại câu chuyện của chị H.
 
Sau phút sững người và tìm cách lảng tránh không thành, chị H. như tỉnh ngộ, quyết định trò chuyện nghiêm túc với cô con gái bé bỏng của mình. “Nào, con nói mẹ nghe, tại sao hôm nay con lại nói với mẹ một điều buồn cười như vậy?” Cô bé rất nghiêm túc: “Con thưa mẹ, đấy không phải điều gì buồn cười, nó là một chuyện rất quan trọng của con nhưng mẹ thì lại không quan tâm từ lâu rồi.” Cô bé có vẻ sắp khóc. Chị H. ôm con dỗ dành: “Con cứ nói đi, có thể mẹ đã sai về một điều gì đó, bây giờ mẹ muốn lắng nghe con.”
 
“Có phải là mẹ đã đẻ ra con không? Có phải là mẹ đang nuôi con và mong con lớn nhanh học giỏi không? Nhưng lâu rồi mẹ không ôm con, mẹ chỉ ôm chiếc điện thoại như thể nó mới thực sự là con mẹ đẻ ra. Mẹ cứ nói mẹ phải đọc tin tức để biết tình hình xã hội, về dịch bệnh Corona, nhưng thực ra lướt face mới là việc chính. Con chỉ muốn mẹ chơi với con một tí thôi cũng không được. Khi mẹ có cuộc gọi, con giơ tay muốn nói gì đó thì mẹ trừng mắt và giơ tay ra hiệu cản con, rồi sau đó mẹ mắng con, mẹ đề ra luật là khi mẹ có cuộc gọi, nếu không có việc gì to như cháy nhà thì con không được nói leo, nói xen. Ngay cả khi đi ngủ mẹ cũng không ôm con nói con ngủ ngon và mẹ yêu con như trước mà mẹ chỉ liên tục nhắc con, quát con ngủ đi, ngủ đi để mẹ còn xem điện thoại. Đấy, điện thoại chẳng phải hơn con hay sao!”
 
Chị H. thật sự “đứng hình” trước những điều con gái vừa nói. Lâu nay chị H. dù khá tôn trọng con cái, không áp đặt trong cách nuôi dạy con, nhưng có một điều chị chưa kiểm soát được chính mình, đó là còn thờ ơ với cảm xúc của các con. Ngày đi làm cơ quan bận rộn, tối về mà con luấn quấn hỏi han nhiều, là chị cảm thấy mệt mỏi, bị làm phiền. Chị thường cho phép con mở tivi xem một mình, hoặc mua cho con một đống đồ chơi để con chơi thoải mái. Là một người mẹ chịu nhiều áp lực cuộc sống, chị H. nghĩ mình cũng phải có những phút giây thư thái và làm những gì mình thích. Tám chuyện với bạn bè, lướt face xem xã hội thật - ảo, ảo – thật thiên hạ họ đang sống nó ra làm sao. Rồi trên cái màn hình nhỏ như cái bàn tay mà vô cùng thông minh tiện ích ấy, còn rất nhiều điều hay ho nữa. Chị đâu ngờ con chị cảm thấy nó như bị mẹ bỏ rơi...
 
Trẻ con không phải lúc nào cũng chỉ thích xem hoạt hình, cũng không phải lúc nào cũng chỉ say mê với những món đồ chơi vô hồn vô cảm. Cả ngày đi học ở trường, nhớ mẹ, trẻ có nhu cầu được chăm sóc, vỗ về, trò chuyện với cha mẹ. Con chị thực sự cần nghe giọng nói ngọt ngào của chị, cần vòng ôm ấm áp của chị. Nếu chị ngồi xuống cạnh con, cùng con lắp lego hay cùng con xem phim, đọc sách cho con nghe, thì mọi chuyện đã khác... Và chị đã có thể dạy được con bao điều hay, bồi đắp cho con bao nhiêu cảm xúc tích cực, bao yêu thương chia sẻ từ những tình cảm, sự quan tâm gần gũi hàng ngày...
 
Cũng may con chị H. còn là một đứa trẻ dám nói, đã dũng cảm nói lên suy nghĩ và cảm xúc của mình để thay đổi một người mẹ thờ ơ. Có những trẻ đã bị cảm giác thất vọng, hụt hẫng về cha mẹ trong những tình huống như câu chuyện trên mà trở nên lầm lì, tức giận, thậm chí là thích quậy phá nhằm thu hút sự chú ý của cha mẹ. Lớn lên nữa các em có thể tìm đến những hành vi tiêu cực bên ngoài gia đình hoặc trở nên vô cảm trong chính gia đình của mình.
 

 

Thiên Trang/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...