THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 03:29

Cảm nắng và cách xử trí phù hợp

19/03/2019 | 10:03
 
Các loại bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra và cách xử trí
 
Đối với cơ thể người, nhiệt độ thích nghi nhất là khoảng 25°C. Trong khoảng từ 20°C đến 30°C, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là do có trung tâm điều nhiệt nằm trên não. Trung tâm này giúp chúng ta thích nghi với bất kì nhiệt độ nào, nhưng đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hay nóng quá, cơ thể không thể điều chỉnh kịp do vượt quá khả năng. Ở trẻ nhỏ (dưới 4 tuổi), hoặc người già (trên 70 tuổi) hoặc người có nhiều bệnh lý đi kèm, sẽ có khả năng điều chỉnh với sự thay đổi nhiệt độ kém. Do đó, tùy theo mức độ tiếp xúc với thời tiết nắng nóng ra sao, nhiệt độ môi trường xung quanh như thế nào, thời gian bao lâu, công việc nặng nhọc hay không… thì các bệnh lý do ảnh hưởng của nhiệt độ sẽ xuất hiện và được chia theo các mức độ từ nhẹ đến nặng. 
 
1. Phù do nhiệt
 
- Triệu chứng xuất hiện khi chúng ta thay đổi môi trường như đến nơi có thời tiết nắng nóng hơn nhiều so với nơi ở thường ngày, ở trong phòng máy lạnh lâu và đột ngột di chuyển ra môi trường nắng nóng... Biểu hiện là phù ở mắt cá, bàn chân. Nguyên nhân là do mạch máu giãn ra để thải nhiệt gây phù. Sau khi cơ thể thích nghi trong vài giờ hay vài ngày thì triệu chứng sẽ mất đi. Nếu triệu chứng không mất đi, chúng ta có thể kê cao chân khi ngủ để mạch máu lưu thông bình thường. Ở mức độ này chúng ta không cần dùng thuốc. Có nhiều người uống thuốc lợi tiểu để giảm phù, điều này không có lợi mà còn gây hại thêm cho cơ thể vì làm tăng tình trạng mất nước của cơ thể. 
 
2.  Phát ban do nhiệt
 
- Nguyên nhân là do những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay nhiệt độ cao bên ngoài dễ bị kích thích, làm nổi mẩn ngứa, mề đay. Sau một thời gian sẽ phục hồi, không cần điều trị đặc hiệu. Nếu bị ngứa nhiều, có thể dùng các loại thuốc kháng dị ứng thông thường, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng. Ở đây, chúng ta cần phân biệt với bỏng. Bỏng là do chúng ta tiếp xúc ánh nắng lâu hơn, các vùng da bị đỏ, sưng rộp.
 
3. Chuột rút do nhiệt
 
- Bệnh xuất hiện ở những người lao động nặng hay những vận động viên phải tập luyện với cường độ cao. Khi cơ thể đang vận động và sinh nhiệt, gặp nhiệt độ môi trường cao sẽ dễ gây ra chuột rút do nhiệt. Biểu hiện: Đau ở các bắp thịt, đặc biệt ở các bắp đùi, cẳng chân. Triệu chứng đau xuất hiện là do khi hoạt động nặng, các cơ phải làm việc liên tục đi kèm cơ thể bị mất nước và muối qua mồ hôi quá nhiều, dẫn đến tình trạng co thắt cơ. Nếu gặp các triệu chứng trên, có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường, nghỉ ngơi, di chuyển đến nơi thoáng mát, bù nước có muối khoáng như các dung dịch nước điện giải trị tiêu chảy, nước chanh có pha muối, đường. Lưu ý: Không sử dụng nước lọc vì không thể đáp ứng nhu cầu mất muối và nước của cơ thể. 
 
4. Ngất xỉu do nhiệt
 
- Thường gặp ở những người phải đi ngoài nắng, leo núi, di chuyển nhiều gây ra tình trạng mất muối và nước. Nếu không bổ sung kịp sẽ làm nước trong lòng mạch máu giảm đi, giảm huyết áp, đặc biệt ở tư thế đứng làm giảm lưu lượng máu lên não gây ngất xỉu. Sơ cứu bằng cách cho người bị ngất xỉu nằm đầu thấp, di chuyển đến vùng có không khí thoáng mát, nới rộng áo quần, bù nước có muối khoáng, theo dõi khoảng 30 phút, nếu ổn định thì không cần đến bệnh viện.
 
5. Kiệt sức do nhiệt
 
- Nguyên nhân do tình trạng mất muối và nước kéo dài. Biểu hiện ngất xỉu kèm theo các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói… Nếu được sơ cứu kịp thời, ngưng hoạt động hiện tại, đưa đến nơi thoáng mát, cơ thể sẽ phục hồi hoàn toàn. Nếu vẫn tiếp tục hoạt động hay không thể di chuyển qua môi trường khác thì sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt. Sơ cứu người bị kiệt sức do nhiệt giống như đã nói ở trên, nhưng phải theo dõi kĩ lưỡng hơn. Ngoài ra, dùng các loại khăn lạnh chườm vào các vùng trên cơ thể có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn… để hấp thu nhiệt nhanh, giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn, cố gắng cho người bị nạn uống càng nhiều nước càng tốt. Trong vòng từ 30 phút đến 1 giờ mà triệu chứng không được cải thiện (đau đầu, nôn, chóng mặt nhiều hơn…) nên đưa đến bệnh viện.

6. Sốc nhiệt (Đột quỵ do nhiệt)
 
Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Nguyên nhân do bị mất muối và nước kéo dài kèm sự quá tải khả năng hoạt động của trung tâm điều nhiệt. Nhiệt độ cơ thể nạn nhân có thể lên đến trên 400C, có kèm các triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật, thậm chí hôn mê…). 
 
Sơ cứu tạm thời bằng cách cho người bệnh nằm đầu thấp, di chuyển ra khỏi vùng có nhiệt độ cao, làm giảm nhiệt, dùng gạc có thấm nước lạnh hay nước đá đặt ở các vùng trên cơ thể như đã hướng dẫn ở trên; gọi điện cho bộ phận cấp cứu để chuyển người bệnh đến bệnh viện.
Cách phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng
 
- Mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10h -16h, nếu phải làm việc ở môi trường nhiệt độ cao, nên di chuyển đến nơi mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc.
 
- Chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống. Nên uống các loại nước vừa cung cấp nước và muối khoáng.
 
- Lưu ý các bệnh lý đường hô hấp. Nguyên nhân do ở trong các phòng máy lạnh quá lâu, sử dụng nhiều quạt hoặc ăn uống các loại thức ăn, thức uống lạnh… sẽ vô tình làm khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các siêu vi, vi trùng ngoại lai dễ xâm nhập gây các bệnh: nhiễm siêu vi, viêm đường hô hấp trên… Ngoài ra, nhiệt độ môi trường cao dễ làm cho thức ăn bị ôi thiu, cùng với sự phát triển mạnh của các trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián… dễ gây ngộ độc thực phẩm.
 
- Chú ý đến các bệnh lý về da. Khi nhiệt độ tăng cao thì sẽ dẫn đến việc tăng tiết mồ hôi, chất bã nhờn, đặcc biệt ở trẻ em hay người già mắc các bệnh phải nằm lâu sẽ dễ bị lở loét, các vi nấm mọc nhiều hơn ở các vùng kẽ da như nách, bẹn…
 
- Một số bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, bệnh tay chân miệng cũng thường xuất hiện trong thời gian này. Đối với trẻ ở độ tuổi cấp 1 hay cấp 2, cha mẹ ít chú ý kiểm tra lịch chích ngừa. Tốt nhất, sau 3 đến 5 năm, chúng ta nên chích ngừa nhắc lại cho trẻ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng.

BS CKII Nguyễn Viết Hậu (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM)/TC GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

6 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.