THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 05:17

Cần quản lý, ngăn chặn việc mua bán vũ khí thô sơ trên mạng xã hội

31/10/2022 | 14:36
Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên (TTN), học sinh mua bán, tàng trữ, chế tạo và sử dụng vũ khí có tính sát thương - công cụ hỗ trợ trong các vụ việc vi phạm pháp luật đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể quản lý, ngăn chặn các hoạt động mua bán vũ khí thô sơ trên mạng xã hội?

Mua dao, kiếm... trên mạng dễ như mua rau!

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, chỉ trong vài tháng trở lại đây, đã có hàng trăm đối tượng TTN, học sinh bị bắt giữ, điều tra, khởi tố về hành vi sử dụng vũ khí thô sơ gây rối trật tự công cộng, cướp tài sản, giải quyết mâu thuẫn... Cùng với đó là số lượng lớn các loại dao, đao, kiếm, phóng lợn, bom xăng, súng quân dụng... là tang vật bị thu giữ, tiêu huỷ.

Nếu trước đây, muốn mua các loại dao, kiếm hay các công cụ hỗ trợ phải thông qua những mối quan hệ quen biết và phải đặt mua ở các vùng biên giới, thì hiện nay, các đối tượng TTN chỉ cần ngồi nhà và lên mạng tìm kiếm, lựa chọn, đặt tiền... “hàng nóng” sẽ được giao đến tận nhà. Nhiều loại vũ khí còn được chia thành các bộ phận nhỏ, linh kiện rời, rồi đóng gói gửi nhiều lần để tránh bị phát hiện. Đó là chưa kể đến các loại dao được giới thiệu dùng cho nhà bếp, dao của đồng bào dân tộc, nhưng có thiết kế tương tự các loại dao được dùng cho mục đích chiến đấu cũng được bày bán tràn lan tại nhiều khu vực chợ dân sinh, chợ bán đồ cũ ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai và các tỉnh, thành khác, gây khó khăn trong việc xác định, phân loại vũ khí thô sơ theo quy định pháp luật.

Máy hàn, máy cắt, và các loại vũ khí tự chế của một nhóm thanh niên bị thu giữ.

Máy hàn, máy cắt, và các loại vũ khí tự chế của một nhóm thanh niên bị thu giữ.

Từ những vụ việc TTN, học sinh vi phạm pháp luật tại nhiều tỉnh, thành thời gian qua cho thấy, ngoài các loại đao, kiếm nhập lậu, nhóm đối tượng này còn học cách tự chế nhiều dạng vũ khí khác theo những video hướng dẫn trên mạng xã hội.

Khi xảy ra mâu thuẫn, chỉ cần 30 phút, các nhóm TTN sẽ lấy các công cụ như dao làm bếp, dao chặt củi, liềm cắt lúa, xiên cá, cho đến các vật sắc nhọn để hàn vào những ống sắt dài từ 1,5 - 2m, thành những cây “đao”, cây “giáo”, có tính sát thương cao. Khi không sử dụng, vũ khí này lại được cắt rời ra thành những vật dụng quen thuộc để tránh bị phát hiện.

Do việc mua bán, sở hữu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ khá dễ dàng, nhiều đối tượng TTN, học sinh đã sử dụng chúng vào những mục đích gây rối, cướp giật, giải quyết mâu thuẫn. Đây cũng là nguyên nhân chính của nhiều vụ trọng án xảy ra trong thời gian qua khiến nhiều TTN thiệt mạng. Điển hình là trường hợp của hai nạn nhân là H.B.S. (15 tuổi, ở TP.Mỹ Tho) và P.L.T.S. (17 tuổi, ở TP. Biên Hòa) đã bị nhóm TTN khác dùng súng bắn tử vong do mâu thuẫn xảy ra trên đường phố. Gần đây nhất là em N.H.T.T. (học sinh lớp 9 Trường THCS Từ Liêm, Lâm Đồng) bị một người tên Thanh đâm tử vong khi trên đường đi học về nhà vào chiều ngày 20/10. Nguyên nhân được cho là em T. và Thanh đã có mâu thuẫn và T. cũng từng dùng dao đâm Thanh trước đó.

Các loại dao, kiếm của đồng bào dân tộc tại chợ Thác Bạc (Lào Cai).

Các loại dao, kiếm của đồng bào dân tộc tại chợ Thác Bạc (Lào Cai).

Cần tăng cường quản lý các loại vũ khí thô sơ

Nhận định về tình trạng các loạI vũ khí, vũ khí thô sơ được rao bán công khai trên mạng xã hội, trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng, việc dễ dàng tìm mua, học cách làm và sử dụng các loại súng quân dụng, súng tự chế, các loại vũ khí tự vệ trên mạng xã hội tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, cần phải ngăn chặn. Đặc biệt, nhóm đối tượng thuộc lứa tuổi TTN là nhóm mua bán và sử dụng nhiều nhất. Việc sở hữu công cụ có tính năng gây sát thương đang là nhu cầu của những nhóm đối tượng này. Nhiều em chưa hề có tiền án, tiền sự nhưng vẫn tìm kiếm để mua và sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ như là cách để thể hiện bản lĩnh, cái tôi của cá nhân.

“Đây là điều đáng quan ngại, bởi đối với lứa tuổi này, sở hữu những loại vũ khí trên cùng sự bốc đồng của tuổi trẻ, khi gặp phải những tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ nhặt trong đời sống, các đối tượng sẵn sàng sử dụng chúng để giải quyết”, trung tá Đào Trung Hiếu cho hay.

Theo thượng tá Hoàng Trọng Kiên, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm xâm phạm trật tự xã hội trên không gian mạng (Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao), việc mua bán các loại vũ khí trên mạng hiện nay rất đáng báo động, nhưng việc xử lý các hành vi mua bán này đang gặp không ít khó khăn từ việc lợi dụng tính ẩn danh trên mạng xã hộI và khó xử lý do máy chủ ở nước ngoài. Bên cạnh đó là một số vướng mắc do quy định của pháp luật cũng như các chế tài xử lý còn thiếu, yếu, chưa đủ sức răn đe.

“Tuy nhiên, do chủ động nắm tình hình, các đơn vị nghiệp vụ làm tốt công tác điều tra cơ bản, xâm nhập hội nhóm diễn đàn có dấu hiệu hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng. Qua đó, xác định gần 60 hội, nhóm hoạt động mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ với tổng số hơn 90.000 thành viên. Đồng thời lên phương án xác minh, đấu tranh, xử lý đối tượng vi phạm pháp luật”, thượng tá Hoàng Trọng Kiên cho biết.

Có thể thấy, bên cạnh các vấn nạn khác như xâm hại và bạo lực học đường, tình trạng TTN, học sinh sử dụng súng, hung khí tự chế... để gây án, giải quyết mâu thuẫn có chiều hướng gia tăng cả về tính chất, mức độ phạm pháp và đang trở thành vấn nạn nhức nhối, đáng lo ngại. Do đó, cùng với các cấp chính quyền, các cơ sở giáo dục, người dân và các bậc cha mẹ cần hết sức lưu tâm trong việc tuyên truyền, quản lý, giám sát con em mình không sử dụng các loại vũ khí, vũ khí thô sơ, vũ khí tự chế cũng như không tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật.

Nếu phát hiện thông tin, diễn đàn đăng tải thông tin mua bán, hướng dẫn sản xuất, người dân cần phải báo cho cơ quan chức năng để đấu tranh, xử lý.

Xuân Quang
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Cô sinh viên khiếm thị đầy hoài bão

Cô sinh viên khiếm thị đầy hoài bão

1 năm trước

Lúc hoàn toàn mất đi thị lực vào năm 9 tuổi, cô gái trẻ Lương Thị Trà My không bao giờ hình dung được rằng ngày nào đó mình sẽ là sinh viên theo học ngành Công nghệ thông tin (CNTT) ở một...
Để trẻ em Yên Bái có một khởi đầu khỏe mạnh và tương lai tốt đẹp

Để trẻ em Yên Bái có một khởi đầu khỏe mạnh và tương lai tốt đẹp

1 năm trước

Sau 3 năm thực hiện, dự án “Phát triển trí tuệ cho tương lai tươi sáng” đã hỗ trợ 1.456 trẻ em dưới 3 tuổi và 1275 người chăm sóc trẻ (NCST) tại 5 xã Đại Lịch, Minh An, Tân Thịnh,...
Sắp diễn ra Giải Vovinam học sinh phổ thông toàn quốc

Sắp diễn ra Giải Vovinam học sinh phổ thông toàn quốc

1 năm trước

Giải vô địch vovinam học sinh phổ thông toàn quốc năm 2022 được kỳ vọng là sân chơi hiệu quả về chuyên môn cũng như nâng cao thể chất với đối tượng tham dự tới từ tất cả các...
Học sinh Trưng Vương sôi nổi tham gia ngày hội “Tự hào là người lính cứu hoả”

Học sinh Trưng Vương sôi nổi tham gia ngày hội “Tự hào là người lính cứu hoả”

1 năm trước

Ngày hội “Tự hào là người lính cứu hỏa” năm 2022 vừa được Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tổ chức.