THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 03:17

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc hóa chất ở trẻ em

12/07/2022 | 11:12
Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ trẻ em bị ngộ độc các loại hóa chất tại gia đình. Trong đó, đa số các trường hợp này đều xuất phát từ thói quen tái sử dụng vỏ chai nước ngọt, nước khoáng để chứa hóa chất khiến trẻ uống nhầm.
Bác sĩ đang điều trị cấp cứu cho một nạn nhân bị ngộ độc hoá chất

Bác sĩ đang điều trị cấp cứu cho một nạn nhân bị ngộ độc hoá chất

Nguy cơ từ trong mỗi gia đình

Vào mỗi dịp hè, các vụ tai nạn thương tích liên quan đến trẻ em lại gia tăng tại nhiều địa phương. Ngoài đuối nước, trẻ còn nhập viện với các tai nạn thương tích như bỏng, uống nhầm thuốc và hóa chất, ong đốt, rắn cắn, ngã cầu thang, điện giật, tai nạn do thú cưng, ngộ độc thực phẩm, nuốt dị vật, tai nạn giao thông… Ðáng chú ý, tình trạng trẻ em bị ngộ độc do uống nhầm các loại hoá chất tại gia đình vẫn thường xuyên xảy ra do chưa có sự nhận thức đúng mức từ phía gia đình cũng như thiếu sự giám sát từ các cơ quan chức năng tại các cơ sở mua bán hoá chất.

Vừa qua, vụ việc 2 trẻ em bị ngộ độc hoá chất sơn móng tay ở Quận 1, TP.HCM đã khiến không ít bà mẹ phải giật mình. Một lần đi làm tóc ở spa, do không có người trông con nên chị Nguyễn Thu Trang cho 2 con gái V.T.H (3 tuổi) và V.T.N (5 tuổi) đi cùng. Trong lúc người mẹ đang làm đẹp thì 2 cô con gái rất thích thú với các loại chai, lọ, hộp mỹ phẩm có màu sắc bắt mắt và mùi thơm hấp dẫn. Không biết do khát nước hay bị thu hút bởi mùi hương dễ chịu mà hai chị em đã rủ nhau uống lọ sơn đánh móng tay ở trên bàn.

Thấy con ho sặc sụa và trong miệng loang lổ màu sơn, người mẹ nhanh chóng đưa con nhập viện cấp cứu. May mắn là các bé không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các loại hoá chất này lên cơ thể của trẻ là không hề nhỏ và có thể để lại những biến chứng sau này.

Thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng liên tiếp cấp cứu, điều trị cho 5 bệnh nhi có dấu hiệu nguy kịch sau khi uống nhầm dầu thắp đèn tại nhà. Trong đó, có 2 bệnh nhi nhỏ tuổi nhất là bé P.D. (17 tháng tuổi, trú tại Quảng Ninh) và bé V.A. (20 tháng tuổi, trú tại Bắc Giang) nhập viện ngày 3/5 trong tình trạng tím tái, suy hô hấp, phải thở oxy. Cả 2 trường hợp đều do trẻ thấy giống chai nước ngọt để ở cạnh bàn thờ nên lấy uống và bị ngộ độc...

Với những trường hợp ngộ độc do uống nhầm hoá chất, có bé may mắn chỉ tổn thương nhẹ, nhưng có bé, phải nội soi tiêu hóa, nong thực quản nhiều lần, phẫu thuật ở cổ, ngực, bụng, cắt nối thực quản hay những ca mổ lớn hơn mới có thể vượt qua nguy hiểm. Phần lớn các bé phải phẫu thuật nhiều lần mới ăn được trở lại bằng đường miệng, chưa kể có trẻ phải điều trị kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng lớn đến tâm lý sức khoẻ.

Bác sĩ Lê Thanh Chương, trưởng khoa hồi sức hô hấp Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi trẻ uống phải dầu hỏa, chất này sẽ lan rất nhanh trong phổi gây hoại tử niêm mạc, làm xẹp phổi và viêm phổi dẫn đến suy hô hấp, đe dọa tính mạng và có thể ảnh hưởng tới sức khỏe sau này.

Ngoài việc uống nhầm các loại hoá chất, nhiều trẻ cũng phải nhập viện do các hoá chất gây ra tình trạng bỏng. Thông tin từ Khoa Ðiều trị bỏng trẻ em, Bệnh viện Bỏng quốc gia cho thấy, trong hàng chục ca bệnh nhi nhập viện điều trị bỏng gần đây có khoảng 10% là bỏng do hóa chất như cồn, axit, các chất kiềm...

Ngoài các ca bỏng nặng, Bệnh viện cũng tiếp nhận điều trị nhiều trẻ bị bỏng cồn do nhiều gia đình có thói quen cho trẻ dùng chai nước muối 5% để xịt rửa mũi, họng và mắt. Tuy nhiên đã có nhiều trẻ em bị bỏng nhãn cầu, bỏng niêm mạc mũi vì sơ xuất lấy nhầm chai cồn 900 cùng để trong tủ thuốc (do ngoại hình 2 chai này có chung một kiểu dáng và khá giống nhau về nhãn mác)...

Hoá chất đựng trong chai nước ngọt có thể gây ra nhiều vụ ngộ độc cho trẻ em.

Hoá chất đựng trong chai nước ngọt có thể gây ra nhiều vụ ngộ độc cho trẻ em.

Giải pháp hạn chế sự nhầm lẫn đáng tiếc

Là một chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, nhận diện hàng hóa, họa sĩ Nguyễn Xuân Khoa nêu quan điểm: Nhìn chung, rất khó nhận diện đâu là thiết kế cho hàng hoá an toàn và đâu là hoá chất độc hại trong gia đình nếu không đọc kỹ. Màu sắc và nhãn hiệu để cảnh báo hàng hóa nguy hiểm cũng không nổi bật. Nhất là khi các loại hóa chất này được chia nhỏ để bán lẻ theo nhu cầu của người dân. Những cơ sở này tận dụng tất cả những loại chai lọ, hộp có sẵn để đóng gói và không có nhãn mác đi kèm nên dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ em. Do đó, mỗi gia đình cần có sự sắp xếp một cách khoa học các đồ dùng, vật dụng. Ðồng thời, hướng dẫn trẻ nhỏ cách nhận biết, phòng tránh khi tiếp xúc với các loại hóa chất nguy hại.

Theo các chuyên gia về an toàn lao động, việc các cơ sở buôn bán hoá chất có đặc tính nguy hại không được dán nhãn mác là vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, rất ít khi các hành vi này bị các lực lượng chức năng xử lý. Từ chợ hoá chất Kim Biên tại TP.HCM cho đến dãy phố Hàng Hòm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khi bạn đến mua lẻ bất cứ loại hoá chất (dạng nước) thì đa phần chúng sẽ được đóng trong các loại chai nước khoáng, nước ngọt còn nguyên nhãn mác mà không có giấy tờ hướng dẫn. Ðây thực sự là một bất cập trong việc quản lý và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn liên quan đến hóa chất ở trẻ em.

Hình ảnh nội soi đường tiêu hóa của bệnh nhi bị viêm loét phù nề, xung huyết mạch do hoá chất gây ra.

Hình ảnh nội soi đường tiêu hóa của bệnh nhi bị viêm loét phù nề, xung huyết mạch do hoá chất gây ra.

Từ nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tích do hoá chất, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ tuyệt đối không dùng chai nước ngọt, nước suối để đựng hóa chất. Khi có nhu cầu sử dụng hóa chất, cần mua lượng vừa đủ, để xa tầm tay trẻ hoặc để ở nơi trẻ ít lui tới. Tốt nhất là để trong tủ có khóa cẩn thận. Trong trường hợp xảy ra các vụ ngộ độc, hãy đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất kèm theo hóa chất gây ngộ độc để các bác sĩ có các biện pháp xử lý kịp thời.

Quang Hưng
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Bổ sung nhiều ngành đào tạo mới của giáo dục đại học

Bổ sung nhiều ngành đào tạo mới của giáo dục đại học

1 năm trước

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT quy định danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học. Theo đó, hàng loạt ngành học mới trình độ đại học,...
Điểm tên loạt phim hoạt hình đặc sắc của tháng 7

Điểm tên loạt phim hoạt hình đặc sắc của tháng 7

1 năm trước

Tháng 7 này, các bộ phim hoạt hình được ra mắt khán giả không chỉ có hiệu ứng hình ảnh đẹp, âm nhạc thu hút, là món quà ý nghĩa cho các bạn nhỏ, mà còn là tấm vé trở về tuổi thơ cho...
Trẻ nên và không nên uống nước gì khi bị tiêu chảy?

Trẻ nên và không nên uống nước gì khi bị tiêu chảy?

1 năm trước

Trẻ bị tiêu chảy cần có chế độ ăn uống hợp lý để cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể mà không gây tổn thương lên hệ tiêu hóa. Ưu tiên hàng đầu là bù nước và chất điện...