THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 08:15

Cảnh báo nguy cơ thiếu máu thiếu sắt do uống quá nhiều sữa tươi

19/10/2021 | 14:37
Rất nhiều gia đình hiện nay cho trẻ uống sữa tươi quá nhiều vì nghĩ đó là thực phẩm giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Tuy nhiên, việc uống sữa quá nhiều đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, trong đó có thiếu máu do thiếu sắt… Sữa là một loại thực phẩm tốt và khá quan trọng đối với trẻ, nhưng phải biết dùng sữa đúng cách. Khi dùng sữa tươi quá nhiều, ngoài thiếu máu do thiếu sắt còn dẫn đến thừa cân béo phì, táo bón.

Nguồn sắt chính đến với cơ thể là qua thực phẩm từ các bữa ăn chính với thức ăn đa dạng. Nếu uống sữa tươi thay thế các thực phẩm khác lâu dài sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn sắt và gây ra thiếu máu.

Mặc dù sữa tươi không phải là căn nguyên gây bệnh, nhưng do trẻ uống quá nhiều sữa tươi thì sẽ no và không muốn ăn sang các thực phẩm khác nữa, dẫn đến thiếu dinh dưỡng trong đó có sắt... lâu dài dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.

Trong sữa tươi có hàm lượng sắt rất ít mà nồng độ canxi và phốt pho lại rất cao. Khi trẻ uống nhiều sữa tươi thì 2 chất này sẽ cạnh tranh hấp thu với sắt trong đường ruột dẫn đến sắt bị kém hấp thu hơn. Đây là nguyên nhân mà đối với những trẻ có chế độ ăn đầy đủ và uống nhiều sữa tươi lâu dài vẫn bị thiếu sắt.

82% trẻ thiếu máu do thiếu sắt vì uống quá nhiều sữa. Gần đây, một bé trai 6 tuổi có dấu hiệu: Biếng ăn, chậm lớn, xanh xao… được phụ huynh đưa đi khám bệnh thì phát hiện bé bị thiếu máu thiếu sắt. Mặc dù bé được gia đình chăm sóc rất chu đáo. Ngoài chú trọng vào chế độ ăn đầy đủ thịt, trứng, cá, rau… bé còn được bổ sung mỗi ngày 4 hộp sữa tươi, chưa kể sữa chua, phô-mai…

Một bé gái khác 8 tuổi được cha mẹ đưa đi khám bệnh với các triệu chứng ăn ít, còi cọc, da xanh, hay cáu kỉnh… Kết quả xét nghiệm cho thấy bé bị thiếu máu thiếu sắt. Mẹ của bé cho biết, do bé biếng ăn, nên gia đình đã tăng cường dinh dưỡng từ sữa tươi cho bé, vì nghĩ rằng sữa đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều vitamin, khoáng chất…

Một trường hợp khác, cũng là bé trai 6 tuổi, được mẹ nghi ngờ thiếu máu do thấy lòng bàn tay, môi, niêm mạc mắt nhợt nhạt… đã cho con đi bệnh. Sau khi xét nghiệm thì kết quả chỉ số hemoglobin huyết sắc tố là 73g/l. Chỉ số xét nghiệm thứ 2 là ferritin huyết thanh là dưới 1,98.

Trẻ trên 12 tháng không nên uống tổng số sữa quá 600ml/ngày.

Trẻ trên 12 tháng không nên uống tổng số sữa quá 600ml/ngày.

Bác sĩ chuyên khoa nhi Trần Văn Công (Phòng khám nhi khoa Sunshine) cho biết: Các bé ở lứa tuổi này, nếu huyết sắc tố hemoglobin dưới 115g/l được cho là thiếu máu và dưới 80g/l là được cho là thiếu máu nặng. Theo tiêu chuẩn, khi ferritin huyết thanh dưới 15 là coi bị thiếu sắt. Như trường hợp em bé có xét nghiệm huyết thanh là 1,98, tức là nguồn sắt dự trữ bị cạn kiệt. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dẫn tới thiếu máu. Khác với 2 trường hợp nêu trên, em bé này cân nặng so với chiều cao có chỉ số BMI = 35, như vậy đã bị thừa cân. Ngoài thiếu sắt, thừa cân, bé còn hay bị mắc táo bón.

Điều đáng nói là, cả 3 trường hợp trên, sau khi khai thác về chế độ ăn, thì có một đặc điểm chung là bé được cho uống quá nhiều sữa tươi/ngày (hơn 1 lít sữa/ngày).

Theo BS.Trần Văn Công, trẻ thiếu máu do thiếu sắt do nhiều nguyên nhân như: Do bệnh thiếu máu huyết tán di truyền (bệnh này điều trị cần đến chuyên khoa huyết học); trẻ sinh non thiếu tháng; trẻ mắc bệnh mạn tính; trẻ nhiễm ký sinh trùng (giun, sán); trẻ bị bệnh ở đường ruột… Nhưng hay gặp là do chế độ ăn của trẻ không đầy đủ, không hợp lý, khẩu phần ăn nghèo nàn (thường gặp ở những gia đình khó khăn) thiếu chất sắt; trẻ biếng ăn hoặc trẻ được uống quá nhiều sữa tươi (thường gặp ở những gia đình có điều kiện).

BS Công chia sẻ thêm: Trong quá trình điều trị, đã gặp không ít các trường hợp phụ huynh lầm tưởng trong thành phần sữa tươi chứa nhiều sắt, nên uống nhiều sữa tươi là được bổ sung đầy đủ chất sắt cho con. Đó là quan niệm sai lầm, thậm chí có thể khiến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt của trẻ trầm trọng hơn.

Theo một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 năm 2018, có khoảng 82% trẻ trên 1 tuổi bị thiếu máu do thiếu sắt được ghi nhận uống hơn 600ml sữa tươi/ngày.

Để điều trị thiếu máu thiếu sắt, BS Công nhấn mạnh: khi thiếu máu nặng sẽ dẫn đến rất nhiều các vấn đề khác cho sức khỏe. Máu có chức năng dẫn oxy đến tất cả các mô trong cơ thể. Khi thiếu oxy, thì các mô sẽ và các cơ quan sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó cần phải điều trị ngay.

Đối với những trường hợp nêu trên, việc điều trị khá đơn giản. Trước hết cần giảm lượng sữa của bé xuống còn 300-400ml/ngày. Đồng thời tăng cường các thực phẩm khác, giàu sắt như: Cơm, thịt, tôm, cá, gan, trứng, thịt bò, rau có màu xanh đậm, trái cây... 

Nên cho trẻ ăn thực phẩm giàu chất sắt.

Nên cho trẻ ăn thực phẩm giàu chất sắt.

Về việc dùng thuốc, cần bổ sung siro sắt đường uống, với liều lượng 4mg/1kg cân nặng/ngày trong một tháng liên tục. Sau đó phụ huynh cần nhớ đưa trẻ đi xét nghiệm lại xem nồng độ huyết sắc tố trong máu của bé đã tăng hay chưa. Tiếp đó trẻ cần phải uống tiếp sắt trong 3 tháng nữa để có nguồn sắt dự trữ.

BS. Trần Văn Công khuyên rằng: Đối với các trường hợp thiếu sắt dẫn đến thiếu máu do chế độ ăn không phù hợp, thì cha mẹ không cần quá lo lắng. Bởi việc điều trị mang lại hiệu quả cao và lâu dài. Chỉ với trường hợp thiếu sắt không rõ nguyên nhân, thì sau khi điều trị xong, cơ thể của trẻ tiêu thụ hết lượng sắt được bổ sung sẽ lại tiếp tục thiếu máu - điều này là không tốt và trẻ phải được khám và điều trị liên tục.

Ngoài bổ sung sắt, thì trẻ nên được bổ sung thêm vitamin C để gia tăng khả năng hấp thu sắt ở tá tràng. Có thể cho bé uống thêm siro vitamin C hoặc đơn giản là bổ sung vitamin C qua khẩu phần ăn từ nhóm thưc phẩm cam, kiwi, ổi…

Theo Sức khỏe & Đời sống
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Giúp phụ nữ, trẻ em tránh bị bạo lực, xâm hại khi cách ly tại nhà

Giúp phụ nữ, trẻ em tránh bị bạo lực, xâm hại khi cách ly tại nhà

2 năm trước

Trong thời gian ở cách ly để phòng chống dịch Covid-19, phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hai. Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp UNICEF ban hành tài liệu Hướng dẫn bảo đảm an toàn...
Thầy cô cùng đồng hành để tư vấn tâm lý cho trẻ em

Thầy cô cùng đồng hành để tư vấn tâm lý cho trẻ em

2 năm trước

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Nga cho rằng, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Vì thế, các em cần được chăm sóc, bảo vệ và...