CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 09:14

Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ Quảng Ninh - Mô hình cần được nhân rộng

21/10/2019 | 23:00

Theo bà Nguyễn Thị Nho,  Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ tỉnh Quảng Ninh, ban đầu, CLB có 30 thành viên là các cá nhân đại diện gia đình có trẻ tự kỷ và những người yêu thích hoạt động công tác xã hội.

 
 Bà Nguyễn Thị Nho, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ tỉnh Quảng Ninh chia sẻ tại Hội thảo truyền thông về công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ do Tạp chí Gia đình và Trẻ em phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tổ chức
 
Kể từ ngày thành lập, câu lạc bộ đã đề xuất và tổ chức thành công nhiều buổi tập huấn theo các chuyên đề cho các phụ huynh như kỹ năng chơi cho trẻ, điều hòa cảm giác, can thiệp hành vi, các vấn đề về sử dụng thuốc v.v.. nhằm đảm bảo tất cả các gia đình có trẻ em tự kỷ có nhu cầu trợ giúp đều được tư vấn và giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình can thiệp cho trẻ; đồng thời tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình can thiệp, hỗ trợ cho gia đình trẻ tự kỷ. Các thành viên câu lạc bộ cũng trao đổi kinh nghiệm dạy trẻ, động viên tiếp sức và ổn định tâm lý cho cho nhau để cùng nhau có động lực kiên trì chăm sóc, giáo dục con trong mọi hoạt động. Qua đó, giúp các bậc phụ huynh ổn định tâm lý, thêm quyết tâm kiên trì chăm sóc, giáo dục trẻ. Đến nay CLB đã trở thành cầu nối chung của rất nhiều gia đình có trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
 
Bên cạnh đó, CLB cũng thường xuyên được sự hỗ trợ tích cực về chuyên môn của các  chuyên gia tâm lý đầu ngành như TS. tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý - Văn phòng tham vấn và trị liệu tâm lý trẻ em trực thuộc Hội tâm lý học Việt Nam, TS. Nguyễn Nữ Tâm An - Giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt trường Đại học Sư Phạm Hà Nội; sự cộng tác hỗ trợ của các chuyên viên, nhân viên Mô hình tâm lý trị liệu trẻ rối nhiễu tâm trí của Trung tâm Công tác xã hội và một số các thành viên của Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, chủ các cơ sở tư nhân có hoạt động trị liệu trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí và các nhà chuyên môn thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục trên địa bàn TP Hạ Long. Trung tâm thông qua các kênh thông tin giới thiệu tới người dân về CLB để người dân biết và giúp các bậc phụ huynh có con em gặp phải các vấn đề về tự kỷ, rối nhiễu tâm trí và các đối tượng có nhu cầu biết đến và tham gia.
 
 
Lễ công bố Quyết định thành lập CLB Gia đình có trẻ tự kỷ tỉnh Quảng Ninh
 
Đến nay, Trung tâm đã kết nối với chuyên gia hỗ trợ chuyên môn để tổ chức nhiều cuộc tập huấn cũng như tọa đàm cho hội viên về các nội dung như: Cha mẹ với cuộc sống của trẻ tự kỷ; Kỹ năng chăm sóc trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển; Kỹ năng hỗ trợ trẻ chậm phát triển về ngôn ngữ; Phụ huynh và cách dạy trẻ những kỹ năng giao tiếp trong xã hội... Bên cạnh đó, được sự hướng dẫn của các chuyên viên, nhân viên trị liệu rối nhiễu tâm trí, tự kỷ của Trung tâm Công tác xã hội hỗ trợ về cách nhận biết, phát hiện trẻ có biểu hiện rối nhiễu tâm trí, tự kỷ giúp các thành viên, cộng đồng làm tốt công tác phát hiện sớm và can thiệp sớm.
 
Ban chủ nhiệm CLB luôn duy trì tổ chức giao ban định kỳ hàng tháng với các buổi sinh hoạt chuyên môn về: Can thiệp sớm và các biện pháp can thiệp tại nhà; can thiệp trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và cách khắc phục; hỗ trợ trẻ kích hoạt các giác quan; dạy trẻ tự kỷ các kỹ năng tự phục vụ và vận động… Các buổi sinh hoạt định kỳ đó đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các phụ huynh để hỗ trợ trẻ được chăm sóc đúng cách tại nhà và trang bị thêm các kiến thức, kỹ năng cho các thành viên để trị liệu trẻ được hiệu quả hơn.
 
 
Cán bộ Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ trẻ tự kỷ
 
Bên cạnh việc CLB Gia đình trẻ tự kỷ tỉnh Quảng Ninh duy trì các hoạt động thường kỳ; phối hợp với chuyên gia để hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật cho các thành viên trong CLB thì việc xây dựng mạng xã hội Facebook, email và các kênh thông tin khác cũng được triển khai, để các thành viên trong CLB được thường xuyên trao đổi, tiếp cận thông tin một cách phù hợp và thuận tiện. Đồng thời, có các biện pháp phù hợp để hỗ trợ các phụ huynh ở xa có thể được tiếp cận dịch vụ sàng lọc, đánh giá và trị liệu cho con em mình một cách phù hợp nhất.
 
Tuy nhiên, cũng theo bà Nguyễn Thị Nho, hiện nay số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng, đây thực sự là một gánh nặng không chỉ với từng gia đình mà còn là gánh nặng cho cả xã hội vì vậy nhu cầu một trung tâm nuôi dưỡng cùng với trung tâm việc làm cho người tự kỷ là thực sự cần thiết. Đối với lứa tuổi người tự kỷ đầu tiên được chẩn đoán tại viện nhi Trung ương đến nay đã ở lứa tuổi trên 20 đến 30 tuổi. Lứa tuổi từ 10 đến 20 tuổi hiện giờ cũng đã khá đông vì vậy các phụ huynh như tôi đã và đang lo lắng nếu đến lúc cha mẹ già thì các con tự kỷ của mình sẽ ra sao? Các con thực sự cần một nơi để cha mẹ gửi gắm khi về già không còn khả năng chăm sóc con nữa.
 
Với kinh nghiệm 10 năm làm việc với trẻ tự kỷ, bà Nguyễn Thị Nho nhận thấy: Khoảng 40% trẻ tự kỷ vẫn có khả năng đào tạo để tham gia lao động các công việc giản đơn như lau dọn, quét vệ sinh, xoa bóp, rửa bát...; Khoảng 40% trẻ tự kỷ khó đào tạo kỹ năng lao động do quá tăng động, quá kém tập trung vì vậy với đối tượng này chủ yếu rèn thể dục kèm theo rèn một vài công việc cực kỳ đơn giản; còn lại khoảng 20% trẻ tự kỷ kèm theo bại não, down, khó khăn vận động.
 
Vì vậy, để tăng cường hỗ trợ trẻ tự kỷ, bà Nho cũng đề nghị các các cơ quan liên quan tăng cường đào tạo trẻ tự kỷ xoa bóp để chúng tôi hướng đến một cơ sở xoa bóp dành cho người tự kỷ. Cùng với đó cần có cơ chế để người tự kỷ có thể tham gia đóng bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm nhân thọ để họ cũng được hưởng chế độ lương hưu đảm bảo khi về già; khuyến khích một số doanh nghiệp nhận các cháu tự kỷ làm công việc lau chùi, dọn dẹp, rửa bát và quét công viên, quét sân, vườn... Ngoài ra, cũng cần có một trung tâm bảo trợ hoặc trung tâm dưỡng lão dành riêng cho người tự kỷ. 

Thùy Hương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.