THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 02:18

Cầu tự trong tín ngưỡng dân gian

08/12/2021 | 14:28
Theo tín ngưỡng dân gian, cầu tự là hình thức “cầu xin thần, Phật ban cho mình một đứa con”. Việc này thường xuất phát từ những gia đình hiếm muộn hay những gia đình đã có con một bề, nay muốn xin thêm con trai hoặc gái cho có nếp, có tẻ.
Các cặp vợ chồng hiếm muộn thường đến chùa Hương cầu tự.

Các cặp vợ chồng hiếm muộn thường đến chùa Hương cầu tự.

Tín ngưỡng cầu tự có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh

Trong đời sống xã hội trước đây, do trình độ y học chưa phát triển nên những gia đình hiếm muộn hoặc muốn có con trai “nối dõi tông đường” thường dùng hình thức cầu tự để mong đạt được tâm nguyện.

Ðể làm lễ cầu tự, gia đình thường lên đền, chùa dâng lễ và trình bày nguyện vọng với mong muốn thần, Phật và các thế lực siêu nhiên sẽ gúp họ toại nguyện.

Việc này có thể được làm một lần hoặc lặp lại nhiều lần tuỳ thuộc vào sự thành tâm và kết quả đạt được. Ðây cũng là một việc làm khá phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội thời xưa cũng như một bộ phận người dân trong xã hội hiện nay tin tưởng áp dụng.

Ðiều này đã được người dân lưu truyền qua nhiều thế hệ và cũng được ghi lại trong một số thư tịch cổ. Trong cuốn Ðại Việt sử ký toàn thư cũng có những ghi chép về việc hai cha con vua Lê Thánh Tông và vua Lê Hiến Tông là con cầu tự. Hay cuốn "Việt Nam phong tục" của học giả Phan Kế Bính cũng có nhắc đến việc cầu tự đã có từ thời thượng cổ… Ðiều này cho thấy tín ngưỡng cầu tự có một vị trí khá đặc biệt trong đời sống tâm linh của người Việt.

Hiện nay, hàng năm vẫn có rất nhiều các cặp vợ chồng hiếm muộn lên chùa làm lễ, cầu xin thần, Phật ban cho một mụn con. Và cũng không phải ngẫu nhiên, khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đều có những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng về cầu tự.

Một số ngôi chùa nổi tiếng về cầu tự

Chùa Ngọc Hoàng (TP. Hồ Chí Minh): Những người đến đây cầu tự thường mua một đôi rùa, viết tên hai vợ chồng lên rồi thả xuống bể, sau đó vào phòng thờ "Kim Hoa thánh mẫu" và 12 bà mụ lấy một sợi chỉ đỏ treo vào tay rồi thành tâm cầu nguyện. Nếu cầu con trai thì buộc chỉ vào bức tượng bên trái, còn cầu con gái thì buộc vào tượng bên phải, sau đó xoa vào bụng bà mụ 3 cái rồi xoa vào bụng mình 3 cái. Tiếp đến là xoa vào bụng đứa con nít dưới chân bà mụ 3 cái rồi lại xoa vào bụng mình 3 cái nữa là xong nghi thức.

Chùa Hương (huyện Mỹ Ðức, TP. Hà Nội): Chùa Hương là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở miền Bắc. Trong dịp lễ hội, các cặp vợ chồng hiếm muộn thường cùng nhau vào lễ chùa để cầu tự. Trong Chùa có một hang đầy thạch nhũ gọi là hang Cô, hang Cậu. Người muốn cầu tự sẽ đem hương oản, quả lễ đến chỗ hang thạch nhũ đó đặt lễ và cầu khấn. Muốn có con trai thì xoa tay vào đầu vào thạch nhũ bên hang Cậu mà khấn: “Cậu về ở với vợ chồng nhà tôi nhá”. Ai nhiều con trai rồi mà muốn cầu con gái thì sang hang Cô, cũng nói y như vậy.

Khấn xong, lúc trở ra về, ăn thì thêm bát thêm đũa, đi đò thì trả thêm một suất cho người lái đò, làm như đã có một người đi theo vậy. Nếu về nhà mà người vợ mang thai sinh con thì mỗi năm phải đem con về Chùa tạ ơn Phật.

Ðền Lăng Sương (tỉnh Phú Thọ): Ðền Lăng Sương thờ mẹ và đức thánh Tản Viên. Tương truyền, trong một lần đi làm đồng bà ướm chân vào hòn đá rồi về thụ thai và hạ sinh thánh Tản Viên. Vào các dịp lễ Tết, có rất nhiều cặp đôi hiếm muộn đến cầu tự ở đây và họ tin rằng sẽ được như ý nguyện.

Chùa Ðô Mỹ (tỉnh Thanh Hóa): Ngôi chùa này nằm ở địa phận xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Chùa được xây dựng từ thời vua Khải Ðịnh và người dân ở đây quan niệm rằng ngôi chùa này cực kì linh thiêng đến mức nếu thành tâm cầu nguyện sẽ "cầu được ước thấy".  Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn về đường con cái khi tìm về đây để cầu nguyện xin một đứa con, họ hành lễ, ăn chay niệm phật đều sinh được con. Vì sự linh thiêng này mà càng ngày càng có nhiều người đến chùa Ðô Mỹ cầu xin.

Ðền Sinh - Ðền Hóa (xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương): Ðền Sinh thờ Ðức Thánh mẫu Thạch Bàn và Ðức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên được nhân dân nơi đây thờ phụng từ hơn nghìn năm qua, trong quần thể Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ðặc biệt, ở đây có một phiến đá tự nhiên mang tư thế của một người mẹ lúc lâm bồn và phiến đá độc đáo này là có một không hai ở Việt Nam. Phiến đá mang hình sản phụ đang trong tư thế lâm bồn đặt trang trọng trong hậu cung được người dân cung kính gọi là Ðức Thánh mẫu Thạch Bàn.

Anh Hoàng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích thị xã Chí Linh cho biết: Từ lâu, đền Sinh - đền Hóa thu hút đông du khách về cầu tài, lộc, công danh, sức khỏe và đặc biệt nhiều du khách tới cầu xin con.

Cũng theo anh Dũng, nếu những người hiếm muộn “xin được con” thì vào đúng ngày sinh của con mình, họ đều đến đây để làm lễ tạ. Dù xa xôi mấy, trong Nam ngoài Bắc, kể cả Việt kiều cũng đều đặn quay lại tạ lễ. Người có điều kiện hơn thì may áo và tham gia vào lễ thay áo cho 12 bà mụ được tổ chức hàng năm…

Tín ngưỡng cầu tự vẫn sẽ tồn tại trong tâm thức của người Việt. Ảnh mang tính minh họa.

Tín ngưỡng cầu tự vẫn sẽ tồn tại trong tâm thức của người Việt. Ảnh mang tính minh họa.

Linh nghiệm hay tâm lý được giải tỏa?

Không có bằng chứng nào cho thấy cứ làm lễ cầu tự thì sẽ có con, nhưng cũng không thể phủ nhận là việc cầu tự giúp nhiều người giải tỏa được tâm lý căng thẳng và đạt hiệu quả tốt hơn trong điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Trong nhiều nghiên cứu về điều trị vô sinh, hiếm muộn đã khẳng định yếu tố tâm lý rất quan trọng, nhất là ở người phụ nữ. Những áp lực từ gia đình và xã hội có tác động nặng nề đến tâm lý, có thể gây cản trở đến quá trình thụ thai. Do đó, việc đi cầu tự với niềm tin mãnh liệt vào những điều tốt đẹp chính là tháo gỡ nút thắt tâm lý đó.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Duệ (Phó trưởng ban Văn hóa - Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam), việc cầu tự theo quan điểm của đạo Phật là một nhân duyên. Muốn được “sở cầu như ý”, người đến cầu cần phải sống thuận thành, thiện mỹ, làm điều tốt với mọi người. Khi đó ắt có phúc báo lớn, duyên đủ lớn để có thể có con.

Ông cũng cảnh báo, nhiều người đi cầu tự ở đình, chùa, miếu mạo không xuất phát từ việc ăn ở hiền lành, làm phúc, làm thiện… thậm chí, có những người còn mang rất nhiều tiền để cúng lễ, làm sai lệch bản chất tốt đẹp của việc cầu tự.

Là người trực tiếp thăm khám và điều trị cho nhiều cặp đôi hiếm muộn, BS. Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám Sản phụ khoa (Bệnh viện Bộ NN&PTNT) đưa ra lời khuyên: “Ði xin, cầu để giải tỏa tâm lý như một sự thư giãn thì không sao, nhưng nếu tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc vào việc đó mà bỏ qua tất cả các phương pháp khác thì rất không nên”.

Ngày nay, với sự phát triển vượt trội của y học hiện đại, nhiều nguyên nhân dẫn tới vô sinh, hiếm muộn đã được phát hiện và chữa trị kịp thời, mang lại hạnh phúc và sự tin tưởng cho nhiều cặp đôi. Tuy nhiên, như dân gian thường nói “có bệnh thì vái tứ phương”, cùng với các phương pháp chữa trị hiện đại, tín ngưỡng cầu tự vẫn sẽ tồn tại trong tâm thức của người Việt như một nhu cầu chính đáng của người dân.

Xuân Quang
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Khơi nguồn tư duy sáng tạo trong học đường

Khơi nguồn tư duy sáng tạo trong học đường

2 năm trước

Nhiều năm nay, các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng được phát động ở các tỉnh thành đã trở thành sân chơi quen thuộc của các em. Cuộc thi dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng là...
Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh

Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh

2 năm trước

Nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng an toàn giao thông cho các em học sinh, góp phần xây dựng một xã hội giao thông an toàn và văn minh, Chương trình giáo dục “An toàn giao thông cho nụ cười ngày...
Học sinh Hà Nội giành 5 huy chương Olympic quốc tế thiên văn và vật lý thiên văn

Học sinh Hà Nội giành 5 huy chương Olympic quốc tế thiên văn và vật lý thiên văn

2 năm trước

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 7/12, trong kỳ thi Olympic quốc tế về thiên văn và vật lý thiên văn năm 2021, đội tuyển học sinh Hà Nội gồm 5 thành viên, đại diện cho...