THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 03:56

Cây xanh trong trường gãy, đổ - Nỗi lo thường trực

02/06/2020 | 14:25

Cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng đổ làm nhiều học sinh thương vong sáng 26/5. Ảnh: KT


Tai nạn bất ngờ


Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, 2 học sinh tử vong do tai nạn thương tích liên quan đến cây xanh đã dấy lên nỗi lo về an toàn cho con em tại trường học trong rất nhiều phụ huynh.


Thông tin một học sinh bị điện giật dẫn tới tử vong khi tham gia lao động chặt cành cây ở trường khiến chúng ta bàng hoàng, đau xót. Chiều 8/5, nam học sinh N.T.A. (15 tuổi, học Trường THCS Quyết Thắng, TP. Hải Dương) cùng các bạn trong lớp thực hiện lao động theo sự phân công của giáo viên là cắt, tỉa cành cây phi lao phía sau sân trường. Học sinh N.T.A. trèo lên cắt, tỉa cành cây. Trong lúc đang chặt thì cành cây phi lao rơi chạm vào dây điện cao thế gần đó khiến em bị điện giật ngã xuống đất. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng em N.T.A. đã tử vong vào tối 22/5.


Sau đó chỉ mấy ngày, một vụ tai nạn học đường nghiêm trọng khác xảy ra sáng 26/5 làm rúng động cộng đồng. Đó là trong khi các em học sinh chuẩn bị vào lớp thì cây phượng vĩ cao hơn 10m, thân to trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) bất ngờ bị bật gốc. Cây phượng vĩ đổ đã gây thương vong cho 18 học sinh. Các em bị nạn đã nhanh chóng được đưa tới các cơ sở y tế cấp cứu, tuy nhiên em N.T.K. học sinh lớp 6/8 đã tử vong. Em N.T.K. được chuyển vào Bệnh viện An Sinh và được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng không qua khỏi.


Cây đổ đè người xảy ra nhiều nơi, nhưng cây ở sân trường đổ làm thương vong nhiều học sinh thì là vụ việc khiến chúng ta bất ngờ. Vụ tai nạn trên đã đặt ra nhiều vấn đề trong việc đảm bảo an toàn học đường khi mùa mưa bão tới.

Sân trường có nhiều cây to, nguy cơ cây gãy, đổ gây tai nạn trong mùa mưa bão là rất lớn. Ảnh minh họa: Tôm


Làm gì để đảm bảo an toàn cho học sinh?


Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh đi học trở lại đúng thời điểm nhiều địa phương bước vào mùa mưa bão, vì vậy, ngoài nỗi lo trẻ em bị đuối nước thì những hiểm họa rình rập học sinh từ cây xanh gãy, đổ cũng là vấn đề cần được quan tâm.


Sau khi vụ việc cây phượng trong sân trường THCS Bạch Đằng đổ làm 1 học sinh tử vong và nhiều em bị thương, rất nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng khi mùa mưa bão đang đến mà khuôn viên các trường học đều có rất nhiều cây xanh như: xà cừ, phượng vĩ, bằng lăng, bàng… và nhiều cây đã lâu năm, cành lá xum xuê, nguy cơ gãy, đổ, bật gốc là có thật. Không chỉ các bậc phụ huynh, nhiều em học sinh cũng tỏ ra lo lắng khi biết thông tin này. Bởi trong giờ ra chơi hay trước, hoặc sau mỗi buổi học, học sinh thường nghỉ ngơi và chơi đùa dưới bóng mát các cây xanh trong sân trường. Vậy, để phòng tránh tai nạn do cây xanh gãy, đổ, chúng ta phải làm gì?


Tai nạn thương tích thường xảy ra bất ngờ, mọi lúc, mọi nơi, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Nhiều tai nạn thương tích nghiêm trọng tại trường học, trong đó có tai nạn do cây xanh gãy, đổ gây ra có thể phòng tránh được nếu thầy cô, cha mẹ và bản thân các em học sinh có ý thức và thực hiện nghiêm túc những biện pháp phòng ngừa.


Thường xuyên kiểm tra độ an toàn của cây xanh


- Các trường học cần thường xuyên kiểm tra độ an toàn của cây xanh trong khuôn viên.


- Mỗi trường nên dành khoản ngân sách cho việc chăm sóc, quản lý cây xanh trong trường.


- Ký hợp đồng với công ty cây xanh để định kỳ đến kiểm tra, tỉa nhánh, xử lý cây bị sâu; khảo sát, đánh giá tuổi thọ của cây, xem xét hạ tầng khu vực đảm bảo cây sinh trưởng; có kế hoạch chăm sóc đặc biệt hoặc đốn hạ nếu như cây bị mục ruỗng. Quản lý cây xanh, đặc biệt cây lâu năm phải cần người có chuyên môn. Nhiều khi nhìn bề ngoài cây vẫn xanh tốt nhưng thực tế bên trong đã mục ruỗng, rất nguy hiểm.


- Việc chặt, tỉa cành cây phải do người có chuyên môn, kinh nghiệm thực hiện. Tuyện đối không để học sinh lao động bằng hình thức trèo cây chặt cành dẫn tới hậu quả đáng tiếc như vụ tai nạn ở Trường THCS Quyết Thắng.


- Cần có các trụ đỡ quanh gốc cây mới được bứng cây về trồng, vì bộ rễ của chúng rất nông, dễ gãy, đổ khi gặp mưa bão.


 - Các cơ quan chức năng nghiên cứu thay thế các loại cây phù hợp trồng trong sân trường để vừa có bóng mát, ít lá rụng, ít sâu bọ, vừa dẻo dai, khó gãy cành.


- Việc tìm ra nguyên nhân chính xác khiến cây phượng to, lâu năm trong sân Trường THCS Bạch Đằng bật đổ, làm nhiều học sinh thương vong để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm là vô cùng cần thiết.


Tránh xa các gốc cây, cột điện khi trời mưa bão


- Nhà trường, giáo viên cần thường xuyên nhắc nhở học sinh khi trời mưa bão nên sinh hoạt ở trong lớp, không nên tụ tập dưới sân trường, tránh xa các gốc gây, cột điện, tránh đứng dưới đường dây điện.


- Khi gặp mưa to, không trú, tránh dưới gốc cây to, phòng cây đổ, sét đánh.


- Không chạy nhảy, nô đùa ngoài sân trường khi trời mưa, vì sân trơn trượt, dễ bị ngã dẫn tới chấn thương.


Trước mùa mưa, các trường cần phải tiến hành kiểm tra tất cả các vấn đề có thể gây mất an toàn cho học sinh như: cây xanh, cột điện, đường điện, lan can, cửa sổ, máng nước…


Ngoài sự nỗ lực của nhà trường, mỗi gia đình cũng cần nhắc nhở, trang bị cho con em mình những kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích và kỹ năng xử lý tình huống khi tai nạn bất ngờ xảy ra.



Chiều 26/5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM, các sở GD-ĐT trong toàn quốc cần chỉ đạo ngay các nhà trường liên hệ với đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn, tiến hành việc kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy, đổ... đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn, các chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên.

Hồng Trần/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...