THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 12:47

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ nôn trớ?

15/10/2021 | 15:04
Nôn trớ nếu diễn ra trong một thời gian dài sẽ làm cho trẻ biếng ăn, dẫn đến thiếu chất, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vì vậy, cha mẹ không nên xem thường biểu hiện nôn trớ.
non tro

Con tôi được 2 tuần tuổi. Lần nào bú mẹ xong cháu cũng bị trớ sữa tràn cả lên mũi, mặt gây ho sặc sụa. Tôi đang rất lo lắng, không hiểu tại sao cháu lại bị như vậy, mong bác sĩ giải đáp giúp tôi. (Nguyễn Thanh Nhung, TP.HCM)

Trả lời: Khi mới được sinh ra, dạ dày của bé vẫn còn đang nằm ngang, điều đó khiến bé rất dễ bị nôn, trớ. Không phải em bé nào cũng hay trớ. Tùy theo cơ địa, có bé rất hay bị trớ nhưng lại có những bé ít bị hơn, thậm chí hầu như không trớ bao giờ. Nếu chẳng may em bé của bạn hay bị trớ, việc cần làm là: Không nên cho bé bú quá no mà chia nhỏ thành nhiều cữ bú để bé vẫn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra, sau khi cho bé ăn xong, ngoài việc bế bé đứng, vỗ nhẹ vào lưng cho bé ợ hơi, bạn nên bế bé trên tay thêm 10 - 15 phút rồi mới đặt bé nằm.

Nguyên nhân thứ hai gây nên tình trạng nôn trớ ở trẻ có thể là do chứng hẹp môn vị, một nguyên nhân hiếm gặp gây nôn trớ mà thường bắt đầu một vài tuần sau khi bé chào đời cho tới khi bé 4 tháng tuổi. Môn vị là một cơ vòng nối liền dạ dày với đoạn đầu của ruột non. Nếu cơ vòng này bị dày lên sẽ ngăn cản sự di chuyển các chất trong bộ máy tiêu hóa từ dạ dày xuống ruột. Sữa hoặc các thực phẩm khác bị ứ tắc ở đây sẽ dội lại phía thực quản và gây ra nôn, trớ.

Chỉ cần một tiểu phẫu là vấn đề sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, bạn cần đưa bé tới bệnh viện nhi để được khám và tìm ra nguyên nhân chính xác.

Con tôi 3 tháng tuổi, có hiện tượng hay bị nôn kèm theo chút dịch nhầy có dính máu màu hồng. Có lúc nôn lại kèm theo dịch đờm màu vàng xanh như bị viêm nhiễm vùng họng. Xin hỏi bác sĩ, hiện tượng này có đáng lo ngại không và nên xử trí thế nào? (Trần Quang Minh, Thái Bình)

Trả lời: Trẻ em khi bị nôn có kèm theo một chút máu tươi khi nôn trớ thường không đáng lo ngại bởi đó là do các mao mạch ở thực quản bị xước khi phản xạ nôn quá mạnh.

Cũng có thể có xuất hiện tia đỏ trong dịch nôn nếu bé nuốt máu từ vết thương nào đó ở miệng hoặc bị chảy máu cam trong vòng 6 tiếng trước đó. Vì thế, bạn chỉ nên gọi bác sĩ nếu bé tiếp tục nôn trớ có lẫn máu trong những lần sau với số lượng tăng dần. Riêng với tình trạng nôn có màu xanh thì cần đưa bé đi khám ngay vì rất có thể bé đã bị viêm nhiễm đường hô hấp.

Bạn cần giữ lại chút dịch nôn trớ có lẫn máu hay dịch màu xanh để đưa đến bệnh viện làm xét nghiệm.

Con tôi rất hay bị nôn, xin bác sĩ chỉ cách làm thế nào để phân biệt được trẻ bị nôn do nguyên nhân gì? Con trai tôi năm nay đã 4 tuổi nhưng vẫn xảy ra hiện tượng nôn “vòi rồng” sau khi ăn. Tuy không phải ngày nào cháu cũng bị nôn nhưng trung bình khoảng 1 lần/1 tuần. Khi nôn là nôn hết sạch những gì trong dạ dày. Tôi nên làm gì? (Hoàng Thùy Linh, Đồng Nai)

Trả lời: Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng nôn ở trẻ. Trong đó, dễ gặp nhất là hiện tượng nôn sinh lý, điều này không đáng lo ngại, bởi vì, trong những tháng đầu tiên sau sinh, trẻ được cho ăn quá no, trong khi dạ dày của bé vẫn còn đang nằm ngang nên dễ xảy ra hiện tượng nôn trớ.

Nguyên nhân bệnh lý: trẻ bị nôn có thể là do một loại virus dạ dày hoặc có khi là biểu hiện của một tình trạng viêm nhiễm nào đó ở hệ hô hấp, tiết niệu hay thậm chí là tai.

Bé nhà bạn đã 4 tuổi nhưng vẫn bị nôn “vòi rồng” (tức là nôn nhiều, nôn hết sạch) thì rất có khả năng bé đã bị mắc một trong những nguyên nhân kể trên. Bạn cần đưa con đi chữa trị bệnh dứt điểm thì hiện tượng nôn sẽ hết.

Trong trường hợp cháu bé bị một trong những dấu hiệu cảnh báo dưới đây, gia đình cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay: Nôn kèm theo đau bụng quằn quại, bụng trướng, lơ mơ hay ở trạng thái kích thích, co giật; Liên tục nôn trớ hay tiếp tục nôn trớ trên 24 tiếng; Có dấu hiệu cơ thể bị khử nước như miệng khô, ít nước mắt, ít đi tiểu…

Tôi mới làm mẹ lần đầu nên rất bỡ ngỡ, không biết xử trí thế nào mỗi khi con gái 8 tháng tuổi bị sặc khi nôn hoặc bị hóc dị vật. Mong bác sĩ chỉ dẫn? (Lê Thị Nguyệt, Hà Tĩnh)

Trả lời: Khi bé nôn, nên để bé nằm nghiêng hoặc đỡ bé ngồi dậy, đề phòng khi bé nôn, chất nôn sẽ tràn vào khí quản, gây sặc, rất nguy hiểm. Đã từng có trường hợp bé nôn trớ khi nằm ngửa, chất nôn tràn vào phổi gây ngừng thở, đến khi người nhà phát hiện đưa bé vào viện thì bé đã tím tái, không cứu được.

Trường hợp trẻ bị sặc, đừng cố lấy tay móc thức ăn hay chất nôn ra, nên làm nghiệm pháp Heimlich ở trẻ lớn, đứng sau lưng trẻ, quàng hai tay ra ôm lấy bụng trẻ và ấn mạnh vào, áp lực mạnh sẽ làm trẻ nôn ói ra dị vật đường thở.

Đối với con gái chị được 8 tháng tuổi, không may bị hóc dị vật hoặc bị nôn thì nên để nằm sấp trên đùi người lớn và vỗ mạnh vào lưng trẻ, dị vật hoặc chất nôn sẽ được tống ra. Sau khi tống chất nôn ói ra được, nếu bé còn mệt thì nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.

Sau khi nôn xong, tôi thấy con trai 5 tháng tuổi của mình thường có biểu hiện mệt mỏi, mắt lờ đờ như thể bị kiệt sức. Tôi nên làm gì, thưa bác sĩ? (Hồ Văn Hưng, Hòa Bình)

Trả lời: Lẽ dĩ nhiên là bé sẽ mệt sau quá trình bị nôn. Trong trường hợp này, không nên quá lo lắng và chưa cần đưa trẻ đi đến viện ngay. Chỉ cần bình tĩnh chờ cho con qua cơn nôn, sau đó 15 phút cho con uống bù lượng nước đã mất trong cơ thể bằng nước oserol, nước lọc, nước quả. Sau khi cho bé uống loại nước này mà bé không nôn trớ nữa thì cho bé bú mẹ hoặc bú bình, tăng dần số lượng từ 80 - 100ml sau mỗi 3 - 4 giờ.

Lưu ý: Khi bé nôn nhiều tức là bộ phận tiêu hóa đang có vấn đề nên cần nghỉ ngơi. Phụ huynh chỉ nên cho bé uống nước để không bị mất nước, đừng nên cố gắng ép ăn, không giúp được bé mà còn làm tăng triệu chứng và bé càng quấy khóc nhiều hơn.

Giúp trẻ ngủ sẽ làm cho bé nhanh hồi phục, vì dạ dày trống trong suốt thời gian này sẽ giúp bé dễ chịu hơn. Không cho bé dùng bất kỳ loại thuốc chống nôn nào khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.

 

BS.CK2.Nguyễn Thị Thanh - Bệnh viện Nhi trung ương
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Giải đáp thắc mắc về nuôi con bằng sữa mẹ và Covid-19

Giải đáp thắc mắc về nuôi con bằng sữa mẹ và Covid-19

2 năm trước

Có rất nhiều các câu hỏi liên quan đến vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ trong giai đoạn dịch Covid-19. Tổ chức Y tế Thế giới có giải đáp như sau: