THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 06:17

Chăm sóc thay thế tại cộng đồng: Giải pháp tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ

01/10/2021 | 07:43
Mới đây, Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ con số đầy xót xa: khoảng 1.500 trẻ em mồ côi vì Covid-19 ở TP.HCM. Lãnh đạo Sở này cũng lưu ý, đây chưa phải là con số cuối cùng bởi vì diễn biến dịch vẫn còn phức tạp. Ngoài TP.HCM, một số tỉnh/thành phố khác ở phía Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và chưa có con số thống kê. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội đã dang tay đón nhận những trẻ em mồ côi. Điển hình và nổi bật nhất là lời hứa xây trường nuôi dạy 1.000 trẻ em mồ côi của doanh nhân Trương Gia Bình.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM (bên phải) tặng quà cho trẻ có ba, mẹ mất do Covid-19 ở quận 4. Ảnh M. Hạnh

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM (bên phải) tặng quà cho trẻ có ba, mẹ mất do Covid-19 ở quận 4. Ảnh M. Hạnh

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trẻ mồ côi vì Covid-19 cần được quan tâm, hỗ trợ dựa trên quyền và hoàn cảnh riêng từng em. Đồng thời, trong mọi biện pháp khả dĩ, việc chăm sóc thay thế cho các em phải là giải pháp ưu tiên.

Theo Luật Trẻ em, trẻ em chỉ có thể phát triển tốt nhất trong môi trường gia đình, bởi chính cha mẹ, người thân thích. Trong trường hợp trẻ em mất đi môi trường gia đình (mất cả cha, mẹ) hoặc không thể sống với cha mẹ, thì cần tìm cho các em một gia đình khác thay thế để các em được chăm sóc bởi người thân thích còn lại của các em, hoặc một gia đình nhận chăm sóc các em.

Khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), các tổ chức quốc tế hoạt động vì quyền trẻ em đều nhấn mạnh việc chăm sóc trẻ em tập trung như cơ sở bảo trợ xã hội, trường nội trú... chỉ là biện pháp cuối cùng khi không thể có biện pháp nào khác.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), trong số 1.500 trẻ em mồ côi tại TP.HCM, mỗi em lại có số phận, có hoàn cảnh khác nhau. Cho nên, phải dựa trên thực tế là các em còn có bố hoặc mẹ, hoặc người thân nào hay không? Nếu còn thì họ có đủ khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc con/cháu họ không? Họ có thiếu gì, cần giúp đỡ gì không? Chúng ta cần lắng nghe con trẻ và người đang chăm sóc trẻ để hiểu được các em có mong muốn gì? Nếu thấy các em còn hy vọng ở với gia đình, người thân, thì cần hết sức hỗ trợ để các em có gia đình, mái ấm, người thân. Tất cả hỗ trợ hiện nay cần xuất phát từ việc các em ổn định cuộc sống, trưởng thành và được đi học. Tốt nhất là các em được tiếp tục lớn lên ngay ở nơi các em đang sinh sống. Việc phải rời quê hương bản quán vào một môi trường khác sẽ khiến các em dễ bị ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, tình cảm trong hiện tại và tương lai.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Công Bình, Chuyên gia Quan hệ Đối tác, UNICEF Việt Nam, cho biết: Nhóm trẻ mồ côi vì Covid-19 có thể được xem như là nhóm trẻ có nhu cầu cần bảo vệ đặc biệt. Về lâu dài, các biện pháp hỗ trợ cần đảm bảo quá trình phát triển và hòa nhập của các em. Theo đó, các hình thức chăm sóc thay thế là biện pháp cần thực hiện để đảm bảo các em vẫn tiếp tục phát triển trong môi trường gia đình hay tương tự gia đình, với nguyên tắc vì quyền lợi tốt nhất cho trẻ theo quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em và hướng dẫn của Liên hợp quốc về chăm sóc thay thế cho trẻ.

Ông Bình lưu ý, cần tránh các cách thức trợ giúp mang tính tức thời hay cảm tính như cách ly hoặc tập trung các em vào các cơ sở chăm sóc, dưỡng dục tập trung vì các biện pháp này rất tốn kém, nó có thể sẽ tước đi mối quan hệ, sợi dây tình cảm tinh thần của các em, chưa kể còn nhiều rủi ro khác như quyền của trẻ bị xâm hại, trẻ bị dán nhãn như trẻ mồ côi, trẻ là nạn nhân của Covid-19...

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ tâm lý học Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội) cho biết, cá nhân bà đánh giá cao mô hình trẻ được nhận nuôi tại nhà hơn là ở các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc trường học nội trú, nhất là với trẻ nhỏ thì yếu tố môi trường sống lại càng quan trọng. Theo TS. Khuất Thu Hồng, thời điểm này cũng là cơ hội để chúng ta khuyến khích các gia đình có đủ điều kiện nhận nuôi trẻ mồ côi, cho trẻ cơ hội được sống trong một môi trường bình thường như những đứa trẻ khác.

Tất nhiên, để đảm bảo cho sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ thì cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Chúng ta cần phải có một cơ chế để theo dõi, giám sát gia đình nhận nuôi, tránh trường hợp trẻ bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán… Ngược lại, Nhà nước cũng nên có một sự hỗ trợ tinh thần nào đó phía sau để các gia đình thấy rằng họ không đơn độc. Đó cũng là một cách ghi nhận việc làm của họ.

Về việc hỗ trợ các gia đình nhận nuôi trẻ mồ côi, theo Tiến sĩ Lucie Cluver, giáo sư tại Đại học Oxford và Đại học Cape Town: Chúng ta cần hỗ trợ các gia đình nhận nuôi trẻ mồ côi, với các biện pháp như hỗ trợ kinh tế, tổ chức các chương trình nuôi dạy con cái, hỗ trợ giáo dục. Chúng ta cũng cần tiêm vaccine Covid-19 cho những người chăm sóc trẻ em - đặc biệt là ông bà.

Ở Việt Nam, kể từ khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực từ năm 2011, trong giai đoạn 2011-2015 đã có 14.539 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi, trong đó 88% là con nuôi trong nước.

Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp), lý do nhận con nuôi của các gia đình Việt Nam chủ yếu là vì không có con cái - chiếm 65%. Các lý do xuất phát từ phía trẻ em chỉ chiếm số ít, cụ thể 15,4% muốn giúp đỡ người thân trong gia đình gặp khó khăn. Chỉ có 19,6% người nhận nuôi muốn chăm sóc trẻ em mồ côi hoặc bị bỏ rơi. Hơn nữa, người nhận con nuôi đa số có mối quan hệ quen biết hoặc quan hệ họ hàng với trẻ em được nhận làm con nuôi. Những con số trên cho thấy văn hóa nhận con nuôi ở Việt Nam vì nhu cầu được chăm sóc của chính đứa trẻ là chưa phổ biến.

Vi Hương
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...