THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 08:58

Chăm sóc trẻ em bị sốt phát ban

11/10/2021 | 17:32
Sốt phát ban là bệnh hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi. Đây là giai đoạn trẻ có sức đề kháng kém vì lượng kháng thể tự nhiên của mẹ truyền cho trẻ đã giảm xuống đáng kể trong khi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hầu hết những nguyên nhân gây sốt phát ban cho trẻ là những virus lành tính, nếu được chăm sóc tốt bệnh có thể tự lành sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, nếu không “cảnh giác” với các triệu chứng bất thường, trẻ vẫn có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nguy hiểm như co giật.

Sốt phát ban (roseola) ở trẻ là một bệnh nhiễm trùng nhẹ. Bệnh phổ biến đến mức hầu hết trẻ đều đã từng mắc bệnh ít nhất một lần trong đời. Có nhiều loại sốt phát ban, trong đó phổ biến là 2 loại: ban đỏ và ban đào.

Đặc trưng của bệnh là trẻ sẽ phát ban sau sốt. Một số trẻ chỉ bị ban đỏ rất nhẹ và không có dấu hiệu rõ ràng nhưng những trẻ khác có thể gặp đầy đủ các triệu chứng.

Sốt phát ban ở trẻ em không phải là bệnh quá nghiêm trọng. Trong trường hợp hiếm, tình trạng sốt quá cao có thể dẫn đến biến chứng.

Dấu hiệu sốt phát ban 

Phải mất 1 – 2 tuần trẻ mới xuất hiện các dấu hiệu sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc nhiễm virus. Đây là bệnh có khả năng lây nhiễm cao với các triệu chứng nhẹ, khó có thể nhận thấy.

Sốt khởi phát bằng một cơn sốt cao đột ngột, cao hơn (39,4°C). Một số trẻ cũng có thể bị đau họng, sổ mũi hoặc ho kèm theo hoặc trước khi sốt; sưng hạch bạch huyết ở cổ kèm theo sốt. Cơn sốt kéo dài từ 3-5 ngày.

Phát ban: Trẻ phát ban sau sốt nhưng không phải lúc nào cũng bị.Trẻ có thể nổi nhiều nốt hoặc mảng nhỏ màu hồng, phẳng hoặc hơi sần, có thể có viền trắng xung quanh, bắt đầu từ ngực, lưng và bụng, sau đó lan ra cổ và cánh tay, chân, mặt, kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, tình trạng này không gây ngứa hay khó chịu.

Ngoài ra, còn có các biểu hiện sốt phát ban khác đi kèm theo như: Hay quấy khóc, mệt mỏi; Tiêu chảy nhẹ; Chán ăn; Sưng mí mắt.

Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu: Co giật do sốt; Sốt cao hơn 39,4°C và không hạ sốt; Tình trạng phát ban và sốt kéo dài hơn 7 ngày; Tình trạng phát ban không cải thiện sau 3 ngày.

Điều trị sốt phát ban ở trẻ nhỏ

Bé bị sốt phát ban có thể khó chẩn đoán vì các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu khá giống với các bệnh thông thường. Nếu trẻ bị sốt nhưng không phải do cảm lạnh, nhiễm trùng tai, viêm họng liên cầu hoặc các bệnh khác, bác sĩ có thể cho thời gian quan sát chờ xem các vết ban đỏ có xuất hiện hay không. Nếu điều trị sốt tại nhà, bạn cũng nên chú ý đến biểu hiện sốt phát ban này.

Bác sĩ thường xác nhận chẩn đoán bằng vết phát ban hoặc bằng xét nghiệm máu để kiểm tra các kháng thể trong một số trường hợp.

Hầu hết trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng một tuần sau khi sốt. Với lời khuyên từ bác sĩ, bạn có thể cho trẻ dùng thuốc không kê đơn để hạ sốt, chẳng hạn như acetaminophen, paracetamol hoặc ibuprofen.

Thận trọng khi cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên dùng aspirin. Do aspirin có khả năng gây ra hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng có thể đe dọa tính mạng ở các đối tượng này.

Không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh sốt phát ban. Một số bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng virus như ganciclovir để điều trị nhiễm trùng. Cần lưu ý thuốc kháng sinh không có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh do virus gây ra.

Nguyên nhân phổ biến nhất là do virus herpes 6 ở người. Trong một số trường hợp, bệnh còn do một loại virus herpes khác gây ra.

Sốt phát ban sẽ lây từ người này sang người khác khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp hoặc nước bọt của người bệnh. Do đó, nếu một trẻ khỏe mạnh dùng chung cốc với trẻ bị bệnh hoàn toàn có thể bị nhiễm virus. Bệnh có thể lây truyền ngay cả khi không có triệu chứng phát ban mà chỉ mới ở giai đoạn sốt.

Biến chứng sốt phát ban 

Các biến chứng từ sốt phát ban rất hiếm. Đại đa số trẻ em và người lớn khỏe mạnh nếu mắc bệnh thì đều hồi phục nhanh. Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra những biến chứng như: Co giật do nhiệt độ tăng nhanh. Trẻ có thể bất tỉnh trong thời gian ngắn và giật tay, chân hoặc đầu trong vài giây đến vài phút. Trẻ cũng có thể tạm thời bị mất kiểm soát bàng quang hoặc nhu động ruột. 

Chăm sóc trẻ đúng cách tại nhà

Theo tư vấn của bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh:

Hạ sốt đúng cách cho trẻ: Nếu trẻ sốt từ 38 độ C cho trẻ uống thuốc hạ sốt loại paracetamol loại đơn chất với liều 10 - 15mg/kg cân nặng theo chỉ định của bác sĩ, 4 - 6 giờ một lần. Lau mát cho trẻ bằng nước ấm khi cần, để tránh biến chứng sốt cao co giật ở trẻ.

Trẻ bị sốt phát ban cần được tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Giảm ho, giảm đau họng cho trẻ: Khi trẻ ho nên cho trẻ uống các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược như rau tần dầy lá, quất chưng với đường phèn, gừng hấp mật ong…

Làm thông mũi trẻ bằng nước muối loãng và khăn giấy mềm: Giúp trẻ dễ ăn uống và bú sữa mẹ.

Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng như cháo, súp, sữa và bổ sung đủ nguồn nước uống cho trẻ. Nên chia nhỏ bữa ăn để giúp trẻ nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết.

Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, nhất là những loại nước ép trái cây tươi để đảm bảo việc cung cấp đủ nguồn vitamin cho cơ thể, cải thiện sức đề kháng.

Giữ vệ sinh da luôn sạch và khô thoáng bằng cách tắm rửa cho trẻ sạch sẽ mỗi ngày, không nên kiêng gió, kiêng nước, kiêng ăn.

Thói quen kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó hạ sốt và dễ co giật do sốt cao. Không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu và dễ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Tuy nhiên, không nên để trẻ bị lạnh.

Không nên kiêng khem cho trẻ quá mức sẽ làm cho trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém và dễ bị nhiễm trùng.

Trẻ bị sốt phát ban được chăm sóc tại nhà sẽ được hướng dẫn tái khám theo hẹn mỗi ngày hoặc 2 ngày một lần tùy theo tình trạng bệnh của trẻ. Cha mẹ cần cho trẻ đến khám lại ngay khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sau:

- Trẻ bị sốt cao không hạ sau khi đã phát ban.

- Thay đổi tri giác: lừ đừ, ngủ li bì, hôn mê.

- Trẻ bị co giật.

- Trẻ thở mệt, thở nhanh, khó thở.

Việt Cường
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Bệnh viêm não mô cầu ở trẻ nhỏ

Bệnh viêm não mô cầu ở trẻ nhỏ

2 năm trước

Bệnh viêm màng não mô cầu ở trẻ em là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ diễn tiến nhanh chóng, để lại di chứng nặng nề,...