THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 06:00

Chăm sóc y tế tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập: Thực trạng và giải pháp

08/11/2019 | 10:29

Nhiệm vụ của những cán bộ y tế làm công tác cai nghiện rất nặng nề
 
Do đặc thù của người nghiện ma túy (NNMT) nên việc chăm sóc sức khỏe phải đồng thời xử lý hai vấn đề: cai nghiện, điều trị các rối loạn tâm thần do nghiện ma túy gây ra và nâng cao thể chất, chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội, bệnh xã hội như HIV/AIDS, lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan B, C... Hai nhiệm vụ này hòa quyện, bổ sung cho nhau. 
 
Người nghiện thực tế là người mắc bệnh tâm thần (mãn tính) đặc biệt, phổ biến là trầm cảm, ảo giác, hoang tưởng… liên quan đến lịch sử sử dụng ma túy, tính chất và mức độ nghiện. Gần đây, các loại ma túy tổng hợp (ATS) phát triển ồ ạt (theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn quốc có 225.099 người nghiện ma túy, trong đó tỷ lệ sử dụng ATS chiếm khoảng 60-70% tổng số người nghiện), tính chất, đặc điểm nghiện phức tạp, rối loạn tâm thần cấp chiếm tỷ lệ cao, trong khi chưa có phác đồ điều trị chính thức. 
 
Mặt khác cũng rất phổ biến, là người vào cai nghiện thường suy kiệt cơ thể, do hậu quả của sử dụng ma túy, do sinh hoạt thiếu điều độ, mắc rất nhiều bệnh khác, phần lớn đến mức độ trầm trọng. Nếu không nâng cao thể chất, chữa trị các bệnh khác thì điều trị sức khỏe tâm thần cũng không đạt được. Do vậy, nhiệm vụ đặt lên vai những cán bộ làm công tác cai nghiện hết sức nặng nề.


BS Nguyễn Thanh Bình, Phó Phòng Y tế - Phục Hồi sức khỏe (CSCN Ninh Bình) chia sẻ về những nguy hiểm (được camera ghi lại) khi người nghiện lên cơn “ngáo”. Ảnh Thảo Vân
 
Theo kết quả khảo sát, đánh giá công tác phòng bệnh, khám, chữa bệnh tại CSCN ma túy công lập do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thực hiện, hiện nay, trình độ chuyên môn của cán bộ chưa đồng đều, số lượng cán bộ y tế còn thiếu. Tính trung bình 1 bác sĩ tại CSCN phải điều trị cho hơn 2.500 lượt người/1 năm, thực sự quá tải. Đặc biệt, số người nghiện ma túy đá dẫn đến các bệnh rối loạn về tâm thần tăng nhanh, thì công việc đối với bác sĩ là rất lớn.
 
Bên cạnh đó, chế độ chính sách ưu đãi còn thấp, môi trường làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với các bệnh dễ lây nhiễm khiến cơ sở không thu hút được cán bộ có trình độ chuyên môn cao làm việc. Bác sĩ Phạm Khắc Quý, Phòng Y tế, Cơ sở cai nghiện ma túy Gia Minh (Hải Phòng) cho biết, số người nghiện mắc HIV/AIDS tại Cơ sở luôn ở mức cao (có lúc trên 40%). Cán bộ nơi đây phải đối mặt với nhiều hiểm nguy tiềm ẩn như tiếp xúc số bệnh nhiễm (HIV, lao…); Thường xuyên đối mặt với nhiều bệnh nhân tâm lý bất thường, rủi ro luôn rình rập (học viên không nghe lời, thường xuyên đánh nhau, vi phạm nội quy, thậm chí có lúc kích động còn đòi đánh lại cán bộ) đòi hỏi người thầy thuốc không chỉ đơn thuần là khám bệnh, kê thuốc, mà phải quan tâm cả về môi trường sinh hoạt, động viên tinh thần, giải thích nhiều vấn đề để học viên nắm bắt và tuân theo để cắt cơn, tự nguyện tránh xa ma túy. 
 
Ngoài ra, nhiều CSCN đã xây dựng từ lâu trang, thiết bị y tế còn thiếu, xuống cấp, chưa được đầu tư nâng cấp; cơ sở vật chất còn thiếu, chưa có khu điều trị riêng biệt; chưa có hệ thống xử lý chất thải, nước thải và chất thải rắn y tế dễ gây ra tình trạng phơi nhiễm và ô nhiễm môi trường… 
 

Cán bộ y tế ở CSCN phải đối mặt với nhiều hiểm nguy tiềm ẩn. Ảnh Thảo Vân.
 
Cần có các chính sách ưu đãi cho cán bộ y tế
 
Theo ông Lê Văn Khánh (Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội), nhiều CSCN có chỉ tiêu nhưng hàng chục năm không tuyển được bác sĩ do thu nhập thấp so với làm việc ở các cơ quan khác, lại vất vả hơn trong môi trường làm việc phức tạp, nhiều rủi ro, xa gia đình, không có điều kiện chăm sóc con cái... Số bác sĩ chuyên khoa tâm thần trong hệ thống CSCB chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cán bộ tâm lý, giáo dục đã thiếu nhưng năng lực lại chưa đáng ứng yêu cầu.
 
Do đó, cần có chính sách ưu đãi cho cán bộ y tế và tâm lý giáo dục và đổi mới cơ chế tuyển dụng, cơ cấu lại, tăng tỷ lệ cán bộ y tế và tư vấn trong CSCN (không dưới 30%); đề nghị bổ sung vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc độc hại; cấp kinh phí tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, người lao động của cơ sở.
 
Đồng thời, thực hiện chế độ bắt buộc nâng cao trình độ chuyên môn, động viên, khen thưởng, khuyến khích những cán bộ tâm huyết, có năng lực và kinh nghiệm giúp cán bộ y tế thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị nghiện cho học viên tại cơ sở. Đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng từ Trung ương đến CSCN, trong đó, nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương là đổi mới chính sách, chế độ cho cán bộ và học viên, phác đồ điều trị, huấn luyện, chỉ đạo, giám sát, cung cấp tài liệu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của quốc tế, giữa các địa phương...
 
Thứ hai là đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị về khám chữa bệnh, tư vấn, thể dục thể thao, giải trí, dạy nghề... tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Không nên so sánh chế độ cho người cai nghiện tại CSCN cao hơn chế độ cho một số đối tượng bảo trợ xã hội khác để từ đó lưỡng lự trong việc đầu tư CSVC hoàn thiện cơ sở cai nghiện. Bởi vì mục tiêu của cai nghiện là giúp người nghiện phục hồi, hòa nhập cộng đồng. Mà để phục hồi thì cốt lõi là chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh tâm thần, nâng cao thể chất, chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội, bệnh lây qua đường tình dục...
 
 Đến hết tháng 11/2018, cả nước có 105 CSCN công lập gồm: 
- 6 cơ sở chỉ có chức năng cai nghiện bắt buộc. 
- 79 cơ sở cai nghiện đa chức năng: bắt buộc, tự nguyện, điều trị thay thế, quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định.
- 18 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện và Methadone. 
- 2 cơ sở tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.
 
 

Đông Viên/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.