THỨ NĂM, NGÀY 09 THÁNG 05 NĂM 2024 07:50

Chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ: Cần được tầm soát sớm và điều trị đúng phương pháp

23/07/2019 | 10:00
 
Trước khi sử dụng thuốc tăng chiều cao, cần có sự tư vấn của bác sĩ
 
Không được tự làm “bác sĩ tại nhà” cho con
 
Gần đây, nhiều bố mẹ thấy con thấp còi, do tâm lý quá lo lắng kèm những thông tin tìm thấy trên các trang mạng nên đã vội vàng nghĩ đến việc con bị thiếu hụt canxi. Do đó, họ tự ý mua thuốc tăng chiều cao, bổ sung canxi bằng những sản phẩm không qua kiểm chứng lâm sàng và cũng không được tư vấn sử dụng từ bác sĩ chuyên môn. Tuy nhiên, quan điểm đó đã đi ngược lại với khoa học và nhu cầu cần thiết của cơ thể con trẻ. Điều đó không những không cải thiện được mục tiêu đề ra mà còn ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng ở trẻ. Trên thực tế, chậm tăng trưởng chiều cao có nhiều nguyên nhân. Yếu tố quan trọng nhất là phải đưa trẻ đi tầm soát sớm để biết được nguyên nhân chính xác của việc chậm tăng trưởng để được điều trị sớm và đúng phương pháp. 
 
TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh - Phòng khám Nhi Bệnh viện Đại học Y dược chia sẻ: “Để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ thì khi sử dụng bất kỳ một sản phẩm nào, cần phải xem xét thành phần thuốc, liều dùng, chỉ định dùng cho đối tượng nào và có chống chỉ định gì hay không. Nếu sử dụng không đúng có thể gây hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Ví dụ, đa phần các sản phẩm tăng chiều cao đều chứa canxi. Nhưng cần phải xem đây là loại hợp chất canxi gì, liều dùng như thế nào. Nếu dùng dư thừa có thể gây sỏi thận, suy thận, vôi hóa mô mềm… Việc tầm soát chính xác nguyên nhân chậm tăng trưởng của bé để có phương pháp điều trị phù hợp nhất là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, phụ huynh phải luôn cẩn trọng trong việc dùng các loại thuốc cho con trẻ. Phải đưa trẻ đến khám và phải được bác sĩ chuyên môn tư vấn, tránh trường hợp tự làm “bác sĩ tại nhà” cho con thông qua các thông tin tìm được trên mạng xã hội hay quảng cáo thuốc “tăng chiều cao”. Điều đó không những không điều trị đúng căn nguyên mà còn có thể ảnh hưởng nguy hiểm đến tình trạng sức khỏe của trẻ”. 
 
 
Ảnh minh họa
 
Cha mẹ nên theo dõi sát chiều cao của con để có hướng điều trị phù hợp
 
Trên thực tế, mọi đứa trẻ từ lúc mới sinh cho đến trước tuổi dậy thì đều có thể có biểu hiện chậm tăng trưởng chiều cao. Do đó, cha mẹ nên quan tâm đến tốc độ tăng chiều cao của con ở mọi độ tuổi để có thể đưa bé đi khám sớm nhất nếu thấy bất thường hoặc có nghi ngờ bất thường. Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên đo chiều cao cho trẻ 3 tháng/lần. Thông thường, nếu chiều cao của trẻ < -2SD (đường cong biểu diễn chiều cao nằm ngoang hoặc đi xuống) hoặc tốc độ tăng trưởng ≤ 4 cm/năm và đã loại trừ vấn đề suy dinh dưỡng thì bé có thể rơi vào trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao và nên được đưa đi khám nội tiết sớm. 
 
Hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần thì biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm. Nếu do bệnh lý khác như Turner chẳng hạn thì bé sẽ có một số biểu hiện khác. Tuy nhiên, những biểu hiện này thường chỉ được nhận biết bởi bác sĩ nội tiết. Do vậy, khuyến cáo chung là cha mẹ nên theo dõi sát chiều cao của bé, nếu thấy tốc độ tăng trưởng ≤ 4cm/năm thì nên đưa bé đi khám ngay.
 
Với nhiều bậc cha mẹ, khi con có dấu hiệu chậm phát triển chiều cao, họ thường cho rằng nguyên nhân là do dinh dưỡng và di truyền. Thực tế, chậm phát triển chiều cao không chỉ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng hay di truyền mà còn do nhiều nguyên nhân khác như nguyên nhân nội tiết (thiếu hormone tăng trưởng, suy tuyến giáp), thai nhi suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, trẻ sinh ra nhẹ cân, bất thường nhiễm sắc thể (hội chứng Turner, hội chứng Down), một số loại thiếu máu (thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm), bệnh mãn tính (thận, tim, tiêu hóa, hoặc bệnh phổi), sang chấn tâm lý, hậu quả của việc sử dụng một số loại thuốc khi mang thai của bà mẹ… Cũng có trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao nhưng không xác định được nguyên nhân gọi là thấp vô căn.
 
Trong các nguyên nhân trên thì dù tỉ lệ thiếu hormone tăng trưởng ước tính chỉ chiếm khoảng 1/4.000 - 1/10.000 trẻ, nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em. Hormone tăng trưởng là yếu tố quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em và là hormone đóng vai trò quyết định về chiều cao trong giai đoạn phát triển của trẻ. Nếu trẻ chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng nhưng không được điều trị kịp thời, chiều cao cuối cùng của trẻ sẽ thấp hơn nhiều so với chiều cao đáng lý trẻ sẽ đạt được khi trưởng thành. Điều này có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cũng như tâm lý sau này của trẻ.
 
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, việc chuẩn hóa quy trình chẩn đoán và điều trị chậm tăng trưởng chiều cao bằng hormone tăng trưởng đã bắt đầu được quan tâm và ngày càng phát triển. Ngoài ra, việc điều trị bằng hormone tăng trưởng không chỉ áp dụng cho trường hợp trẻ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng mà còn được chỉ định trong các trường hợp gây ra do những nguyên nhân khác như: hội chứng Turner, bệnh thận mãn, trẻ sinh ra nhỏ hơn so với tuổi thai… Việc điều trị bằng hormone tăng trưởng nhằm mục đích giúp trẻ đạt được chiều cao càng gần mức bình thường càng tốt. Thông thường, sau 3 tháng điều trị, chiều cao của trẻ sẽ được cải thiện.
 
TS.BS Trần Quang Khánh, Trưởng Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Nếu trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ. Thực tế các trường hợp điều trị bằng hormone tăng trưởng tại bệnh viện cho thấy, các bé sẽ tăng được từ 6 -  12cm/năm và khoảng 80% bé tăng được 1cm/tháng trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, quá trình điều trị cần bắt đầu sớm, trước khi trẻ dậy thì thì mới có kết quả”
 
Khi điều trị thay thế bằng hormone tăng trưởng, để đạt được hiệu quả tối ưu thì việc điều trị đúng thời điểm, đúng liều lượng là rất quan trọng. Trẻ nên được phát hiện sớm và được điều trị trước tuổi dậy thì. Tốt nhất là điều trị trong khoảng độ tuổi từ 4-13 tuổi. Nếu qua “thời gian vàng” này, các sụn xương của trẻ sẽ đóng lại, dẫn đến việc dùng hormone tăng trưởng sẽ không còn tác dụng. 

Can Khương/TC GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.