THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 05:42

Chảo Yến và ước mơ nâng tầm tri thức đổi phận nghèo

07/12/2021 | 06:53
Con đường đến với tri thức vô cùng gian nan của Chảo Thị Yến - cô gái dân tộc Dao Tuyển đầu tiên của bản Ngám Xá, tỉnh Lào Cai đi du học Đức, cùng giấc mơ giúp được nhiều trẻ em nghèo đến trường để phát triển toàn diện và những trăn trở về sự đổi thay của các bản làng người dân tộc thiểu số hiện nay đã làm lay động hàng triệu con tim.

Mỗi chặng đường Chảo Yến đi đều là những câu chuyện đầy ắp cảm xúc và lan tỏa được năng lượng tích cực, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số sẽ có thêm động lực vượt các rào cản trong cuộc sống, chạm tay đến ước mơ của mình.

Mỗi chặng đường Chảo Yến đi đều là những câu chuyện đầy ắp cảm xúc và lan tỏa được năng lượng tích cực. Ảnh: NVCC

Mỗi chặng đường Chảo Yến đi đều là những câu chuyện đầy ắp cảm xúc và lan tỏa được năng lượng tích cực. Ảnh: NVCC

Từ khao khát đến trường vượt qua nghèo đói

Chảo Thị Yến, sinh năm 1990 ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, một trong những xã nghèo nhất của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ở đây trẻ em ít học và lao động sớm, kết hôn sớm. Mọi người ở Ngám Xá không thấy việc đi học là quan trọng, bởi họ vẫn nghĩ chỉ có cầm cán cuốc là chắc chắn nhất, và con gái học nhiều để làm gì, sau cũng lại về nuôi nhà chồng. Chính vì tư tưởng đó nên đến năm Yến học xong lớp 9 thì bố mẹ không cho đi học nữa. Yến phải ở nhà lên nương, làm rẫy, hái rau rừng, măng rừng sang Trung Quốc bán và đi làm thuê bên Trung Quốc khi mới 15 tuổi để phụ giúp bố mẹ. Khát khao đến trường của Yến bùng cháy, nhưng nhanh chóng bị dập tắt bởi cái đói, cái nghèo.

Đến năm Yến 16 tuổi, sau 3 năm nghỉ học, cô bé hiểu rằng mình đang nghèo, không có quần áo mặc, không có cơm ăn, nên thôi thúc ý chí rằng mình cùng gia đình phải thoát khỏi cảnh cơ cực này. Yến nhớ đến câu nói của thầy Thanh – giáo viên chủ nhiệm hay đến nhà Yến: “Nếu không đi học, mãi mãi không thể thoát nghèo được đâu”. Thế là khao khát đến trường khi đó có thêm chất xúc tác là khao khát thoát nghèo, bùng cháy mãnh liệt. Sau 3 năm kiên trì thuyết phục, mẹ Yến đã gật đầu cho cô con gái bướng bỉnh đến trường. "Đó chính là một trong những sự kiện đáng nhớ nhất của cuộc đời mình." – Yến bộc bạch.

Học xong cấp 3, Yến thi đỗ vào trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, trở thành một trong 2 người đầu tiên của xã đi học Đại học. Và như một kì tích, Yến lại may mắn giành được học bổng của Liên minh châu Âu, Erasmus Mundus, để theo học Thạc sĩ ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững ở Đức, trở thành người đầu tiên của xã đi du học. Chặng đường từ một cô bé chưa biết không có cơm ăn là nghèo đến khi giành được học bổng du học là quãng đường khó khăn, cơ cực và dài nhất mà Yến từng đi đã được cô gái viết lại trong cuốn tự truyện “Đường ngược chiều – Từ bản người Dao đến học bổng Erasmus” xuất bản năm 2020.

Đến muốn học làm giàu để có thể giúp đỡ nhiều người khác

Học không chỉ là trên lớp – đó là câu nói của thầy Bùi Chí Thanh (Hiệu trưởng Trường THCS Nậm Chạc) mang một nghĩa rộng hơn, đó là việc không ngừng học tập, không ngừng trau dồi cả ở trường lớp và ngoài xã hội. Và đại học không phải là con đường duy nhất có thể thoát nghèo, mà còn nhiều con đường khác. Quan trọng là mình hiểu về đam mê của mình và mục tiêu của mình, từ đó mình sẽ tìm cách để chạm đến ước mơ. Và chỉ cần không ngừng học tập, luôn kiên trì thì mọi rào cản sẽ trở nên vô hình! – Chảo Yến.

 

Chảo Yến và các bạn khi du học tại Đức. Ảnh: NVCC

Chảo Yến và các bạn khi du học tại Đức. Ảnh: NVCC

Thời gian du học là giai đoạn Yến thay đổi nhiều nhất về tư duy. Yến được giao tiếp với bạn bè khắp thế giới, học được nhiều phương pháp nâng đỡ các cộng đồng dân tộc thiểu số. Yến thổ lộ, ngày xưa, cô chỉ muốn giúp gia đình có đủ cơm ăn áo mặc, nhưng sau này, Yến thấy như vậy là chưa đủ. Bởi ngoài cơm ăn, áo mặc ra, còn rất nhiều những khó khăn khác. Nên nếu bản thân mình chỉ đủ cơm ăn áo mặc, mình sẽ không thể giúp đỡ được gì ngoài những lời động viên, trong khi cái họ cần là “hiện vật”. Nên nếu bản thân mình không đủ vững vàng, rất khó để mình có thể lo thêm cho những người khác, bao gồm cả bố mẹ mình. Chính vì thế, mình vẫn luôn không ngừng cố gắng, và với phương châm “Cái gì khó quá không làm được thì hãy làm nó bằng niềm tin” thì mình tin sẽ đủ vững vàng để có thể giúp đỡ nhiều người khác.

Chảo Yến chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn mới là du lịch cộng đồng.

Chảo Yến chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn mới là du lịch cộng đồng.

Về nước, Chảo Yến từng công tác tại Trung tâm Con người và Thiên nhiên với những dự án giúp ích cho các vùng khó khăn. Hiện Yến rẽ sang lĩnh vực hoàn toàn mới là du lịch cộng đồng. Công việc khá bận và em phải tranh thủ nhiều thời gian hơn để thực hiện các mục tiêu truyền thông mà cá nhân mình đã đặt ra.

Chảo Yến chia sẻ về niềm hy vọng muốn dùng mạng xã hội để khích lệ sự hiếu học, ham hiểu biết, ý chí và truyền bá phong tục tập quán tốt đẹp của người Dao. Hiện Yến đang phát triển một kênh video ngắn. Em tự quay các video, tự đạo diễn, lên kịch bản, tự cắt dựng, chỉnh sửa rồi đăng lên mạng. Tất cả là do em tự học, tự mày mò cách làm. Lúc làm, em chỉ nghĩ muốn câu chuyện của mình đến với những bạn trẻ, đặc biệt là các bạn dân tộc thiểu số. Em cũng muốn giới thiệu văn hoá miền núi, cụ thể là văn hóa của người Dao để người miền xuôi hiểu đúng hơn về người miền núi. Em muốn các bạn dân tộc thiểu số bớt tự ti về nguồn gốc xuất thân của mình, bởi vì tự ti sẽ tạo điều kiện cho người khác kỳ thị, sẽ mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống.

Đặc biệt là một chuỗi câu chuyện có kịch bản về “câu chuyện chú xe ôm và mẹ tôi”. Đây là một series video ngắn kiểu “khôn ở phố, ngố ở quê” do chính Chảo Yến viết kịch bản, đóng vai chú xe ôm, xong lại đóng vai người mẹ, rồi diễn cả vai chính mình nữa. Những video này còn đòi hỏi khả năng diễn xuất và năng lực nắm bắt kỹ thuật, sự hiểu biết về truyền thông mạng xã hội. “Quan trọng là phải hài hước thì video mới có nhiều người xem và mục đích truyền thông mới đạt được” - Chảo Yến cho hay. Có những video Yến lên kịch bản là chú xe ôm mời người phụ nữ Dao: Bà ơi đi xe ôm không? Người phụ nữ trả lời: Đi xe máy thôi, không ôm đâu. Tìm ra tính đúng đắn của từ ngữ giao tiếp, cách hành xử đúng hằng ngày chỉ qua một vài chi tiết nhỏ là cái tài của Chảo Yến, sự thông minh rất đáng ngạc nhiên của cô gái Dao.

Sau một thời gian ngắn làm video đăng trên mạng xã hội, Yến nhận được nhiều lời khen ngợi. Theo dõi Chảo Yến trên mạng có rất nhiều học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số không chỉ dân tộc Dao mà còn có các dân tộc thiểu số khác. Họ tìm thấy ở Yến một hy vọng lớn để nỗ lực. Không có điều gì là không thể, kể cả việc xuất thân từ một cô bé chỉ biết nói tiếng Dao, không nói thạo tiếng Việt, tiếng Anh đến việc du học nhiều nước châu Âu và trở về với một tâm thế mới, con người mới, khao khát cống hiến và có tầm tri thức mới, một tấm lòng vì cộng đồng.

Việt Cường
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Đôi điều về phát triển toàn diện cho trẻ em

Đôi điều về phát triển toàn diện cho trẻ em

2 năm trước

Những năm gần đây Việt Nam đẩy mạnh thực hiện yêu cầu phát triển toàn diện cho trẻ em. Đây là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cần xem xét...