CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 04:54

Chỉ làm việc khi được đảm bảo điều kiện an toàn lao động

25/02/2020 | 09:32
 
Người lao động có quyền từ chối công việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Ảnh KT
 
Anh Trần Xuân Trì (quê Nghệ An) được nhận vào làm nhân viên kỹ thuật, sửa chữa và bảo trì máy tại Công ty Ninh Phát (Tp Hồ Chí Minh). Sau thời gian thử việc, 2 bên không ký hợp đồng lao động nhưng anh Trì vẫn được bố trí làm việc với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Ngoài mức lương này, anh không có thêm các quyền lợi hay khoản bảo hiểm nào khác.
 
Cho đến ngày 5/2/2016, công ty cho công nhân nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do có một số máy móc cần sửa chữa nên ông Nguyễn Quang Vinh (con trai Giám đốc Công ty Ninh Phát) yêu cầu anh Trì cùng 2 công nhân làm thêm 1 ngày. Anh Trì đồng ý ở lại làm việc, đến chiều thì xảy ra TNLĐ. Hậu quả anh bị mất cánh tay phải, suy giảm 65% khả năng lao động. Theo anh Trì, Công ty đã hỗ trợ viện phí, thuốc men cho anh là 14 triệu đồng và 4 hộp sữa rồi thông báo miệng cho nghỉ việc vào tháng 8/2016. Anh Trì đã nhiều lần làm đơn xin cứu xét, đề nghị được hỗ trợ thêm nhưng phía Công ty từ chối. Do đó, nam công nhân khởi kiện yêu cầu TAND huyện Bình Chánh giải quyết, buộc Công ty phải bồi thường cho các khoản thiệt hại do TNLĐ, trả khoản tiền tương ứng với chế độ TNLĐ và yêu cầu bồi thường việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. 
 
Thực tế, việc triển khai chính sách bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) còn vướng mắc, chậm, do một số quy định về tài chính, thủ tục hành chính quá phức tạp. Trong khi đó, mục đích chính của Luật ATVSLĐ đặt ra là mở rộng đối tượng sang cả khu vực lao động không có hợp đồng lao động, chuyển mạnh từ bị động giải quyết hậu quả sang chủ động phòng ngừa, giảm thiểu TNLĐ, BNN. Ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Để thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN, Bộ LĐTBXH đang khẩn trương xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 37/2016/NĐ-CP theo hướng bỏ bớt thủ tục hành chính; quy định rõ hơn, thuận lợi hơn mức hỗ trợ (cao hơn); quy trình xác định đối tượng được hưởng nhanh hơn, chính xác hơn, quy trình thực hiện thuận lợi hơn, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động phòng ngừa, giảm TNLĐ, BNN. 

 
Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN giúp người lao động không có hợp đồng lao động có cơ hội tham gia. Ảnh KT
 
Theo Luật sư Phạm Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, Luật ATVSLĐ quy định rõ người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra TNLĐ đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình. Sau khi rời khỏi nơi làm việc, họ phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. 
 
Cũng theo Luật sư Phạm Minh Tâm, người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động vẫn được tham gia Quỹ bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thất nghiệp theo hình thức tự nguyện. Ngoài ra, khi người lao động bị TNLĐ, BNN thì quá trình điều trị, toàn bộ chi phí y tế người sử dụng lao động phải chi trả. Đối với người lao động có BHYT mà các khoản chi điều trị không nằm trong danh mục bảo hiểm chi trả thì người sử dụng phải chi trả chứ người lao động không phải chi trả như trước đây.
 
Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết thêm, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ dành tối đa 10% hàng năm từ nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN, bao gồm: Khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động; điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội; huấn luyện về ATVSLĐ cho người tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN.
 
Với quy định mở rộng đối tượng, Quỹ giúp người lao động không có hợp đồng lao động có cơ hội tham gia. Quỹ bổ sung thêm các nội dung chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc. Đồng thời hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN.
 
Việt Nam tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), với những thị trường lao động rất năng động nhưng cũng yêu cầu rất cao về các điều kiện lao động như: bảo hiểm, an toàn… Như vậy, đây là cánh cửa rất lớn, điều kiện rất cao cho các đối tượng bắt buộc cũng như tự nguyện tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội trong đó có bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Đông Viên/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.