THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 09:26

Chứng tê bì chân tay - Báo hiệu nhiều bệnh nguy hiểm!

19/10/2018 | 16:51
 
Tê bì có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào trên cơ thể tùy theo vị trí phân bố của các dây thần kinh và nguyên nhân gây bệnh. Ảnh: KT

Mức độ và triệu chứng
 
Thông thường, tê chân tay khởi phát rất nhẹ nhàng như tê các đầu ngón tay, cảm giác như châm chích, dị cảm, kiến bò, tê buốt, chuột rút rất khó chịu. Càng về sau mức độ tê đau càng tăng. Các ngón tay bị tê nhức, buốt nhiều hơn và đau lan dọc cánh tay, cẳng tay làm cho người bệnh khó cử động. Những triệu chứng này cũng có thể xuất hiện tương tự ở các ngón chân, bàn chân, cổ chân, cẳng chân, đùi, mông, vùng thắt lưng… 
 
Ngoài ra, vị trí tê nhức có liên quan mật thiết đến vùng dây thần kinh chi phối như: tê ngón cái, ngón trỏ và giữa trong hội chứng ống cổ tay; tê các ngón út và áp út như trong tổn thương thần kinh trụ và người bệnh có thể có các triệu chứng khác kèm theo như đau cứng các khớp bàn tay trước đó trong bệnh lý thấp khớp, hoặc đau mỏi cổ, gáy, vai trong chèn ép rễ thần kinh cổ. Tương tự, tê bì có thể xuất hiện ở bàn chân, cẳng chân, mông, đùi... trong các trường hợp chèn ép rễ thần kinh thắt lưng cùng hay cũng có thể gặp trong các bệnh lý toàn thể như trong viêm đa dây thần kinh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tê bì cũng có thể xuất hiện ở những vùng cục bộ khác của cơ thể như ở đỉnh đầu, một bên đầu, ở ngực, lưng hoặc ngay cả quanh bộ phận sinh dục... Tóm lại, tê bì có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào trên cơ thể tùy theo vị trí phân bố của các dây thần kinh và nguyên nhân gây bệnh.
 
Nhiều nguy cơ gây tê bì chân tay
 
Theo các bác sĩ, nguyên nhân thông thường dẫn đến tình trạng tê nhức hay tê bì chân tay là do ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý với nhiều dầu mỡ, áp lực trong công việc, cuộc sống… hoặc do xuất phát từ một bệnh lý cụ thể:
 
- Ở người có thai, càng về cuối thai kỳ thì dấu hiệu của việc tê tay chân càng gia tăng vì khi đó thai phụ tăng cân, thai to chèn ép các mạch máu làm cho việc tuần hoàn máu khó khăn khiến chân tay dễ bị tê mỏi. Mặt khác, do thai phụ lười vận động, hoặc tay chân bị chèn ép khi ngủ, hoặc thực hiện một số tư thế đứng, ngồi xổm quá lâu… làm máu kém lưu thông dẫn đến việc tê tay chân.
 
- Mạch máu và thần kinh bị chèn ép khiến máu khó lưu thông. Nguyên nhân là do ngồi, đứng, ngủ sai tư thế, lao động nặng, ngồi máy tính liên tục, chạy xe nhiều giờ, đứng hoặc ngồi xổm một chỗ với một tư thế quá lâu…
 
- Ảnh hưởng của thời tiết, những người có sức đề kháng suy giảm thì khi gặp trời lạnh, gây rối loạn cảm giác.
 
- Do tác dụng phụ khi dùng một số thuốc. 
 
- Ở người bệnh đái tháo đường, nếu việc điều trị, kiểm soát đường huyết không tốt dẫn đến biến chứng, người bệnh sẽ bị tê nhức cả chân và tay. Nếu ở giai đoạn sớm, chỉ có rối loạn cảm giác ở hai chi dưới và bàn tay khiến người bệnh có cảm giác tê bì hoặc như kim châm.
 
 
Khi có dấu hiệu tê bì chân tay, người bệnh cần đến ngay chuyên khoa thần kinh hay mạch máu để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh nhằm có những phương pháp điều trị thích hợp. Ảnh minh họa.

Hướng điều trị
 
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thông - Khoa Nội - Thần kinh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tê bì chân tay là dấu của nhiều chứng bệnh nghiêm trọng đối với sức khỏe. Vì các triệu chứng, biểu hiện bệnh là giống nhau nên cần phải phân biệt cho thật rõ để dùng phương pháp điều trị hiệu quả, tránh chẩn đoán bừa sẽ mang lại nhiều hệ lụy, không những bệnh không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn. 
 
Do đó, khi có biểu hiện tê chân tay thì người bệnh phải đến ngay bác sĩ để được khám và chẩn đoán chính xác bệnh. Đồng thời, cần làm các xét nghiệm để tìm ra căn nguyên của bệnh như: tim mạch, bệnh đái tháo đường, bệnh do thiếu vitamin, rối loạn chức năng gan - thận cũng như rối loạn chuyển hóa và dấu hiệu bất thường của hệ miễn dịch, kiểm tra hoạt động của hệ thần kinh hoặc có thể chụp CT, chụp cộng hưởng từ, hay sinh thiết vùng da có sợi thần kinh để có chẩn đoán chính xác nhất.
 
Điều cần thiết là phải khám sức khỏe định kỳ để nắm bắt bệnh lý.
 
Phòng bệnh tê bì tay chân
 
- Tăng cường vận động cơ thể như tập thể dục cho cơ thể khỏe, tạo được chất đàn hồi tốt. Đối với người đã bị tê bì chân tay, có thể ngâm tay trong nước nóng có pha muối cho mạch máu nở ra, nắm bàn tay lại xòe mạnh thẳng bàn tay và cánh tay ra, dùng tay trái xoa bóp cho tay phải và ngược lại để giúp cho khí huyết lưu thông.
 
- Cần có chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung các vi chất kịp thời, tránh làm việc quá sức với những công việc nặng nhọc, làm việc nhiều giờ trước máy vi tính hay ngồi xổm quá lâu dẫn đến mạch máu khó lưu thông, gây tê chân tay.
 
- Tránh hoặc hạn chế uống nhiều rượu bia.
 
- Cần loại bỏ thói quen hút thuốc, vì hút thuốc làm siết lại nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào thần kinh ngoại vi.
 
- Khi mùa đông giá rét có thể dùng túi chườm nóng ở tay chân để thư giãn toàn thân vì chườm nóng có tác dụng giảm đau nhức.
 
Đặc biệt, khi thấy hiện tượng tê chân, tay ngày càng nặng, nhất là ở những người bị đái tháo đường, phụ nữ mang thai, người bị tim mạch thì cần có chế độ khám sức khỏe định kỳ để kịp thời điều trị để phòng tránh biến chứng.
 
Tê bì chân tay là dấu của nhiều chứng bệnh nghiêm trọng đối với sức khỏe. Vì các biểu hiện bệnh là tương đồng nên cần phải phân biệt cho thật rõ để dùng phương pháp điều trị hiệu quả, tránh chẩn đoán bừa sẽ mang lại nhiều hệ lụy, không những bệnh không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn.

Minh Anh/TC GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.