THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 07:09

Cô đỡ thôn bản - Cánh tay nối dài của Ngành Y về chăm sóc bà mẹ, trẻ em

02/03/2018 | 08:12
Chị Sào Thị Se cùng 66 cô đỡ thôn bản đại diện cho gần 3.000 cô đỡ thôn bản tiểu biểu tập trung tại Hà Nội trong ngày 28/2/2018. Những đóng góp của họ trong suốt 25 năm nay trong việc giảm tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh – một trong những Mục tiêu thiên niên kỷ, đã được ghi nhận. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: “Vai trò rất đáng ghi nhận của mạng lưới cô đỡ thôn bản trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Các cô đỡ thôn bản chính là những cánh tay nối dài của Ngành Y tế, là cầu nối giữa các cơ sở y tế với đồng bào dân tộc thiểu số, đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào…”.
 
 
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp đón và ghi nhận những đóng góp quan trọng của các cô đỡ thôn bản nhân Hội nghị Biểu dương cô đỡ thôn bản diễn ra tại Hà Nội.
 
Hơn 25 năm về trước, tử vong mẹ ở Việt Nam vào khoảng 233/100.000 trẻ đẻ sống, cao gấp 4 lần thời điểm hiện tại. Tử vong mẹ tại các vùng sâu, vùng xa thậm chí còn cao hơn nhiều. Một số nghiên cứu ở giai đoạn 1990 – 1995 cho thấy tại các huyện miền núi thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định), tỷ số tử vong mẹ có thể lên đến 400, thậm chí 900/100.000 trẻ đẻ sống. Một cuộc điều tra các huyện miền núi Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước) cho thấy, tử vong mẹ ở đồng bào S’tiêng có thể lên đến 1.018/100.000 trẻ đẻ sống.
 
Nhận thức khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 1992, Bệnh viện Từ Dũ với sự chỉ đạo của Giám đốc bệnh viện, thầy thuốc nhân dân, GS, BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã tổ chức đào tạo thí điểm tại Lâm Đồng và Ninh Thuận với 37 học viên đầu tiên thuộc các dân tộc: Nùng, Mơ Nông, Tày, Khơ me, S’tiêng… do Hội Phụ nữ tỉnh chọn. Các học viên này là những phụ nữ dân tộc thiểu số được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương, sau đó được tham gia khóa đào tạo về y tế để cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ mang thai tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Cô đỡ thôn bản có cùng văn hóa, phong tục tập quán, vì vậy họ dễ dàng tiếp cận  và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền, vận động và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản.
 
Giai đoạn 1999 – 2001 đã thực hiện được 4 khóa đào tạo cho huyện Bù Đăng và Lộc Ninh (Bỉnh Phước) với tổng số học viên là 113. Từ thành công bước đầu, bệnh viện đã phát triển thành Chương trình đào tạo hơn 500 cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số.
 
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 66 cô đỡ thôn bản tiêu biểu trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
 
Cho đến năm 2008, với sự tài trợ của UNFPA, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đã phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ thử nghiệm Mô hình cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số tại 3 tỉnh: Hà Giang, Ninh Thuận và Kon Tum. 63 cô đỡ được lựa chọn từ những phụ nữ trẻ người dân tộc thiểu số, hầu hết có trình độ văn hóa từ lớp 5 trở lên, được đào tạo kỹ năng cơ bản về chăm sóc sản khoa và xử trí ban đầu các tai biến sản khoa và sơ sinh.
 
Với kết quả và kinh nghiệm của chương trình trên, các chương trình, dự án khác của Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế tài trợ như: Chương trình Mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chính phủ Hà Lan, EU, UNICEF, Pathfinder International, World Vision cũng bắt đầu tiến hành đào tạo một số tỉnh miền Bắc và miền Trung theo chương trình chuẩn của bộ Y tế với thời gian đào tạo 6 tháng.
 
Cho đến nay, hiệu quả của mô hình đã cho kết quả thấy rõ. Trong giai đoạn 2015 – 2017, cùng với sự hỗ trợ của EU (nhà tài trợ ODA lớn nhất và là đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực y tế), tỷ lệ ca sinh do các cô đỡ thôn bản đỡ đẻ tăng lên nhiều, cùng với đó là tử vong trẻ sơ sinh giảm ở tất cả 10 tỉnh. 
 


Chị Thào Thị Se là 1 trong 66 cô đỡ thôn bản tiểu biểu được tham dự Hội nghị biểu dương cô đỡ thôn bản.

 
Kể từ khi những cô đỡ đầu tiên được đào tạo cách đây 25 năm, đến nay đã có 2.611 cô đỡ thôn bản hiện đang hoạt động trong tổng số 8.165 thôn bản khó khăn. Cô đỡ thôn bản người dân tộc chính là những cánh tay nối dài của ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đưa dường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đây cũng chính là sáng kiến của Việt Nam đóng góp với cộng đồng quốc tế trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ ở vùng khó khăn.

Lam Linh/GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.