THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 05 NĂM 2024 04:18

Công nghệ cao giúp người dân được khám chữa bệnh chất lượng tại tuyến dưới

23/12/2019 | 19:08

Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã sử dụng robot trong phẫu thuật chỉnh gù vẹo cột sống. Ảnh: Thiện Tâm

Để người dân được hưởng những thành tựu của y tế kỹ thuật cao ngay tại địa phương

Kể từ thời điểm tháng 9/2011, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Gia Lâm) được công nhận là bệnh viện hạng I thuộc Sở Y tế Hà Nội, đến nay, ngày càng nhiều kỹ thuật cao được cập nhật để người dân được hưởng những thành tựu của y tế kỹ thuật cao ngay tại địa phương. Các kĩ thuật mổ liên quan đến chấn thương sọ não, mở hộp sọ, nối động mạch, tĩnh mạch, gân, cơ, các kỹ cấp cứu đột quỵ, phẫu thuật tiêu hóa..., bệnh viện đều làm chủ.

Không chỉ thường xuyên trao đổi, cử cán bộ đi học đại học, sau đại học; học tập kinh nghiệm tại các bệnh viện Việt Đức, 108, Bạch Mai... Bệnh viện Đa khoa Đức Giang còn phối hợp với nhiều chuyên gia hàng đầu nhằm tăng cường thêm nhiều kỹ thuật mới như: Phẫu thuật nội soi đại – trực tràng, kỹ thuật can thiệp mạch: mạch não, mạch tạng, mạch vành; đặt stent đường mật, phong bế rễ thần kinh, nội soi khớp; thay khớp với các kỹ thuật thay chỏm xương đùi, thay khớp háng, khớp gối…, phẫu thuật thần kinh, sọ não, cột sống; phẫu thuật chuyên khoa tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt…

Cùng với tăng cường chuyên môn, chất lượng khám chữa bệnh, bệnh viện cũng tích cực cải cách hành chính rút ngắn thời gian khám bệnh cho người bệnh, tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký tiếp nhận bệnh nhân, thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính…

Phát triển theo chiều sâu để người dân hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh

Trao đổi với chúng tôi khi về thăm Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, bác sĩ Nguyễn Đình Đính - Giám đốc Bệnh viện cho biết: Để người dân hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh, thêm nữa giảm tải ở bệnh viện, chúng tôi chú trọng phát triển chiều sâu (phát triển kỹ thuật, công nghệ điều trị mới hoặc nâng cấp chất lượng dịch vụ). Bệnh viện được trang bị cơ sở hạ tầng hiện đại, các khoa phòng được bố trí hợp lý với hệ thống biển báo, chỉ dẫn đa năng, hiện đại theo quy chuẩn chất lượng và nhận diện thương hiệu. Hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại giúp tầm soát và chẩn đoán bệnh nhanh chóng, chính xác. Ngoài ra, Bệnh viện còn đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, đưa vào sử dụng hệ thống xử lý rác thải tiến tiến cùng nhiều trang thiết bị hiện đại như: Máy chụp CT-, hệ thống nội soi phế quản ống mềm, hệ thống xét nghiệm hiện đại, hệ thống nuôi cấy trên môi trường đặc và lỏng, máy X.quang kỹ thuật số lưu động... Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên giúp bệnh viện thực hiện được nhiều kỹ thuật cao trong khám, phát hiện, điều trị bệnh.

Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ cao giúp người dân được khám chữa bệnh chất lượng cao tại tuyến dưới. Từ đó, tiết kiệm chi phí đi lại cho bệnh nhân, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Điều này không chỉ được thực hiện tốt ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang hay Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng cũng được Sở Y tế Hà Nội đánh giá là một trong những bệnh viện tuyến huyện đi đầu trong việc ứng dụng kỹ thuật cao trong các lĩnh vực, nhất là phẫu thuật sản phụ khoa: Phẫu thuật Crossen, phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn từ âm đạo, phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn đường bụng và các kỹ thuật mổ nội soi. Kể cả mổ nội soi trên những bệnh nhân đã có sẹo mổ cũ, Bệnh viện đã triển khai, điều trị thành công. Bên cạnh đó là kỹ thuật thay khớp háng, mổ nối dây chằng tạo hình dây chằng chéo ở gối, áp dụng mổ trĩ theo phương pháp mới, thoát vị bẹn đặt lưới… Nhờ áp dụng hiệu quả các kỹ thuật cao, Bệnh viện ngày càng thu hút nhiều bệnh nhân ở các vùng lân cận như huyện Phúc Thọ, Hoài Đức, Thạch Thất, quận Bắc Từ Liêm... đến khám. Từ đó, “thương hiệu” của Bệnh viện được nâng lên rõ rệt.

Hồ sơ bệnh án điện tử - bước đột phá lớn

Theo Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, từ ngày 1/3/2019, các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh trước đây. Mỗi người bệnh được cấp một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy, có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử, tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định.

Đến nay, một số Bệnh viện tại Hà Nội đã bước đầu áp dụng công nghệ thông tin giúp người bệnh thuận lợi hơn khi đi khám, chữa bệnh. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết: Việc triển khai bệnh án điện tử tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như của y sĩ, bác sĩ. Các bác sĩ gần như có toàn bộ bệnh án của bệnh nhân chỉ sau vài phút thao tác trên máy tính… Trước kia bệnh nhân ra viện ngày hôm trước, rồi các ngày sau mới làm thủ tục thanh toán. Nhưng đến nay, khi áp dụng các phần mềm trong việc quản lý khám chữa bệnh thì tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang bình quân một ngày có tới 70-80% số bệnh nhân ra viện được thanh toán ngay trong ngày.

Việc quản lý hồ sơ sức khỏe là việc làm hết sức cần thiết. Hồ sơ bệnh án điện tử sẽ là một đột phá lớn trong ngành y tế, giúp lược bỏ nhiều công đoạn trong quá trình khám chữa bệnh, tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như y sĩ, bác sĩ. Nguyên tắc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử là mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án tại một cơ sở khám chữa bệnh. Bộ Y tế yêu cầu, hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe người dân bảo đảm liên thông, đồng bộ.

Nhờ thế việc đăng ký khám, chữa bệnh của người dân được rút gọn, người bệnh không còn phải “tay xách, nách mang” khi đi khám bệnh nữa. Cách làm trên rất nhanh gọn, thuận tiện cho cả bác sĩ và người nhà bệnh nhân. Đặc biệt, nhiều  căn bệnh  rất cần sự tương tác thường xuyên giữa bệnh nhân và bác sĩ nên rất có lợi trong suốt quá trình điều trị bệnh.

Tiện lợi là như vậy, song việc ứng dụng công nghệ thông tin, lập hồ sơ bệnh án điện tử mới chỉ được triển khai bước đầu tại một số bệnh viện lớn, với phần mềm quản lý dữ liệu riêng. Với những Bệnh viện đa khoa hạng II, Bệnh viện tuyến huyện, việc triển khai cần có lộ trình và kinh phí để đầu tư phần mềm quản lý dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực...

Sơn Thành/GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

6 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.