THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 05:39

Công nhân đối mặt với vấn đề sức khỏe nghề nghiệp môi trường mới

07/10/2020 | 09:37
Thiếu đồ bảo hộ, biết độc hại nhưng vẫn làm vì miếng cơm, manh áo
 
Chị Phạm Thị Bẩy (Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) được nhận làm công nhân tại dây chuyền nghiền phế liệu thuộc Công ty Quảng Phong (xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, Hải Dương) từ tháng 7/2020. Mỗi ngày chị làm việc từ 7h30 sáng đến 19h30 tối. Sau một thời gian làm việc, sức khỏe của chị Bẩy sút đi trông thấy với các biểu hiện như: sụt cân, hay mất trí nhớ, bong lột da tay…
 
Ngày 21/7, Công ty đã đưa chị Bẩy đi khám tại Bệnh viện tỉnh Hải Dương. Đến ngày 24/7, chị Bẩy nhận được thông báo từ Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện cho biết chị bị nhiễm độc thiếc rất nặng, phải đưa đi cấp cứu ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
 
Do hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, chồng chị đang phải điều trị ung thư dạ dày, lại phải chăm hai con nhỏ nên đến 30/7, gia đình mới đưa chị Bẩy đi khám lại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, sau đó chuyển lên Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu.


Bác sĩ BV Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân bị ngộ độc thiếc. 
 
Trường hợp khác, anh V.V.Q. ở xã Chi Lăng Bắc, huyện Thanh Miện vào làm việc tại bộ phận nghiền phế liệu của Công ty Quảng Phong từ cuối năm 2019. Sau một thời gian làm việc, anh Q. thấy cay mắt, tay chân run. Đến tháng 6/2020, anh Q. phải nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai để điều trị trong tình trạng sút gần 10kg so với thời điểm mới vào làm việc tại Công ty Quảng Phong, sức khỏe rất yếu, đi tiểu không kiểm soát được và xuất hiện tình trạng ảo giác. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau một tuần điều trị, anh Q. đã chủ động xin ra viện.
Cùng có những biểu hiện tương tự, anh L.V.M. ở xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện làm công nhân tại bộ phận nghiền phế liệu của Công ty Quảng Phong cho biết, anh thường xuyên mệt mỏi, đau đầu, tức ngực. Từ giữa tháng 7 đến nay, anh đã nhiều lần đi khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Bệnh viện Bạch Mai. 
 
Các công nhân phải sống ít nhất là 12 tiếng trong môi trường bụi mù mịt, những lớp bụi trắng xóa phủ khắp các phân xưởng ở Công ty Quảng Phong. Chỉ đeo khẩu trang, không đồ bảo hộ sẽ không đủ để ngăn cản những cơn mưa bụi tại đây. Biết là môi trường độc hại, nhưng vì miếng cơm manh áo, nên nhiều người đành cam chịu. Bà Đỗ Thị Điện đã đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nhiễm độc thiếc gấp 12 lần nhưng vẫn chấp nhận đi làm. Bà cho biết, vì điều kiện, vì kinh tế nên phải cố. 
 
Ông Phạm Hữu Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Dương cho biết, làm việc trong môi trường độc hại như vậy, lại thiếu đồ bảo hộ lao động, công nhân không chỉ ngộ độc thiếc mà còn ô nhiễm tiếng ồn, bụi, khí thải… ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Qua kiểm tra thấy hiện tượng một số trường hợp công nhân bị mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, viêm da… 


Nhiễm độc thiếc dễ gặp ở các cơ sở tái chế rác thải nhựa. 
 
Phòng ngừa nhiễm độc thiếc bằng cách nào?
 
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, thiếc tồn tại dưới dạng nguyên thể kim loại, các hợp chất thiếc vô cơ và các hợp chất thiếc hữu cơ. Trong đó, thiếc kim loại và thiếc vô cơ tương đối an toàn với sức khỏe con người, khó hòa tan trong nước hay môi trường xung quanh, "kể cả lò luyện thiếc, hơi vô cơ bay lên cũng không nguy hiểm". Riêng các hợp chất thiếc hữu cơ có độc tính rất cao, dễ hấp thu qua đường hô hấp, da và đường tiêu hóa. Nhiễm độc thiếc hữu cơ làm tổn thương các cơ quan như não, gan, thận, hệ miễn dịch, máu..., dẫn đến rối loạn thần kinh hoặc tử vong. 
 
Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết: Nhiễm độc thiếc là vấn đề sức khỏe nghề nghiệp môi trường mới ở nước ta, dễ mắc nhất là những người làm tái chế rác thải nhựa. Nếu ngộ độc thiếc cấp tính qua đường hô hấp như hít phải hơi thiếc thì đưa nạn nhân ra khỏi nơi bị ô nhiễm đến những nơi thoáng khí. Ngộ độc qua da, niêm mạc mắt thì ngay lập tức rửa sạch da và mắt. Ngộ độc qua đường ăn uống thì tiến hành rửa dạ dày và bơm than hoạt để làm giảm hấp thu thiếc hữu cơ qua niêm mạc ruột. Ngoài ra, có thể sử dụng phương pháp lọc máu để đào thải thiếc ra khỏi cơ thể hoặc hỗ trợ oxy, thở máy; co giật thì sử dụng các thuốc an thần, giãn cơ.
 
Như vậy, có thể thấy, dù hiếm gặp, nhưng nhiễm độc thiếc rất nguy hiểm. Để phòng tránh nhiễm độc thiếc, các chuyên gia y tế khuyến cáo các công nhân cần phải chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình bằng những phương pháp sau: Mặc quần áo bảo hộ lao động đầy đủ, thích hợp; Cấm ăn uống, hút thuốc tại nơi làm việc; Tắm rửa, thay quần áo sau ca lao động…
 
Ngoài ra, mỗi người dân cần ý thức mang khẩu trang khi ra đường, hạn chế đi đến những khu vực ô nhiễm, đông người; Khi làm việc trong môi trường khói bụi, ô nhiễm như trong các khu công nghiệp, phân xưởng sản xuất,… người lao động cần trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn; Rửa tay bằng xà phòng khi về nhà, uống đủ nước, dùng dung dịch nước muối để làm sạch mũi và hầu họng; Kết hợp luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe và tăng cường sức đề kháng; Xây dựng chế độ ăn khoa học, đảm bảo nguồn dinh dưỡng đầy đủ cho công việc và các hoạt động hàng ngày.
 
Bên cạnh đó, các công ty phải tổ chức khám tuyển và khám định kỳ. Khi khám tuyển không nhận những người có tổn thương thực thể hệ thần kinh, gan, thận vào làm việc. Công nhân có vết thương hay loét bàn tay, hoặc bệnh ngoài da phải hoãn tuyển. Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Chú ý phát hiện những biểu hiện sớm của nhiễm độc mạn tính. Giám sát môi trường lao động định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần.
Theo thông báo của Bệnh viện Bạch Mai, các trường hợp đến cấp cứu tại viện đều có triệu chứng bất thường về thần kinh như: mất trí nhớ, ảo giác, nói lẫn, tư duy chậm, hay cáu giận… và đều làm công nhân ở bộ phận nghiền nhựa tại Công ty Quảng Phong, trong đó có 1 ca đã tử vong. Qua xét nghiệm, 5 bệnh nhân đều có nồng độ thiếc trong máu và nước tiểu cao hơn gấp từ 2 lần đến hàng trăm lần cho phép. 
 

Châu Anh/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.