THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 12:15

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và một số định hướng trong thời gian đến

11/12/2021 | 07:00
Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh và toàn xã hội quan tâm, được xem đây là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của tỉnh nhà.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 20-CT/TW ngày 5/11/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016; Quyết định số 23/QĐ-TTg, ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030;

Gần đây nhất, trước tình hình vi phạm quyền trẻ em của một số đối tượng tại các địa phương gây bức xúc trong dư luận xã hội, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng,chống xâm hại trẻ em; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc sở LĐ-TB&XH cùng các phòng, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thăm các em học sinh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc sở LĐ-TB&XH cùng các phòng, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thăm các em học sinh.

Trên cơ sở định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, góp phần tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, bước đầu giải quyết tốt một số vấn đề về trẻ em hiện nay, như phòng, chống xâm hại trẻ em; giảm thiểu lao động trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em...

Cùng với sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh và sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, đến nay công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đạt những kết quả quan trọng, cụ thể:

Năm 2021, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã huy động 18 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 20.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; tỷ lệ tai nạn, thương tích (đặc biệt là đuối nước trẻ em và tai nạn giao thông) có giảm nhưng ở mức đáng báo động; tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh đúng hạn tăng cao đạt 99%, (tăng so với giai đoạn trước là 0,2%); 100% trẻ em được khám và chữa bệnh miễn phí; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ước đạt 13%; tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi nhập học đúng độ tuổi đạt 92,5%; tỷ lệ trẻ em nhập tiểu học đúng độ tuổi đạt 99,10%; trung học cơ sở đi học đúng độ tuổi đạt 96,90%; cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Lãnh đạo huyện Nghĩa Hành và sở LĐ-TB&XH khánh thành thư viện tại xã Hành Thiện

Lãnh đạo huyện Nghĩa Hành và sở LĐ-TB&XH khánh thành thư viện tại xã Hành Thiện

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em đã được triển khai với nội dung và hình thức phong phú. Truyền thông được thể hiện qua 3 kênh chính là truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trên các trang mạng xã hội và truyền thông  tại cơ sở, tại cộng đồng. Thông qua công tác truyền thông, nhận thức của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, gia đình và toàn xã hội về trẻ em và tầm quan trọng thực hiện quyền trẻ em được nâng cao.

Hệ thống pháp luật, các chính sách về trẻ em nói chung, công tác bảo vệ trẻ em nói riêng tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện, bước đầu giải quyết khá tốt một số vấn đề về trẻ em, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; đã tập trung phòng ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực hoặc xử lý được một số vấn đề liên quan đến trẻ em gây bức xúc xã hội.

Các chương trình, đề án bảo vệ trẻ em, nhất là cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã được quan tâm chỉ đạo, đầu tư và huy động được các nguồn lực xã hội để hỗ trợ. Công tác bảo trợ, can thiệp, bảo vệ đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã từng bước được nâng lên, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra, giám sát về công tác trẻ em ở các cấp tiếp tục được quan tâm thực hiện.

Trao quà cho các học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn

Trao quà cho các học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn

Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã được chú trọng hơn. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức thành viên làm khá tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 12.292 trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt được chăm sóc, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt 20.542 em. Tuy nhiên, trong thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, qua đó cũng tác động đến các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói riêng. Trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại trên môi trường mạng do được tiếp cận, sử dụng phổ biến các thiết bị công nghệ, các trường học chuyển sang dạy học trực tuyến. Một bộ phận trẻ em thiếu sự chăm sóc chu đáo của người lớn do hoàn cảnh mưu sinh của cha mẹ và người đỡ đầu;  một số vụ việc vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục, trẻ em bị xâm hại thân thể và xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, bị lạm dụng sức lao động, trẻ em vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng....

Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em như kinh tế tăng trưởng sẽ tạo tiền đề quan trọng về nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu về trẻ em; an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, phát triển nông thôn mới, phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc xã hội tác động đến chất lượng cuộc sống của trẻ em; các giá trị đạo đức truyền thống thay đổi, lối sống thực dụng, thiếu gương mẫu của người lớn...

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác trẻ em, trong đó có bảo vệ trẻ em, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu liên quan đến trẻ em, cần tập trung các nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong hình hình mới” và các văn bản chỉ đạo liên quan; củng cố, nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác này đối với sự phát triển bền vững của đất nước và mỗi địa phương.

Khánh thành thư viện thân thiện tại huyện Tư Nghĩa

Khánh thành thư viện thân thiện tại huyện Tư Nghĩa

Thứ hai, đề cao trách nhiệm các sở, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn và theo lĩnh vực. Tiếp tục phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và huy động toàn xã hội tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác này. Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách và các chương trình, đề án, kế hoạch hành động về trẻ em từ tỉnh đến cơ sở.

Thứ ba, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em, như về việc bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em di cư và trong các gia đình công nhân tại các khu công nghiệp, trẻ em bị ảnh hưởng thiên tai, thảm họa; hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp thẻ bảo hiểm y tế cho từng độ tuổi trẻ em...

Thứ tư, tăng cường phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, quy trình phối hợp cấp bộ, ngành về một số nội dung, hoạt động trong lĩnh vực trẻ em, đặc biệt trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp các cấp trong phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ trẻ em trong các vụ việc, vụ án bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Thứ năm, khẩn trương triển khai và quyết liệt thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em; Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Chương trình phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.... Các sở, ngành, địa phương quan tâm rà soát, bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác trẻ em và bảo vệ trẻ em, trong đó đặc biệt ưu tiên đầu tư cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn….

Thứ sáu, không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng, hoạt động về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cho mọi thành viên trong gia đình, nhà trường và cho chính trẻ em. Đa dạng các hình thức truyền thông, giáo dục, vận động xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, Internet, viễn thông và mạng xã hội, truyền thông trực tiếp đến gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng.

                            

HƯƠNG PHẠM
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...