THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 02:30

Cục bảo trợ xã hội: Nâng cao, bồi dưỡng kiến thức chăm sóc trẻ tự kỷ trong công tác xã hội

21/07/2020 | 17:34

Tham dự Lễ khai giảng có TS.Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; Ths. Phùng Quốc Việt - Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em; PGS. TS Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS. TS. Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động và Xã hội cùng 60 học viên đến từ Cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập; một số cơ sở đào tạo về công tác xã hội; Các cơ sở chăm sóc, giáo dục, chỉnh hình và phục hồi chức năng đối với người khuyết tật của Bộ và các địa phương, làng trẻ em SOS; Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cấp huyện; Phòng, bộ phận Công tác xã hội tại các cơ sở y tế; Cán bộ, công chức Lao động-Thương binh và Xã hội cấp xã địa bàn có nhiều trẻ em tự kỷ.


 
TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Lễ khai giảng Khóa đào tạo nghiệp vụ CTXH đối với trẻ tự kỷ

Thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2010-2020, năm 2020 Cục Bảo trợ xã hội tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và một số trường đại học có liên quan tổ chức Khóa đào tạo nghiệp vụ CTXH đối với trẻ tự kỷ, với mục tiêu nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về CTXH trong chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ cho cán bộ, nhân viên các cơ sở trợ giúp xã hội. Nội dung của Khóa đào tạo nhằm trang bị những kiến thức chung về CTXH với trẻ tự kỷ.

Năm 2020, Khóa đào tạo nghiệp vụ CTXH với trẻ tự kỷ được tổ chức tại hai miền: Miền Bắc từ ngày 21/7/2020-22/9/2020, Miền Nam tổ chức hai lớp song song từ ngày 22/7-23/9/2020 được tổ chức ở Trường Đại học Lao động xã hội - cơ sở 2, TP. Hồ Chí Minh mỗi lớp được chia thành 3 đợt. Chương trình đào tạo kéo dài trong 3 tháng. Các giảng viên tham gia giảng dạy là những người có nhiều kinh nghiệm đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Lao động xã hội và các chuyên gia về lĩnh vực trẻ tự kỷ.

Phát biểu tại Lễ Khai giảng, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Bộ LĐTBXH hết sức quan tâm tới công tác chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. Trong chương trình đào tạo hiện nay đã đi đến giai đoạn cuối của Đề án Phát triển nghề công tác xã hội và nhận được sự quan tâm của xã hội, nhất là các gia đình có con bị tự kỷ. Hiện nay, Cục Bảo trợ xã hội đang phối hợp với các đơn vị liên quan trình Chính phủ Đề án phá triển nghề công tác xã hội và Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030.

Ở Việt Nam, chưa có điều tra thống kê chính thức về số lượng trẻ em, người tự kỷ, tuy nhiên,theo ước tính, Việt Nam hiện có hàng triệu người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, trong đó có khoảng 30% là trẻ em. Nghiên cứu mô hình khuyết tật ở trẻ em của khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000 – 2007, cho thấy số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng nhiều; số lượng trẻ tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với năm 2000; xu thế mắc tự kỷ tăng nhanh hơn trong giai đoạn gần đây. Đây là con số đáng chú ý, tỉ lệ trẻ tự kỷ gia tăng nhanh chóng đang đặt ra những vấn đề lớn đối với quốc gia. Trong khi số lượng chung về trẻ tự kỉ ở Việt Nam ngày một tăng lên thì hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục cho trẻ tự kỉ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ngoài ra, vấn đề về chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ đặt lên vai của ngành giáo dục, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là một sức ép lớn, nhất là đối với những trẻ tự kỷ có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, hoặc tự kỷ nặng được đưa vào chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng ở các cơ sở bảo trợ xã hội. Việt Nam hiện tại có khá nhiều cơ sở thực hiện tốt công tác này như Trung tâm công tác xã hội Quảng Ninh, Đà Nẵng;Trung tâm Bảo trợ xã hội và CTXH tỉnh Thái Nguyên; Trung tâm phục hồi chức năng người Khuyết tật Thụy An (Ba Vì), Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội Hải Dương, Trường PHCN Hưng Yên và nhiều địa phương có các Trường PHCN cho trẻ tự kỷ. Không chỉ thực hiện can thiệp, trị liệu về mặt tâm lý mà các trường, trung tâm còn thực hiện can thiệp trị liệu về mặt vật lý học, PHCN, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn luyện tập đối với trẻ tự kỷ và gia đình.



Các đại biểu tham dự Lễ Khai giảng


TS. Nguyễn Văn Hồi cũng nhấn mạnh, việc phát hiện sớm trẻ tự kỷ sẽ có tác động lớn tới kết quả công tác can thiệpvà điều trị. Công tác chăm sóc, giáo dục và PHCN cho trẻ tự kỷ có thể coi là một nghề hết sức nặng nhọc và công phu, đòi hỏi phải thực hiện trong một thời gian dài và người làm công tác xã hội phải có tâm. Sự phối hợp giữa nhà trường, thầy cô và gia đình có ý nghĩa rất quan trọng tới hiệu quả công tác can thiệp, trị liệu. Cùng với đó, công tác chăm sóc trẻ tự kỷ đòi hỏi phải có sự phối hợp của liên ngành: Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo,… có như vậy mới đem lại cho trẻ tự kỷ sự hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ việc làm, triển vọng về tương lai đối với trẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Hồi cũng chỉ ra rằng trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và PHCN cho trẻ tự kỷ, hầu như chúng ta còn thiếu những hướng dẫn triển khai thực hiện; Chương trình giáo trình so với thế giới còn có khoảng cách, cần phải hoàn thiện; Đội ngũ cán bộ, nhân viên và các cơ sở chưa thống nhất trong cách thức điều trị, có nơi can thiệp về mặt tâm lý, có nơi can thiệp về mặt công tác xã hội, có nơi can thiệp về mặt y học, có rất ít cơ sở thực hiện can thiệp một cách toàn diện vấn đề cho trẻ tự kỷ. Chất lượng dịch vụ, đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo tính toàn diện trong công tác chăm sóc, PHCN cho trẻ tự kỷ nên hiệu quả tác động chưa cao.

Tại Lễ khai giảng, TS. Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao sự quan tâm của các đơn vị trong công tác phối hợp đào tạo, đồng thời cho biết, nhiều trung tâm đi vào hệ thống và đào tạo tốt các các bộ trong trung tâm đi vào thực tiễn, quan tâm về cơ sở, vật chất và trang thiết bị, phòng ốc để tạo điều kiện cho cán bộ có môi trường, cơ sở vật chất chăm sóc các cháu bị tự kỷ tốt hơn.

Các Khóa đào tạo nghiệp vụ CTXH đối với trẻ tự kỷ do Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trên phạm vi hai miền Bắc - Nam sẽ góp phần bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chăm sóc trẻ tự kỷ trong các cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội, bệnh viện tại các địa phương trong cả nước nhằm giúp cho công tác chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ ngày càng tốt hơn.


PGS. TS Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu

 
PGS. TS. Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động và Xã hội phát biểu


 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khai giảng khóa học

Trung Nguyễn (GĐ&TE)

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.