THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 12:37

Cùng con vượt qua khó khăn khi nghe tiếng Anh

14/07/2020 | 08:59
Sai lầm khi luyện nghe tiếng Anh
 
Đa số mọi người thường cố gắng dịch sang tiếng Việt khi nghe tiếng Anh, tuy nhiên đây là phương pháp học hoàn toàn sai. Bởi thông tin đến từ việc nghe là liên tục, trong khi việc dịch đòi hỏi một “độ trễ” trong việc tiếp nhận - xử lý thông tin và trả về kết quả, nên sẽ dẫn đến hệ quả là đang cố gắng dịch 1 câu, băng đã đọc đến câu thứ 10.
 
Do đó, hãy nghe với tâm thế của người không cố gắng dịch ra tiếng Việt sẽ không cảm thấy “lạc” trong các bài nghe, và chắc chắn sẽ hiểu nhiều hơn.
 
Bên cạnh đó, nếu thiếu từ vựng cũng làm cho trẻ không thể nghe hiểu tiếng Anh. Khi vốn từ vựng nghèo nàn, dù có nghe nhiều đến đâu, chăm chỉ đến đâu, khả năng nghe tiếng Anh vẫn không thể hoàn thiện một cách tốt nhất được.
 
Việc không nắm được cách phát âm và trọng âm cũng khiến nghe tiếng Anh khó hơn, nhất là trong trường hợp phải nghe những đoạn nói nhanh.
 
Luyện nghe mọi lúc, mọi nơi
 
Nhiều chuyên gia khẳng định, kỹ năng nghe là do sự rèn luyện của mỗi người và người khác không dễ dạy nghe thế nào cho tốt được. Hiện cũng không có ứng dụng nào trên thế giới dạy tiếng Anh có thể giúp trẻ thay đổi nếu không luyện tập hằng ngày. Thực tế, rất hiếm người thành công trong học tiếng Anh do có năng khiếu mà đều do sự rèn luyện. Do đó, cần phải nghe tiếng Anh thật nhiều và tạo thành thói quen hằng ngày.
 
Lưu ý, khi luyện nghe cần chọn nghe những nội dung gần gũi, có từ vựng dễ dàng, đủ tầm của mình, nên chỉnh tốc độ để nghe chậm trước. Nếu nghe như “nước đổ lá khoai” thì các em sẽ rất chán và không muốn học nữa.
 
Tất nhiên, để nghe tiếng Anh tốt, cần có một quá trình luyện tập, học hành chăm chỉ, sự quyết tâm, cố gắng và kiên trì. Trước hết, cần học cách phát âm cho chuẩn, nghe những ý chính, chọn nguồn nghe tiếng Anh tin cậy, nghe tiếng Anh thường xuyên và chăm chỉ nâng cao vốn từ vựng.
 

Ảnh minh họa.
 
Một số bí quyết luyện nghe tiếng Anh hiệu quả
 
Chọn nghe chủ đề yêu thích
 
Nghe tiếng Anh với những chủ đề yêu thích sẽ làm cho việc tiếp thu trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng, học mà tưởng như chơi, tạo hứng thú, cảm hứng cho các em. Đây là điều kiện cần thiết để các em có thể duy trì thói quen nghe tiếng Anh hằng ngày.
 
Cha mẹ có thể cùng con tìm kiếm những đoạn phim trên Youtube về chủ đề trẻ yêu thích như những bộ phim hoạt hình, thế giới động vật, âm nhạc, những show truyền hình thực tế hấp dẫn…
 
Chọn nội dung phù hợp với trình độ
 
Nghe nhiều rất tốt, nhưng nếu nội dung nghe quá khó thì việc nghe nhiều chỉ dừng lại ở mức là quen với các âm. Tuy nhiên, nếu nghe mãi mà không hiểu trong một thời gian dài thì sẽ sinh ra chán nản, thậm chí ám ảnh sợ tiếng Anh. Cần chọn những nội dung đơn giản, phù hợp với trình độ và có thể nghe hiểu được 80%.
 
Nếu nghe một nội dung mà chỉ hiểu được tầm 60%, chắc chắn các em cảm thấy nản, chán học ngay. Ngược lại, nếu nghe hiểu 100% lại chủ quan, mất tập trung, và cũng… chán học luôn.
 
Nghe, đọc và lặp lại
 
Cách đây gần 30 năm, lúc ấy, anh trai tôi 28 tuổi, bắt đầu học tiếng Anh lần đầu tiên, hành trang chỉ là vài quyển giáo trình streamline, tập, bút và 1 cái đài radio cũ để nghe băng từ và đài VOA. Chiếc radio là người bạn đồng hành thần thiết cùng học tiếng Anh với anh tôi, chỉ bằng cách kiên trì nghe, nghe, nghe và chép lại những gì nghe được; học từ vựng; luyện nói đi nói lại đoạn văn đã được chép lại.
 
Trong một năm, anh đã đạt được trình độ C theo chuẩn quốc gia, nghe nói đạt ngưỡng đủ để giao tiếp và hướng dẫn cho người nước ngoài. Như vậy, chỉ bằng sự kiên trì và quyết tâm, anh tôi cuối cùng đã thành thạo thứ ngôn ngữ này.
 
Để nghe tiếng Anh, lúc đầu, các em chỉ cần cố gắng nghe, không dịch sang tiếng Việt, cố hiểu các ý chính. Sau đó, vừa nghe vừa đọc lại bảng ghi lại những từ được nói trong bài nghe. Và đọc lặp lại thành tiếng, cố gắng bắt chước hoàn toàn giọng đọc của người nói, từng chỗ nhấn nhá, từng chỗ ngừng nghỉ. Lúc này, dù là luyện nghe nhưng chúng ta có sự kết hợp nhiều giác quan với nhau, tai nghe, mắt đọc, miệng nói. Bắt chước thần tượng nói tiếng Anh có thể tạo cảm hứng lớn lao để cải thiện khả năng nghe tiếng Anh.
 
Cha mẹ và các em cố gắng biến việc nghe tiếng Anh thành một thói quen không thể thiếu như đánh răng, rửa mặt, tắm rửa mỗi ngày. Muốn vậy, phải đặt lịch, ghi ra giấy, thiết lập thời gian nghe tiếng Anh mỗi ngày (chỉ cần dành 30 phút/ngày), làm liên tục trong 66 ngày có thể tạo thành thói quen tốt. Không nên dồn cuối tuần học một lần.
 
Ảnh minh họa.
4 bước cơ bản để nghe tiếng Anh như sau:

- Chọn tài liệu phù hợp: Nghe toàn bộ đoạn băng hoặc bài nói. Khi nghe, bạn cần tập trung làm rõ những câu hỏi: chủ đề nói về cái gì, có bao nhiêu ý chính, ý phụ. Sau khi nghe và hiểu được ý chính của bài, bạn chuyển qua bước thứ hai.
- "Note-taking": Chuẩn bị một mảnh giấy và một cái bút, bật băng nghe lại và "note" lại những gì mình hiểu. Lưu ý, giống bước một, bạn không dừng băng và nghe lại từng câu, mà bật từ đầu đến cuối và "take note". Bạn có thể nghe hai đến ba lần để "take note" đầy đủ nội dung và chuyển qua bước thứ ba.
- Chép chính tả: Mục đích của chép chính tả là để kiểm tra từ vựng, ngữ pháp và khả năng nghe chi tiết của bạn. Khi chép chính tả, sẽ có nhiều chỗ không biết từ này là từ nào, hãy bỏ qua và tiếp tục đến khi chép lại hoàn toàn bài nghe của bạn.
- Nghe và kiểm tra lại: Điều này là rất quan trọng để bạn nhận ra điểm yếu của mình khi nghe: do thiếu từ vựng, do phát âm kém, hay do ngữ pháp kém? Khi đã biết điểm yếu của mình, bạn có cơ sở tập trung học để nâng cao khả năng tiếng Anh. Sau đó, bạn có thể bật đi bật lại bài nghe đó và luyện nghe hàng ngày. Càng nghe nhiều, bạn càng nâng cao khả năng nghe hiểu và giao tiếp tiếng Anh.
 

Hồ Thị Tam (Đại học Tài chính – Quản trị Kinh doanh)/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...