THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 12:27

Cùng ngăn ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em miền núi

05/05/2020 | 07:45

Nhiều địa phương miền núi đã phổ cập bơi, các buổi tập huấn phòng chống TNTT ngay từ đầu năm học. Ảnh: Đoàn Hồng


Nguy cơ hiện hữu


Địa hình miền núi vốn phức tạp, nhiều sông, suối, ao, hồ... trong khu dân cư, nhiều điểm nguy hiểm chưa có biển cảnh báo, là các nguy cơ thường trực đối với trẻ em khi đi học, đi chơi. Cuộc sống còn khó khăn, các bậc phụ huynh không có điều kiện chăm sóc con cái, nên nhiều em nhỏ miền núi đã phải rời khỏi vòng tay của cha mẹ từ rất sớm. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến TNTT cho trẻ em vùng cao. Thực tế cho thấy, với trẻ em vùng cao, nguy cơ TNTT do đuối nước, ngộ độc thực phẩm, ngã, bỏng... thường xuyên hiện hữu.


Bà Đinh Thị Hưng - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai cho biết: Khác với trẻ em ở các đô thị có nhiều điều kiện tiếp cận với các khu vui chơi hiện đại, trẻ em ở miền núi, nông thôn hiện nay vẫn đang thiếu nơi vui chơi, sinh hoạt an toàn, có tổ chức giám sát. Các em thường tự tìm đến các nơi như sông, suối, ao, hồ, kênh mương để đùa nghịch. Đó là lý do vì sao những vụ đuối nước của trẻ em vừa qua chủ yếu xảy ra ở miền núi, nơi dân trí còn thấp, người lớn bận rộn với cuộc sống mưu sinh, chủ quan, thiếu sự kiểm soát với con cái.


Lào Cai là tỉnh miền núi có hệ thống sông, suối, hồ đập chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn đuối nước, nhất là đối với trẻ em. Để giảm thiểu tình trạng đuối nước và TNTT, cần có sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý trẻ em và triển khai chương trình dạy bơi, kỹ năng an toàn phòng tránh TNTT, từng bước đưa môn bơi vào chương trình học tập. Cùng đó, tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong phòng chống TNTT trẻ em, mỗi gia đình có ý thức thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, nhất là trong thời gian ngoài giờ học, nghỉ hè, mùa mưa bão.


Phòng chống TNTT cho trẻ có thể đến từ những việc làm nhỏ như: Các bậc phụ huynh nên căn dặn trước khi con em rời khỏi nhà, thầy cô giáo có thể bỏ ra vài phút cuối giờ để nhắc nhở học sinh về ẩn họa TNTT do bất cẩn. Đây là vấn đề cần có lộ trình dài hơi, trong đó sự vào cuộc, quan tâm đúng mức từ các cấp ủy, chính quyền, nhà trường cũng như gia đình và toàn xã hội sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất TNTT cho trẻ em và là mục tiêu phấn đấu của cả cộng đồng.


Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐTBXH tỉnh Yên Bái: Người lớn chỉ cần chú tâm vào những việc rất đơn giản, như để các đồ vật sắc nhọn, ổ cắm điện, phích đựng nước nóng, bật lửa, đồ đựng hóa chất... xa tầm với của trẻ là đã giảm thiểu được tai nạn thương tích cho con trẻ. Trên thực tế, không ít gia đình có suy nghĩ cứ để trẻ ở trong nhà sẽ giảm thiểu được nguy cơ TNTT. Thế nhưng, một khi bị “nhốt” trong nhà, bên cạnh hạn chế về giao tiếp, trải nghiệm... thì ngôi nhà của trẻ và gia đình đang sinh sống liệu có thật sự an toàn?

Thông qua các buổi tuyên truyền, trang bị cho các em thiếu nhi những kiến thức cơ bản về cách phòng chống TNTT. Ảnh: Đoàn Hồng


Vận động nâng cao nhận thức về phòng chống TNTT 


Để hạn chế tình trạng đuối nước cho trẻ em, thời gian qua, cùng với các ngành, các cấp, các tổ chức Đoàn - Đội tại những địa phương miền núi đã có nhiều nỗ lực để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về phòng chống đuối nước cho thanh thiếu nhi và học sinh.


Thông qua các buổi tuyên truyền, trang bị cho các em thiếu nhi những kiến thức cơ bản về cách phòng chống đuối nước, TNTT, giúp các em có thể xử lý các tình huống bất ngờ. Đồng thời qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các bậc phụ huynh trong công tác phòng, chống đuối nước, TNTT ở trẻ em, huy động sự vào cuộc của xã hội đối với công tác bảo vệ trẻ em, tạo cho trẻ môi trường sống an toàn, lành mạnh.


Để hạn chế tối đa số trẻ em bị TNTT, việc thực hiện các lớp phổ cập bơi cho các em được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, nhiều địa phương miền núi đã tổ chức phổ cập bơi, các buổi tập huấn phòng chống TNTT ngay từ đầu năm học. Qua các lớp, các em được trang bị kỹ năng cần thiết, được biết những cảnh báo về nơi tiềm ẩn nguy cơ TNTT. Nhiều trường học đã tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh, lồng ghép vào đó là kỹ năng phòng chống đuối nước, kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước… Với cách làm này, nhiều học sinh đã biết bơi và được trang bị các kỹ năng phòng chống đuối nước khi hằng ngày các em phải sinh hoạt, vui chơi, đến trường gắn với sông nước.


Môi trường xung quanh luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ TNTT đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, nhiều gia đình còn thiếu kiến thức, kỹ năng trong việc bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là kỹ năng phòng tránh TNTT cho trẻ em… đã dẫn đến những hậu quả thương tâm. Việc phòng chống TNTT cho trẻ phải là mối quan tâm hàng đầu ở ngay trong mỗi gia đình và cộng đồng. Các bậc cha mẹ không chỉ dừng lại ở việc chăm lo cho con bữa ăn, giấc ngủ, hay việc học hành, mà mọi sinh hoạt của con trẻ đều phải được kiểm soát chặt chẽ, sắp xếp đồ đạc trong nhà một cách khoa học, gọn gàng, đề phòng TNTT; tổ chức cho con các hoạt động vui chơi lành mạnh, có sự kiểm soát của người lớn.                                                                                                        


Cần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các bậc phụ huynh và chính trẻ em; Tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng chống TNTT cho trẻ, đồng thời tiếp tục nhân rộng mô hình ngôi nhà an toàn cho trẻ em.

Thành Sơn/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...