THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 04:10

Cuộc chiến của trẻ nhỏ với Covid-19

17/03/2022 | 14:37
Trẻ em là nhóm ít chuyển nặng sau mắc Covid-19, nhưng nhiều em vẫn vật lộn với tình trạng tái nhiễm nhiều lần, triệu chứng lạ, các cơn sốt kéo đến đột ngột hoặc hội chứng viêm đa hệ thống.

Tại nước Mỹ, Brooklynn Chiles, 8 tuổi, nằm lăn lộn trên giường bệnh tại Bệnh viện Nhi khi đợi y tá đến khám. Tờ giấy trắng bên dưới chân nhăn lại khi em trở mình để nhìn sang các thiết bị y tế trong phòng. Brooklynn mắc Covid-19 ba lần, không ai biết lý do tại sao.

Trong các lần xét nghiệm dương tính, em không có triệu chứng rõ ràng. Song ở lần mắc bệnh thứ hai vào tháng 9 năm ngoái, em đã lây virus cho cha mình là ông Rodney Chiles. Sau đó, ông qua đời.

Mẹ của em, bà Danielle Chiles, lo sợ em sẽ mắc bệnh một lần nữa và có thể gặp triệu chứng nặng dù đã được tiêm phòng.

"Mỗi lần, tôi đều nghĩ liệu điều này có đến nữa không. Rồi một lúc tôi sẽ mất tất cả những người thân yêu sao?", bà Danielle chia sẻ.

Covid-19 đã giết chết hơn 6 triệu người trên toàn thế giới kể từ khi nó xuất hiện vào đầu năm 2019. Một trong những điều khiến các nhà khoa học khó hiểu nhất là ảnh hưởng đa dạng của căn bệnh đối với trẻ em.

Theo Viện Nhi khoa Mỹ, hơn 12,7 triệu trẻ tại Mỹ có kết quả dương tính Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Các nhà khoa học nhìn chung cho rằng virus không tấn công trẻ em nghiêm trọng như người lớn. Song ở một số trẻ, Covid-19 vẫn để lại triệu chứng nặng, kéo dài. Nhiều em tái nhiễm. Số khác gặp phải hiện tượng viêm đa hệ thống, gây tổn thương nội tạng nghiêm trọng. Một số em tử vong hoặc có tuổi thơ mệt mỏi với những lần ra vào bệnh viện thường xuyên.

Bác sĩ tại Bệnh Viện Nhi đồng Quốc gia và một số bệnh viện khác đã nhận tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia để nghiên cứu về tác động lâu dài của Covid-19 lên trẻ nhỏ. Mục tiêu cuối cùng là đánh giá các ảnh hưởng của bệnh đến thể chất, tinh thần và tìm hiểu hệ miễn dịch của các em phản ứng thế nào với virus.

Viện Nhi đồng Quốc gia tiếp nhận khoảng 200 trẻ em và thanh thiếu niên tham gia nghiên cứu trong ba năm. Mỗi tuần, cơ sở này nhận thêm khoảng hai bệnh nhi mới. Các tình nguyện viên từng xét nghiệm dương tính hoặc không mắc bệnh, nhưng tiếp xúc với F0. Bệnh nhân từ không triệu chứng đến biểu hiện nghiêm trọng, cần chăm sóc đặc biệt.

Brooklynn là một đối tượng nghiên cứu vì nhiều lần mắc Covid-19 không rõ lý do. Alyssa Carpenter, hai tuổi, cũng là tình nguyện viên của chương trình. Em nhiễm virus hai lần, đều gặp những cơn sốt lạ, nhiệt độ tăng giảm đột ngột và nhiều triệu chứng bất thường khác. Đôi bàn tay em chuyển màu đỏ tươi và đau nhói. Một số thời điểm, em sẽ nằm xuống, chỉ vào ngực mình vào nói: "Đau quá".

Alyssa Carpenter, hai tuổi, bên cạnh cửa sổ tại nhà riêng ở Haymarket, Mỹ, ngày 28/1. Ảnh: AP

Alyssa Carpenter, hai tuổi, bên cạnh cửa sổ tại nhà riêng ở Haymarket, Mỹ, ngày 28/1. Ảnh: AP

Cha mẹ em, Tara và Tyson Carpenter, có hai con gái khác là Audrey 5 tuổi và Hailey 9 tuổi, mắc chứng tự kỷ. Đối với nhiều phụ huynh, đại dịch là cơn ác mộng với chuỗi ngày nghỉ dài triền miên, làm việc không hiệu quả, những hạn chế phòng dịch và cảm giác hoang mang, mờ mịt. Nhưng trên hết, sự lo lắng của họ đổ dồn vào con cái. Nhiều em quá nhỏ, không thể diễn đạt tình trạng cơ thể một cách mạch lạc. Họ không biết làm thế nào để giúp các con cảm thấy dễ chịu hơn.

"Đó là một cảm giác cực kỳ khó chịu. Chúng tôi cố gắng tìm ra câu trả lời (cho các triệu chứng kỳ lạ) của con mình, nhưng không ai có. Điều này chỉ khiến chúng tôi thêm bực bội", Tara Carpenter nói.

Con cô, bé Alyssa thường rên rỉ đau đớn vì bàn chân nóng đỏ, hoặc thút thít lặng lẽ. Em đã hạ sốt, không có triệu chứng nào khác và xuất viện. Alyssa ở nhà nhiều ngày liền, khiến Carpenter không thể tập trung làm việc. Các triệu chứng đến và đi đột ngột.

Trong vài tháng qua, các biểu hiện bắt đầu giảm dần, khiến gia đình nhẹ nhõm hơn.

Nhiều trẻ gặp Hội chứng Viêm đa hệ thống (MIS-C). Bệnh gây tổn thương đa cơ quan như tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa. Biểu hiện MIS-C khá giống với một số tình trạng bệnh lý khác như sốc nhiễm độc hay bệnh Kawasaki. Đa phần bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau điều trị, tỷ lệ tử vong thấp. Ở Mỹ, khoảng 3.000-4.000 trẻ nhiễm nCoV thì có một trẻ bị MIS-C.

Trong quá trình nghiên cứu, các tình nguyện viên nhỏ tuổi cũng được kiểm tra y tế và đánh giá tâm lý đầy đủ. Tiến sĩ Linda Herbert khảo sát trẻ về giấc ngủ, tình trạng mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm và các mối quan hệ bạn bè. "Các con có gặp vấn đề trí nhớ không? Có khó khăn khi phải ghi nhớ mọi thứ không?" là các câu hỏi cơ bản.

Tiến sĩ Herbert cho biết triệu chứng tâm lý khá phổ biến, không chỉ ở trẻ mắc Covid-19 mà cả anh chị em, cha mẹ chúng. Danielle Chiles, mẹ của Brooklynn cảm thấy căng thẳng vì mất đi người bạn đời, nhưng không muốn tỏ ra chán nản trước mặt con gái.

Theo vnexpress.net
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Trẻ đã nhiễm COVID-19 có cần tiêm vaccine?

Trẻ đã nhiễm COVID-19 có cần tiêm vaccine?

2 năm trước

Đây là băn khoăn chung của nhiều bậc phụ huynh về việc tiêm vaccine hay không đối với những trẻ nhiễm COVID-19 và đã khỏi bệnh.
WHO công bố ba triệu chứng hậu Covid-19 phổ biến

WHO công bố ba triệu chứng hậu Covid-19 phổ biến

2 năm trước

Tiến sĩ Janet Diaz, Trưởng nhóm Quản lý lâm sàng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chia sẻ ba triệu chứng hậu Covid-19 phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức.
Trẻ em khỏi COVID-19 có nên tiêm vaccine không, bao lâu thì tiêm cho hiệu quả?

Trẻ em khỏi COVID-19 có nên tiêm vaccine không, bao lâu thì tiêm cho hiệu quả?

2 năm trước

Theo khuyến cáo, dù đã khỏi COVID-19, trẻ từ 5 - 11 tuổi vẫn nên tiêm vaccine để giảm nguy cơ tái nhiễm và mắc bệnh nặng.