CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 02:44

Đảm bảo an sinh xã hội sau thiên tai

13/11/2020 | 08:55
Từ chủ trương đến hành động cụ thể
 
Đảng và Nhà nước ta khi nào cũng chủ trương không để dân đói, rét trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây chính là điều cốt yếu trong bảo đảm ASXH. Trong điều kiện bình thường, chủ trương này rất dễ dàng thực hiện, song, trong điều kiện vừa phải phòng, chống dịch Covid-19, vừa phải khắc phục hậu quả thiên tai thì bảo đảm ASXH là một thách thức lớn.
 
Phiên họp cuối năm 2020 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội đang tập trung ở Thủ đô Hà Nội để đánh giá, tổng kết tình hình và đề ra phương hướng phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tiếp theo. Các đại biểu đã chỉ rõ: Năm nay, chúng ta không chỉ phải đối phó với khó khăn bên ngoài, mà tình hình thiên tai, lũ lụt trong nước cũng diễn biến phức tạp. Dịch Covid-19 làm 35 người chết nhưng thiên tai đã làm hơn 200 người chết và mất tích, khoảng 112.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng tính sơ bộ là hơn 2,7 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải là tăng trưởng bao nhiêu mà là đảm bảo ASXH.
 
Thiên tai đã và đang gây cho chúng ta rất nhiều khó khăn. Ngoài việc mất người, mất tài sản, hiện nay chúng ta vẫn còn phải nỗ lực tìm kiếm những người mất tích. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm đối với đồng bào. Những người đi tìm kiếm người mất tích nói: “Dưới những lớp đất đá, cát sỏi, cây cành này đồng bào chúng ta đang nằm”. Với quyết tâm tìm bằng được thi thể của các nạn nhân, phương án nắn dòng sông đã được tính đến. Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của những người cứu hộ, cứu nạn.
 
Cùng với việc xuất 5.000 tấn gạo để cứu trợ, các đơn vị bộ đội, công an đã lên đường, bám hiện trường để cứu hộ, cứu nạn. Các đoàn cứu trợ của tập thể và cá nhân cũng nối đuôi nhau vào cứu giúp ở những nơi bị thiên tai tàn phá nặng nề nhất.


 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chỉ đạo tại Hội nghị chỉ đạo ứng phó với bão và mưa, lũ các tỉnh miền Trung (21/10/2020). Ảnh VGP/Nhật Bắc

Có cơ sở để chúng ta bảo đảm ASXH sau thiên tai
 
Việc bảo đảm ASXH là của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH với chức năng, nhiệm vụ của mình là đơn vị theo dõi và điều phối trực tiếp. Nắm vứng tình hình, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định: Với sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, có hiệu quả của Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền, đất nước ta vẫn đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong năm 2020, chính trị xã hội tiếp tục giữ được ổn định. Kể cả trong đại dịch, bão lũ, cũng thấy niềm tin, tình tương thân tương ái.
 
Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất đánh giá tình hình: Thiên tai trong tháng 10 vừa qua là lịch sử và công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cũng tập trung, chủ động, quyết liệt ở mức độ chưa từng có. Nhờ sự vào cuộc sớm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt với sự vào cuộc của lực lượng quân đội với hai vị tướng, nhiều sĩ quan cấp tá và nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, lực lượng công an và lực lượng các bộ, ngành, địa phương, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân vùng thiên tai và nhân dân cả nước, chúng ta đã hạn chế tối đa, giảm thiểu được thiệt hại.
 
Điều đáng mừng là dù bị thiên tai, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10/2020 cơ bản  đã trở lại bình thường và tiếp tục có sự cải thiện hơn so với các tháng trước, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 2 đã được kiểm soát. Nền kinh tế nước ta đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III. Đây là điều đáng phấn khởi.
 
Chính phủ yêu cầu một mặt chạy đua “hồi sức” cho miền Trung, mặt khác tăng tốc phát triển kinh tế để bù đắp cho những tổn thất, mất mát do thiên tai gây ra. Và ở đây dường như đã có điều tốt đẹp nhất: Càng khó khăn, chúng ta càng đoàn kết, càng có ý chí vượt khó để đưa đất nước tiến lên. Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực làm hết sức mình, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, đồng bào, chiến sĩ cả nước tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.


Rất nhiều hàng hóa được vận chuyển bằng máy bay phục vụ công tác cứu trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung. Ảnh KT

 Bảo đảm ASXH bằng hai nguồn lực cơ bản

Nguồn lực thứ nhất là của Nhà nước. Đây là nguồn lực đã được tích lũy, được tập trung trong dự trữ của Nhà nước. Nguồn lực thứ hai là tinh thần tương thân, tương ái của nhân dân. Tiềm lực của các đoàn thiện nguyện của tập thể và cá nhân đồng bào khắp mọi miền đất nước là rất lớn.Việc cứu trợ đã chuyển từ mục đích cấp cứu sang hỗ trợ ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.
 
Trong khi đó, Chính phủ kêu gọi các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, dồn “cả tâm cả sức” khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai nặng nề, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân. Muốn vậy, phải khẩn trương khôi phục lại cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất và đời sống của người dân; Hỗ trợ người dân về vốn và giống để phục hồi sản xuất; Ngân hàng cũng phải nghĩ tới các biện pháp giãn nợ, đảo nợ cho dân chịu thiên tai.
 
Việc bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cũng là một trong những đòi hỏi cơ bản để bảo đảm ASXH. Đây là việc cần có sự tham gia tích cực của ngành y tế. Ngành giáo dục tìm mọi cách nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường; có giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho học sinh, sinh viên các địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm duy trì chương trình, không để thiếu sách vở, đồ dùng học tập...
 
Để bảo đảm ASXH lâu dài, các cấp, các ngành cần có kế hoạch tăng tốc 2 tháng cuối năm 2020, chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Chúng ta hi vọng sau khi vượt quan khó khăn, những thuận lợi sẽ đến.
 

Hồ Bất Khuất/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.