THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 05:45

Đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam đều được sống cuộc sống không bạo lực

16/12/2021 | 18:40
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo về các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 – 2025 và ra mắt Mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Tham dự có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà; bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam; Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố cùng các đơn vị liên quan.

Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và hướng tới mục tiêu là đến năm 2025, ít nhất 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan cung cấp dịch vụ, và tất cả những người bị bạo lực có nhu cầu đều được trợ giúp bằng cách hình thức khác nhau.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nếu thiếu đi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, từ chính quyền địa phương tới các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ và mỗi người dân trong cộng đồng. Thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành và hành động cụ thể của mỗi cá nhân trong cộng đồng sẽ giúp những người bị bạo lực không cảm thấy đơn độc, yếu thế hay bị kỳ thị. Ngoài ra, người bị bạo lực cần phải được bảo vệ để sớm quay trở lại cuộc sống thường ngày, còn người gây bạo lực cần được xử lý một cách nghiêm minh. Đây là cách thức để ngăn chặn bạo lực, xây dựng mỗi gia đình hạnh phúc, cộng đồng, xã hội an toàn, bình đẳng, tiến bộ, văn minh.

Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ quan điểm và giải pháp, các sáng kiến đột phá quan trọng trong việc triển khai hiệu quả Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025, đảm bảo “Tất cả phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất, đều được sống cuộc sống không bạo lực”.  

Các đại biểu dự gia Hội thảo.

Các đại biểu dự gia Hội thảo.

Tại Hội thảo, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam đánh giá cao những thành tựu của Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong 5 năm qua.

Bà Naomi Kitahara cho biết: “Để triển khai Chương trình quốc gia một cách hiệu quả, UNFPA khuyến nghị cần có nhiều sáng kiến đổi mới hơn nữa với sự tham gia của thế hệ trẻ nhằm hướng tới thay đổi các chuẩn mực văn hóa và xã hội về bạo lực đối với phụ nữ. Ngoài ra, mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ một cửa do UNFPA đang hỗ trợ thực hiện với các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc thể chất, tư vấn tâm lý, đảm bảo an toàn, hỗ trợ tư pháp và các dịch vụ xã hội được cung cấp tại cùng một địa điểm, cần được nhân rộng. UNFPA kêu gọi Chính phủ có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực khác nhau để tạo sự gắn kết vững chắc giữa các hoạt động can thiệp nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.”

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận, gợi mở về các giải pháp trong ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; chia sẻ những khó khăn, thách thức và giải pháp trong cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý hỗ trợ người bị bạo lực; kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp liên ngành hỗ trợ người bị bạo lực thông qua việc triển khai Ngôi nhà Ánh Dương - mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ một cửa ở tỉnh Quảng Ninh, được xây dựng lần đầu tiên tại Việt Nam trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH và UNFPA và được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp tất cả các dịch vụ thiết yếu tại một địa điểm, từ chăm sóc thể chất, tư vấn tâm lý, bảo đảm an toàn, trợ giúp tư pháp và pháp lý và các dịch vụ xã hội. Mô hình này khác biệt với  ngôi nhà tạm lánh vì người bị bạo lực không cần đi đến nhiều địa điểm để nhận các dịch vụ khác nhau.

Cũng tại Hội thảo, Mạng lưới Đối tác Hành động về Phòng ngừa và Ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được ra mắt. Đây là một giải pháp đổi mới nhằm củng cố sự phối hợp và hợp tác trong việc phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với bạo lực trên cơ sở giới.

HG
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Làm thế nào để biết con bạn có bị nhiễm độc chì hay không?

Làm thế nào để biết con bạn có bị nhiễm độc chì hay không?

2 năm trước

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chì là một trong mười kim loại nặng cần được quan tâm nhất đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em. Ước tính, năm 2000 trên thế giới có...
Trẻ em có bổn phận gì?

Trẻ em có bổn phận gì?

2 năm trước

Từ trước đến nay, chúng ta nói rất nhiều về quyền của trẻ em và nỗ lực đấu tranh để mọi trẻ em được thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, trong Luật Trẻ em 2016, bên cạnh các...