THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 05:24

“Dâu dại” và văn hóa ứng xử trong gia đình

17/12/2022 | 21:39
Dâu tây, dâu ta, dâu rừng, dâu nào cũng ngon, cũng ngọt cả, chỉ duy nhất có một loại dâu mà hương vị của nó vừa đắng, vừa chua khiến các bà mẹ chồng khó mà nuốt nổi, đó là "dâu dại”.

Công cuộc chọn vợ cho con vô cùng gian nan, nhưng 100 bà mẹ chồng, may ra 10 bà có cơ hội được chọn con dâu ưng ý, còn lại, các bà thường bị rơi vào thế bị động. Các cậu con trai yêu dấu chọn cả rồi, chúng nó chỉ mang về báo cáo cưới thôi, không cần biết cha mẹ có “ưng cái bụng” hay không. Đón về rồi, cái sự dại của con dâu khiến không ít bà mẹ chồng rơi vào cảnh dở khóc, dở cười.

“Con không thích chuyện bếp núc”

Bà Liên có một cô con dâu đoảng vị vô cùng. Nếu hôm nào cô nấu cơm thì chẳng ai ăn nổi quá một bát vì cơm quá chán. Thẳng thắn chỉ bảo và hướng dẫn nhiều lần nhưng cô vẫn chẳng lên tay tí nào. Và bà sốc thật sự khi nghe cô con dâu thẳng thắn: Con không thích chuyện bếp núc. Kiếm tiền cũng đủ mệt người lắm rồi, con chả đầu óc đâu mà lo ba cái chuyện lẻ tẻ này. Nếu bố mẹ thấy con nấu không ngon, hay để con mời bố mẹ ra nhà hàng ăn nhé.

Bà Liên buồn quá, vẫn biết bọn trẻ bây giờ không quan tâm lắm đến chuyện cơm nước như bà thời xưa, nhưng giá con dâu bà chịu khó học hỏi đôi chút, chỉ cần nó nấu tàm tạm thôi cũng được. Đằng này… Mà làm sao thường xuyên đi ăn tiệm được, vừa mất công đi lại, vừa đắt đỏ. Tiền mua được bữa ăn nhưng có mua được không khí sum họp gia đình không?

Ý tưởng ăn tiệm không được ủng hộ, nàng dâu của bà mướn ngay một ôsin. Có vẻ nhất cử lưỡng tiện đối với nàng, nhưng ông bà Liên thì chẳng vui chút nào. Một mặt ông bà không thích có người lạ sống trong nhà, mặt khác, trình độ nấu nướng của ôsin lại cũng chẳng khá hơn gì nàng dâu. Dạy bảo mãi không được, bà Liên đành cho ôsin nghỉ việc. Thôi thì cái thân già, muốn ăn phải lăn vào bếp vậy.

 Ảnh minh họa trong phim Mẹ chồng nàng dâu

Ảnh minh họa trong phim "Mẹ chồng nàng dâu"

“Sao mẹ cứ xoen xoét cái mồm?”

Chuyện nàng dâu nhà bà Hiền dám mắng lại mẹ chồng bắt nguồn từ một việc rất nhỏ nhặt: chai nước cọ rửa Duck trong nhà vệ sinh.

Cả đời vất vả chắt chiu nên bà Hiền rất tiết kiệm, thấy con dâu xịt lấy xịt để lọ Duck để cọ cả cái nhà tắm rộng thênh thang, bà nhắc nhở con dâu là hình như cái lọ này chỉ để xịt rửa bồn cầu, con dùng như thế có vẻ hơi tốn. Rồi nhân tiện bà nhắc con dâu nhớ đánh rửa bồn cầu thường xuyên hơn, vì đánh thường xuyên các vết bẩn sẽ không có cơ hội bám sâu nên sẽ không phải mất công kỳ cọ nhiều. Mẹ chồng vừa dứt lời, cô con dâu đốp luôn: Sao mẹ cứ “xoen xoét” cái mồm.

Bà Hiền đứng ngây ra như phỗng mất mấy phút. Ngần này tuổi, cả đời bà chưa từng bị ai nói đau như vậy. Cô con dâu cũng đã 30 tuổi đầu, chả bé bỏng gì, sao nó có thể nói một câu thiếu suy nghĩ đến thế? Rồi bà lại tự vấn lương tâm: Hay bà nói nhiều quá? Ừ, thì giả như bà có nói nhiều, nó chỉ cần bảo bà một câu: Con biết rồi, sao mẹ nói nhiều thế. Thế cũng đã làm bà đau hết ruột gan rồi. Chứ thế này thì… bà cảm thấy ê chề quá. Con dâu người ta được mẹ chồng góp ý thì vâng vâng, dạ dạ, con cám ơn mẹ góp ý, con sẽ sửa chữa. Còn con mình...

Nghĩ đến đây, hai hàng nước mắt bà cứ lăn dài xuống má. Bà trông con cho vợ chồng nó đi làm tối ngày, dọn dẹp, bếp núc phục vụ cả nhà, cô con dâu có mấy khi phải mó tay vào việc gì đâu. Chả nhẽ đến cái nhà vệ sinh của riêng vợ chồng chúng nó bà cũng phải làm sao? Vừa buồn, vừa giận, bà quyết định cho vợ chồng chúng nó ra ở riêng dù rằng bà chỉ có duy nhất một cậu con trai và bà yêu nó nhất trên trên đời.

“Mẹ chẳng thông minh gì cả!”

Cả Ngày 30 Tết, bà Hương chạy ngược chạy xuôi lo mua sắm Tết. Mẫn - nàng dâu quý hóa cũng bận tối mắt, tối mũi đi mua sắm nhưng là mua quần áo chưng diện Tết cho riêng vợ chồng cô. Năm nào cũng thấy bố mẹ chồng lo Tết cho cả đại gia đình nên cô nghiễm nhiên không cần quan tâm. Buồn lòng vì tính vô tâm của con dâu lắm nhưng nghĩ nó đi làm vất vả cả năm nên bà Hương đành gắng sức để không khí gia đình được êm thấm. Nhưng sắp cỗ để cúng tất niên, giao thừa một mình thì bà làm không xuể. Bà Hương đành phải nhờ Mẫn xuống làm gà và nhặt rau, cọ rửa hoa quả giúp bà. Nào ngờ, cô con dâu giẫy nảy lên. Rồi bằng giọng rất chân tình, nàng thủ thỉ: Mẹ chả thông minh gì cả! Đáng ra mẹ phải thuê cái bọn ngoài chợ nó làm gà cho. Bình thường mất 20.000, Tết nhất có đắt đỏ thì cùng lắm mất 40.000 đồng. Rau cỏ mua thì phải bắt các bà bán rau nhặt sẵn chứ. Hoa quả thì vào siêu thị mua cho nó sạch, đỡ phải rửa làm gì cho mệt người. Ai đời 30 Tết lại phải làm mấy cái việc cỏn con này cho mất thời gian. Miệng nói thế nhưng Mẫn vẫn làm, vừa làm Mẫn vừa bai bải nếu mẹ mà nhanh trí thì có phải hai mẹ con đã không phải vất vả thế này. Bà Hương thực sự bị choáng. Bà tự hỏi mình là mẹ chồng hay con dâu là mẹ chồng? Càng nghĩ bà càng không chịu nổi. Bà nổi xung lên và đuổi cổ con dâu ra khỏi nhà: "Tết này chị muốn đi đâu thì đi, tôi không đủ thông minh để sống với những người thông minh như chị..." 

Việc cần thiết phải có Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Việc phát ngôn bừa bãi, thiếu suy nghĩ, nói cho sướng mồm và hồn nhiên thái quá của các nàng “dâu dại” đang ngày càng trở nên phổ biến. Họ là sản phẩm của một thế hệ phụ nữ trẻ hiện đại, biết rất rõ ăn sushi với nước chấm gì thì ngon nhưng mù tịt chuyện cắt tiết gà, có thể cập nhật liên tục những mẫu quần áo mới nhất nhưng không thể vá được một miếng rách nhỏ nhất, vào mạng nhắn tin nhoay nhoáy với bạn bè nhưng cả năm không bốc được điện thoại hỏi thăm ông bác bị ốm phải nằm liệt trong quê. Họ tinh thông việc lập báo cáo, thuyết trình nhưng ngờ nghệch chuyện lễ nghĩa ngày xưa. Họ rất giỏi kiếm tiền, và không hề phụ thuộc vào chồng (nữa là mẹ chồng) nhưng lại cư xử thiếu tinh tế, chừng mực.

Một số không hề có ý xấu hay coi thường mẹ chồng, chẳng qua không được dạy bảo nên cứ tồ tệch, dại dột vậy đó. Nhưng một số là vô tâm, phách lối, cạy mình kiếm ra tiền, không coi gia đình nhà chồng ra gì. Thế nên mới cần phải có bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm xây dựng một hệ thống chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa trong mỗi gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình và cộng đồng, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; Nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh...

Tiêu chí ứng xử chung trong các gia đình là: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ.

Tiêu chí ứng xử chung trong các gia đình là: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ.

Ngày 28 tháng 01 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Bộ tiêu chí ứng xử này được áp dụng cho tất cả các thành viên trong gia đình. Tiêu chí ứng xử chung là: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Theo đó, nguyên tắc “Tôn trọng”: Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau. Nguyên tắc “Bình đẳng”: Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Nguyên tắc “Yêu thương”: Có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau. Nguyên tắc “Chia sẻ”: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Trong đó, tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép. Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính. Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống.

Hy vọng với sự có mặt của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các gia đình sẽ bớt dần các cô “dâu dại” để mỗi gia đình thực sự là một mái ấm yêu thương.

Empty
Thanh Huyền
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Trường học hạnh phúc trước tiên thầy cô phải hạnh phúc

Trường học hạnh phúc trước tiên thầy cô phải hạnh phúc

1 năm trước

Người giáo viên giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền cảm hứng cho học sinh. Do đó, muốn xây dựng Trường học hạnh phúc thì trước tiên, thầy cô giáo phải cảm nhận...
Tọa đàm ra mắt sách “Phát triển năng lực cảm xúc xã hội”

Tọa đàm ra mắt sách “Phát triển năng lực cảm xúc xã hội”

1 năm trước

Chiều ngày 16/12/2022 tại Nhã Nam BnC số 3 Nguyễn Quý Đức, Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm về cuốn sách “Phát triển năng lực cảm xúc xã hội” với chia sẻ đến từ Thạc sĩ Giáo dục,...
Tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em

Tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em

1 năm trước

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em trước hiểm họa đuối nước, mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo phòng, chống đuối...
Dạy trẻ có trách nhiệm với gia đình là nền tảng cho chữ hiếu

Dạy trẻ có trách nhiệm với gia đình là nền tảng cho chữ hiếu

1 năm trước

Gần đây xảy ra khá nhiều trường hợp trẻ em tự tử. Trên mạng xã hội có nhiều ý kiến cho rằng, những áp lực học hành, gia đình, trường lớp, xã hội đã khiến trẻ em không chịu...