THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 08:04

Đề phòng liệt nửa mặt do lạnh

24/01/2023 | 13:16
Miền Bắc đang bước vào một đợt lạnh mới, có nơi nhiệt độ xuống khá thấp, vì vậy mọi người, đặc biệt là người già cần bảo vệ sức khỏe, đề phòng liệt nửa mặt do lạnh.
Liệt nửa mặt do lạnh thường gặp nhất ở người cao tuổi. Ảnh minh họa

Liệt nửa mặt do lạnh thường gặp nhất ở người cao tuổi. Ảnh minh họa

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liệt mặt ngoại biên là hội chứng tổn thương dây thần kinh số 7, làm giảm hoặc mất khả năng vận động các cơ ở mặt do dây thần kinh số 7 chi phối. Nghiên cứu cho thấy, bệnh khá phổ biến với tỷ lệ khoảng 26/100.000 dân. Bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nhưng thường gặp nhất ở người cao tuổi.

Có nhiều nguyên nhân gây liệt mặt, méo miệng nhưng 75% là do lạnh đột ngột làm ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7 gây liệt mặt ngoại biên. Đa phần người bệnh khi gặp lạnh đột ngột do phòng ngủ không kín gió hoặc khi ra khỏi nhà gặp lạnh đột ngột, khi trở về bỗng thấy một bên mặt hơi cứng, tê khác thường, xệ xuống, miệng méo sang một bên. Lý do là dây thần kinh số 7 bị nhiễm lạnh đột ngột. Dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với da nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh này sẽ bị co thắt lại dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng và sưởi ấm làm cho dây thần kinh sẽ bị phù nề, bị chèn ép và dẫn đến liệt. Ngoài nguyên nhân do lạnh là chủ yếu, một số trường hợp có thể do nhiễm virus cúm bởi độc lực của chúng làm ảnh hưởng xấu đến dẫn truyền của dây thần kinh số 7.

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là liệt toàn bộ hoặc một phần cơ mặt, mờ nếp nhăn trên trán, má, mũi. Vì vậy, thường người bệnh vừa ngủ dậy có thể tự phát hiện qua hoạt động vệ sinh buổi sáng như khó chải răng, khó súc miệng, khó ăn sáng, nhất là khi soi gương thấy mất cân xứng nửa mặt, nhân trung, môi miệng xếch về một bên, không nhắm kín được mắt ở bên liệt, nét mặt mất sự linh hoạt hoặc không chúm môi được. Người bệnh phát hiện ra mình nói ngọng, khó nói, miệng khép không kín và chảy nhiều nước dãi, nước mắt chảy nhiều hơn bình thường. Một số trường hợp bị loạn vị giác (không nhận biết chua, cay...) hoặc bị rối loạn thính giác (nghe kém hẳn).

Méo miệng là triệu chứng điển hình khi bị liệt nửa mặt do trời lạnh. Ảnh minh họa

Méo miệng là triệu chứng điển hình khi bị liệt nửa mặt do trời lạnh. Ảnh minh họa

Không nên chữa bệnh theo cách truyền miệng

Khi bị liệt nửa mặt do lạnh, cần nhanh chóng đến khám ở bệnh viện. Tùy vào thể trạng, tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ điều trị sẽ điều trị nội khoa, hoặc kết hợp ngoại khoa để mang lại hiệu quả nhanh chóng và toàn diện cho bệnh nhân.

Liệt dây thần kinh số 7 do lạnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây nhiều khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt, giao tiếp (ngại giao tiếp do nói không được tốt), ăn, uống hàng ngày. Nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách, bệnh có thể được chữa khỏi. Trường hợp nhẹ có thể hồi phục sau vài tuần, nếu nặng có thể vài tháng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, co giật nửa mặt. Nguy hiểm nhất là bị viêm loét giác mạc do mắt không nhắm được gây khô mắt, nhiễm khuẩn giác mạc dẫn đến viêm, loét giác mạc.

Trong thực tế, có khá nhiều bệnh nhân chủ quan, tự điều trị ở nhà hoặc để thầy lang không có chuyên môn về y học chữa trị nên không khỏi bệnh và để lại những di chứng.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa (Bệnh viện Châm cứu trung ương) cảnh báo, Bệnh viện đã ghi nhận không ít trường hợp nhập viện muộn do điều trị không đúng hướng, nghe theo những cách chữa bệnh dângian, đồn thổi không có căn cứ khoa học khiến bệnh không đỡ, thậm chí cơ mặt bị cứng, khó hồi phục...

Thể trạng và mức độ liệt dây thần kinh số 7 ở mỗi người khác nhau, vì vậy ngay khi có biểu hiện bệnh hoặc có nghi ngờ cần đến cơ sở y tế ngay vì bệnh càng chữa sớm thì khả năng khỏi càng cao.

Phòng tránh liệt nửa mặt do trời lạnh thế nào?

Điều quan trọng nhất trong việc phòng ngừa liệt nửa mặt là tránh gió lạnh đột ngột. Vì vậy, buổi tối trước khi đi ngủ, cần đóng kín cửa để tránh gió lùa và không để khí lạnh ở ngoài tràn vào phòng ngủ. Lúc ngủ, cơ thể phải được ấm từ đầu đến chân. Nếu có điều kiện, mùa lạnh nên dùng máy điều hòa ấm, nhất là có trẻ nhỏ và người cao tuổi (tránh dùng bếp củi, bếp than sẽ rất dễ ngộ độc khí CO). Người có tuổi, có bệnh về thận, bệnh đái tháo đường, nên để sẵn một chiếc mũ ấm và một áo khoác ấm hoặc một chiếc chăn nhỏ, khi tỉnh dậy đi tiểu cần đội mũ, khoác áo ấm hoặc khoác chăn để tránh lạnh đột ngột. Khi ra khỏi nhà, cần được mặc ấm cơ thể (mặc quần áo thật ấm, cổ quàng khăn len, đầu đội mũ ấm, bàn tay, bàn chân cần đi tất), nên đeo khẩu trang rộng có 2 lớp để vừa giữ ấm cho mặt, mũi còn có giá trị che bụi khi bẩn. Những ngày trời lạnh, giá rét, khi đưa trẻ em đi học, đi chơi, không nên cho các cháu ngồi phía trước xe.

Hồng Trần
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
“Tìm mẹ trong mơ” Nâng bước ước mơ trẻ thơ

“Tìm mẹ trong mơ” Nâng bước ước mơ trẻ thơ

1 năm trước

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, đời sống xã hội, khiến không ít trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, không nơi nương tựa. Chương trình từ thiện “Tìm mẹ...
“Hơi thở Tết” ở làng

“Hơi thở Tết” ở làng

1 năm trước

Người ta bảo Tết là nỗi lo của người lớn và niềm vui của trẻ em. Nói cho chính xác thì người lớn lo để chăm chút niềm vui cho con trẻ, mà khi trẻ em vui thì người lớn mới cảm thấy mãn...
Tạo lá chắn pháp lý vững chắc bảo vệ trẻ em

Tạo lá chắn pháp lý vững chắc bảo vệ trẻ em

1 năm trước

Khẳng định trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là...