THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 08:39

Đi lên từ mô hình phát triển kinh tế trang trại bền vững

28/08/2020 | 08:54

Tổ ấm hạnh phúc của gia đình Lò Văn Tuấn và chị Lò Thị Sinh.


Chìa khóa mở ra nhiều cơ hội làm giàu cho nông dân


Phát triển kinh tế trang trại đã và đang khơi dậy tiềm năng trong dân cư để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hóa, thúc đẩy áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Đây là hướng đi đúng của sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nhằm tăng năng suất, nâng cao đời sống cho người dân, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo ở nông thôn nói riêng và cho toàn xã hội nói chung.


Hiện nay, hình thức kinh tế trang trại đang tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Kinh tế trang trại giống như chiếc chìa khóa mở ra nhiều cơ hội làm giàu cho nông dân, đã có nhiều mô hình trang trại phát huy được lợi thế vùng, địa phương hiệu quả cho thu nhập cao. Từ thực tiễn khẳng định, kinh tế trang trại là một trong những loại hình mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.


Câu chuyện làm giàu của anh Lò Văn Tuấn là một ví dụ điển hình của việc áp dụng mô hình kinh tế trang trại thành công. Anh Lò Văn Tuấn (34 tuổi) - Bí thư Đoàn thanh niên xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên và vợ là Lò Thị Sinh (33 tuổi), hiện sinh sống tại bản Na Khoang, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.



Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi,  tròng trọt, anh Tuấn luôn gặt hái nhiều thành công.

Mạnh dạn đổi mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật


Sinh ra trong một gia đình nông dân có bốn anh chị em và anh Tuấn là con thứ hai trong gia đình. Do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, nên việc nuôi bốn người con ăn học không phải là chuyện dễ dàng. “Bố mẹ tôi hàng ngày phải đi làm rẫy từ sáng sớm tới tối mịt mới về. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, tôi và các anh, chị em trong gia đình đã hình thành một thói quen với cuộc sống tự lập, luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, giúp đỡ bố mẹ…”, anh Tuấn chia sẻ.


Quyết tâm không đầu hàng số phận, chàng trai Lò Văn Tuấn miệt mài theo học trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Năm 2009, tốt nghiệp ra trường ở tuổi 23, cũng là thời điểm anh Tuấn kết hôn với chị Sinh. Anh Tuấn tâm sự, lúc này gia đình lớn của tôi có 10 nhân khẩu, cuộc sống vô cùng khó khăn. Với ý định ra ở riêng cho bố mẹ đỡ gánh nặng, tôi quyết định đổi công cho anh em trong bản vào rừng kiếm gỗ làm nhà, tích góp từng chút vật liệu để xây nhà. Đến cuối năm 2010, tôi cũng dành dụm làm được ngôi nhà gỗ ba gian xinh xắn. Tin vui đến khi vợ chồng tôi đón con trai đầu lòng, rồi tiếp đến con trai thứ hai ra đời. Tuy nhiên, khó khăn chồng chất khó khăn bởi cả vợ chồng đều chưa kiếm được việc làm ổn định.


Với sở thích phát triển kinh tế hộ gia đình từ trồng trọt và chăn nuôi, năm 2014 hai vợ chồng anh vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội được 50 triệu đồng, khai hoang 3.000m2 ruộng lúa nước, trồng sắn và ngô, đào 4 ao thả cá, mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi cá, cùng với khoảng 300 con gà, vịt và 10 con heo.


Cuộc sống của vợ chồng anh ổn định hơn khi anh xin vào làm cán bộ xã và hiện giữ chức Bí thư Đoàn Thanh niên xã Mường Nhà. Còn vợ anh Lò Thi Sinh được nhận vào làm nhân viên cây xăng tại xã.


Với mô hình kinh tế sinh thái nông nghiệp bền vững VAC (vườn - ao - chuồng), vợ chồng anh Tuấn trồng ngô, sắn nuôi lợn và cá cho thu nhập cao. Anh Tuấn vui mừng chia sẻ, sau 2 năm, vợ chồng tôi đã trả xong khoản vay ngân hàng, và tiếp tục mở rộng sản xuất. Có thời điểm, thu nhập 1 năm được khoảng 120 triệu đồng trở lên. Hiện giờ, cả hai vợ chồng đều là công chức nhà nước nên không đủ thời gian làm, phải thuê lao động ngoài, thì thu nhập khoảng 70 triệu đồng/1 năm. 

Ruộng lúa nước thẳng cánh cò bay của vợ chồng anh Lò Văn Tuấn.

 

Được vinh danh “Thanh niên làm kinh tế giỏi”


Anh Lò Văn Tuấn là 1 trong 30 thanh niên được vinh danh “Thanh niên làm kinh tế giỏi” tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp của tỉnh Điện Biên dịp cuối năm 2018.


Cuối năm 2019, anh Tuấn tiếp tục khai hoang thêm 4.300m2 lúa nước, mở rộng chăn nuôi, trồng trọt, tăng thêm thu nhập. Nhờ tâm huyết trong phát triển chăn nuôi, cùng với áp dụng kiến thức đã học, việc phát triển kinh tế theo hướng trang trại của anh Tuấn khá thuận lợi, cho thu nhập ổn định và giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương. Vợ chồng anh có của ăn, của để, sắm đồ dùng tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, gia đình ấm no hạnh phúc, con cái được đi học đến nơi đến chốn. Con trai cả là học sinh giỏi.


Gia đình anh Tuấn, chị Sinh vinh dự là 1 trong 22 gia đình trẻ toàn quốc được biểu dương và tôn vinh là gia đình trẻ điển hình, tiêu biểu, xây dựng và lan tỏa các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong Chương trình “Tuyên dương Gia đình trẻ tiêu biểu năm 2020”.


“Sắp tới, phần đất còn trống khoảng 4ha, tôi chuẩn bị lắp thêm năng lượng điện mặt trời hòa cùng với mạng lưới điện quốc gia để bán điện cho công ty điện lực của huyện. Cảm ơn Đảng, Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ cho những hộ nghèo là dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa như vợ chồng tôi được thoát nghèo.” - Anh Tuấn chia sẻ.

Hồng Nga/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.