THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 05 NĂM 2024 01:13

Dịch tay chân miệng ở TP HCM tăng gấp 5 lần sau 3 tuần

27/09/2018 | 07:05
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 26/9 cho biết khoảng 3 tuần nay bệnh nhi tay chân miệng tăng gấp 5 lần so với trước. Hiện có 179 trẻ điều trị với khoảng 30 ca nặng phải theo dõi sát. Đỉnh điểm ngày 24/9 khoa điều trị đến 222 trẻ. Số trẻ bệnh nặng nhập viện vẫn tiếp tục tăng, 10 bé phải thở máy và 5 em lọc máu, một trường hợp tử vong.
 
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ tay chân miệng nhập viện bắt đầu tăng dần từ tháng 8. Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết khoảng một tuần trở lại đây trẻ nhập viện tăng cao, gấp đôi so với trước. Hiện có khoảng 90 trẻ tay chân miệng điều trị nội trú, một số trường hợp phải nằm ghép.
 
 


Trẻ nằm ghép điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 26/9. Ảnh: L.P
 
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hoạt động chưa lâu nhưng số trẻ nhập viện vì tay chân miệng cũng khá cao. Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng Khoa Nhiễm cho biết hiện bệnh viện có 48 trẻ nội trú, có những ngày lên tới 70 trẻ, công suất giường bệnh 150%, chủ yếu là trẻ 1-3 tuổi. 
 
"Bệnh năm nay tăng nhanh và đột biến, hầu như ngày nào cũng có những ca bệnh nặng. Thông thường đây mới là thời điểm đầu mùa dịch, bệnh thường tăng đến cuối năm, kéo dài qua sau Tết", bác sĩ Nam nói.
 
Theo bác sĩ Khanh, điều tra dịch tễ cho thấy những năm trước số trẻ mắc tay chân miệng do enterovirus 71 (EV71) rất thấp. Gần đây hơn 50% trẻ tay chân miệng do virus EV71. Loại virus này lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao, dễ bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. 
 
Các bác sĩ khuyến cáo năm nay số ca mắc tay chân miệng tăng cao, nhiều ca diễn tiến nặng nên phụ huynh cần cẩn trọng, không chủ quan, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Cảnh giác các dấu hiệu như sốt cao, nổi các nốt ở tay chân và vùng miệng, ăn uống kém. Đặc biệt cần lưu ý khi trẻ ngủ không yên, chới với, hay giật mình trong lúc thiu thiu ngủ. Đưa trẻ đi khám kịp thời, trẻ bệnh phải uống thuốc theo chỉ định, vệ sinh môi trường, rửa tay thường xuyên, theo dõi các biến chứng để xử trí kịp thời.
 

Trẻ bị tay chân miệng sẽ phát tán virus lây cho người xung quanh, nên cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày, tránh tiếp xúc với trẻ bệnh vì rất dễ lây từ trẻ này sang trẻ khác. Hiện nay tác nhân EV71 chưa có thuốc chủng ngừa nên cách phòng ngừa là bảo đảm vệ sinh trong ăn uống. Tại lớp trẻ học và tại nhà phải được vệ sinh bằng dung dịch sát trùng ở sàn nhà, đồ chơi và các vật dụng sinh hoạt khác. 

Theo Lê Phương/Vnexpress.net

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

6 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.