THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 06:17

Diễn đàn Lao động Việt Nam 2019 - Tương lai việc làm: Sự lựa chọn của Việt Nam

27/11/2019 | 15:00



Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Chí Tâm

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho biết: Diễn đàn Lao động Việt Nam 2019 được tổ chức vào một thời điểm hết sức đặc biệt. Cách đây đúng 1 tuần, vào ngày 20/11/2019, Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với số phiếu cao đến hơn 90%. Đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam theo hướng hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Cùng với quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động, Việt Nam đã và đang trong quá trình nghiên cứu để tham gia vào các công ước lao động quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 24 công ước của ILO, trong đó có 6 công ước cơ bản. Theo kế hoạch, 2 công ước cơ bản còn lại của ILO dự kiến sẽ được nghiên cứu phê chuẩn trong những năm tới.

Theo báo cáo toàn cầu về tương lai việc làm, ILO đã đưa ra những đánh giá về những yếu tố tác động tới tương lai của việc làm như vấn đề già hóa dân số, biến đổi khí hậu, sự phát triển của công nghệ mới và chuyển đối số. Đây là những vấn đề mang tính toàn cầu và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động rõ nhất của biến đối khí hậu, đe dọa tới sinh kế của hàng chục triệu người, đòi hỏi những giải pháp cấp bách cũng như lâu dài để người dân có thể thích nghi với sự thay đổi này.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã và cần đưa ra chủ trương, chính sách để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dần đưa chuyển đổi số vào các lĩnh vực của kinh tế và đời sống xã hội.

"Tại diễn đàn này, Bộ LĐ-TB&XH hy vọng các bên sẽ cùng nhau nhận diện, trao đổi về những thời cơ cũng như những thách thức của vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực đặt ra cho tương lai việc làm của Việt Nam và đề xuất những giải pháp để phát huy tiềm năng, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, hướng tới việc làm thỏa đáng và bền vững cho tất cả mọi người” – Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.



TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.

“Ngày nay thế giới việc làm đang trải qua những thay đổi lớn với tốc độ ngày càng nhanh, tác động tới sinh kế của hàng triệu người nam và nữ, cả người sử dụng lao động và người lao động” - TS. Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết. Theo tiến sỹ, những nhân tố thay đổi chính bao gồm cải tiến công nghệ với điển hình là Cách mạng 4.0, hệ thống thương mại toàn cầu với độ kết nối ngày càng lớn, già hóa dân số và biến đổi khí hậu. 

“Để hiện thực hóa quyết tâm trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam cần những cải thiện về mặt xã hội song hành với phát triển kinh tế,” TS. Chang-Hee Lee nhận định. “May mắn là Việt Nam đang tiến những bước tiến đúng đắn và quan trọng thông qua việc cải thiện kỹ năng cho lực lượng lao động, mở rộng độ bao phủ của an sinh xã hội, và hiện đại hóa các thiết chế quan hệ lao động”.

Diễn đàn về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam vừa qua đã thể hiện cam kết ở các cấp cao nhất của Chính phủ về phát triển kỹ năng, và đưa ra phương hướng chính sách cho một tương lai việc làm tươi sáng hơn thông qua cải thiện năng suất dựa vào nâng tầm kỹ năng lao động trên cả nước cũng như phối hợp cung cầu tốt hơn về kỹ năng.

Đề án cải cách bảo hiểm xã hội dựa trên Nghị quyết trung ương 28/NQ/TW năm 2018 đã mở đường hướng tới mở rộng độ bao phủ toàn dân về bảo hiểm xã hội.

“Tôi tin tưởng rằng việc đảm bảo việc làm bền vững và thỏa đáng cho mọi người, thông qua những tiến bộ về nâng tầm kỹ năng, an sinh xã hội toàn dân và quan hệ lao động hiệu quả, sẽ là một phần không thể thiếu của Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tiếp theo mà Việt Nam đang hoàn thiện, bởi đây là một yếu tố chính thúc đẩy chính sách xã hội để phát triển kinh tế,” Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.



Các diễn giả tham gia Đối thoại cấp cao “Tương lai việc làm và xã hội: Tầm nhìn cho Việt Nam”.



Các diễn giả tham gia Phiên họp toàn thể “Hướng về tầm nhìn Việt Nam – Xu thế, cơ hội và thách thức”.

Toàn cảnh Diễn đàn.

Phác họa thế giới việc làm tại Việt Nam

Theo một báo cáo mới của ILO được công bố tại Diễn đàn Lao động Việt Nam 2019, kinh tế Việt Nam đang tạo ra ngày càng nhiều việc làm cần kỹ năng trung bình và kỹ năng cao.

Ấn phẩm “Việc làm thỏa đáng và các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” đã chỉ ra rằng, tăng trưởng việc làm trung bình hàng năm của Việt Nam trong thập kỷ qua tập trung vào nhóm việc làm cần kỹ năng trung bình và cao.

Thống kê phân bổ việc làm theo mức kỹ năng của Việt Nam cho thấy hơn một nửa (53%) số việc làm trên cả nước là việc làm cần kỹ năng trung bình, và 12% đòi hỏi kỹ năng cao. Số còn lại (36%) là việc làm kỹ năng thấp. 

“So sánh cơ cấu này với các quốc gia có thu nhập trung bình cao – nhóm Việt Nam mong muốn được gia nhập vào năm 2030 – cho thấy những điểm khá thú vị,” bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam, đồng tác giả của báo cáo, chia sẻ.

Bài và ảnh: Thanh Huyền/GĐ&TE

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...