THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 08:37

Diễn đàn trẻ em tỉnh Quảng Ninh - nơi 310.000 trẻ em có cơ hội được bày tỏ ý kiến

25/11/2020 | 12:01

Trẻ em Quảng Ninh gửi các thông điệp đến các đại biểu lãnh đạo sở, ban, ngành của tỉnh.


Hiện nay, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước, trong đó có Quảng Ninh. Theo báo cáo của Cục Trẻ em, năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc xảy ra 3.035 vụ xâm hại trẻ em với 3.176 trẻ em bị xâm hại, trong đó 2.597 trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 80% số trẻ bị xâm hại.

Tại Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 55 trẻ em bị xâm hại, trong đó 24 trẻ bị xâm hại tình dục (chiếm 43,7%). Thực trạng này đã gây lo lắng, bất an cho trẻ em, gia đình, cộng đồng, gây bức xúc cho xã hội và để lại hậu quả xấu cho xã hội, là hồi chuông cảnh tỉnh trong công tác bảo vệ trẻ em, nhất là phòng chống xâm hại trẻ em.

Diễn đàn trẻ em năm 2020 tại Quảng Ninh được tổ chức với 2 nội dung chính là phiên thảo luận của trẻ em và phiên gặp mặt, đối thoại trực tiếp của trẻ em với lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Tại đây, các em đã nêu lên 7 vấn đề “nóng”. Đó là các vấn đề có nội dung liên quan đến:

(1) Vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trong học đường. Các em cho rằng, cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kiến thức bảo vệ trẻ em cho trẻ em tại các trường mẫu giáo, tiểu học. Các cơ quan quản lý cần có những biện pháp để hạn chế, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường trong các trường học; quản lý, giám sát, giáo dục tư cách đạo đức đối với giáo viên, người lao động để không xảy ra việc thầy, cô giáo, bảo vệ nhà trường xâm hại học sinh.

(2) Vấn đề bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội. Các em mong muốn, các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý và xử lý nghiêm việc đăng những clip có nội dung kích động bạo lực lên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến tâm lý, học tập của trẻ em; Quản lý, phối hợp với nhà mạng để ngăn chặn, gỡ bỏ những thông tin xấu hoặc hạn chế viết bài về trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, đặc biệt là quản lý các trang website không phù hợp với lứa tuổi của trẻ em.

(3) Tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng chống xâm hại trẻ em. Các em mong muốn có nhiều hoạt động truyền thông về phòng chống xâm hại trẻ em như: Các em có thể dự phiên tòa giả định như Chương trình “tòa tuyên án” phát sóng trên kênh VTV3, VTV6 để hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật, quyền lợi của trẻ em, các kỹ năng phòng chống xâm hại, tự biết cách bảo vệ bản thân. Đồng thời, được hướng dẫn các biện pháp nhận biết những biểu hiện của kẻ có dấu hiệu xâm hại.

(4) Pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em. Các em mong muốn pháp luật xử lý nhanh chóng và nghiêm minh những kẻ xâm hại trẻ em; đưa ra xét xử lưu động để tăng tính chất răn đe. Bên cạnh đó, phải xử lý hành vi che giấu tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là những người thân trong gia đình không tố giác. Cùng với đó, cần có giải pháp xử lý các chủ cơ sở kinh doanh nhà nghỉ không kiểm tra giấy tờ của khách vào lưu trú để lợi dụng rủ rê, dụ dỗ trẻ em để xâm hại tình dục.

(5) Vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em tại gia đình, cộng đồng. Các em cho rằng cần có giải pháp để giảm thiểu tình trạng quan hệ tình dục sớm ở tuổi trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng, gia đình, trẻ em hiểu và có trách nhiệm lên tiếng tố cáo những hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời, có giải pháp nhằm thay đổi cách giáo dục con cái để trẻ em được lớn lên trong tình yêu của cha mẹ và gia đình mà không bị bạo lực từ cách giáo dục của cha mẹ đối với con cái.



Toàn cảnh Diễn đàn trẻ em tỉnh Quảng Ninh 2020.

(6) Trẻ em với vấn đề phòng, chống tảo hôn. Các em mong các cơ quan quản lý sớm đưa ra các biện pháp tích cực để giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở trẻ em ở một số xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

(7) Tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em. Các em đưa ra các đề xuất là các buổi sinh hoạt hè phong phú, đa dạng nhằm thu hút được nhiều trẻ em tham gia, góp phần phòng ngừa trẻ em bị xâm hại.

Những vấn đề các em đặt ra tại Diễn đàn được các đại biểu lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh lắng nghe và phản hồi tích cực; đồng thời đưa ra các giải pháp kịp thời, hợp lý, giúp các em hiểu rõ các vấn đề thắc mắc, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các em.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Hà Thị Thanh Lê, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, vấn đề xâm hại trẻ em là một vấn đề nóng mà hiện nay trẻ em, gia đình và xã hội rất quan tâm. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp để thực hiện tốt các quy định về bảo vệ, thúc đẩy trẻ em phát triển toàn diện, nhất là công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; tạo điều kiện để trẻ em nói lên tiếng nói của mình, thông qua việc ban hành Chương trình bảo vệ trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em giai đoạn 2016-2020, đồng thời bố trí nguồn lực thỏa đáng để thực hiện Chương trình. Cùng với đó là triển khai các mô hình, hoạt động phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ trẻ em là nạn nhân và trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, như: Câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em; thành lập và duy trì hoạt động Hội đồng trẻ em; hoạt động Đội tuyên truyền viên măng non, hoạt động do trẻ em khởi xướng, ban hành các chính sách để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Qua đó, góp phần thiết thực trong việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ em, giảm thiểu tình trạng và ngăn chăn sự gia tăng tình trạng xâm hại trẻ em.

Bà Hà Thị Thanh Lê động viên, khuyến khích các em mạnh dạn, tự tin, nói lên tiếng nói của mình để các các cô, các bác lãnh đạo được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề mà các em đang quan tâm. Đồng thời, đề nghị các đại biểu là đại diện của các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức nghiêm túc xem xét những vấn đề trẻ em đưa ra để nghiên cứu và cụ thể hóa thành giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị mình, nhằm giải quyết tốt các vấn đề còn bất cập, hạn chế trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được phát triển toàn diện.

Kết thúc Diễn đàn, các em đã đưa ra nhiều thông điệp ý nghĩa gửi đến các lãnh đạo sở, ngành, đoàn thể tỉnh, như: Bảo vệ để trẻ em không bị xâm hại là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội; Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, hãy chung tay đẩy lùi nạn xâm hại trẻ em; Xâm hại trẻ em là tội ác; Pháp luật cần xử lý nghiêm mọi hành vi xâm hại trẻ em; Hãy hành động vì một xã hội không có xâm hại trẻ em...

Phương Anh/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...