THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 09:28

Điều chỉnh tuổi lao động và nhu cầu làm việc của lao động sau nghỉ hưu ở một số quốc gia trong khu vực

24/06/2019 | 12:26
 
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, Trưởng Ban soạn thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi)
 
Với những quốc gia phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...,  việc tuyển dụng người lao động cao tuổi làm việc không còn là điều xa lạ. Ở Nhật Bản, có thể dễ dàng bắt gặp những lao động cao tuổi ở nơi công cộng. Chính phủ Nhật Bản quy định tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi cho cả nam và nữ. Tuy được đánh giá là khá cao so với độ tuổi nghỉ hưu ở các nước khác, nhưng phần lớn người lao động Nhật Bản vẫn tiếp tục làm việc khi đã vượt quá độ tuổi này. 
 
 Theo thống kê của Bộ Nội vụ Nhật Bản, người cao tuổi tham gia thị trường lao động có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, hiện Nhật Bản có 7,7 triệu người lao động cao tuổi. Lý do cho việc tiếp tục lao động sau nghỉ hưu của người Nhật Bản rất đa dạng. Tuy nhiên, phần lớn những người được hỏi đều khẳng định họ không muốn từ bỏ công việc khi vẫn còn sức khỏe và vẫn làm việc đến khi nào có thể để có một cuộc sống tự chủ, hạn chế làm phiền con cháu. Điều này đã nhận được sự đồng thuận của người dân và trợ giúp từ xã hội, giúp người lao động có sự tự tin, thậm chí là niềm kiêu hãnh khi ở cái tuổi “xưa nay hiếm” vẫn tiếp tục đóng góp cho xã hội, tự lo được cho bản thân mình.
 
Trong nỗ lực giải quyết tình trạng già hóa dân số, Chính phủ Nhật Bản đã có những động thái hối thúc các công ty thực hiện những nỗ lực nhằm bảo đảm công việc cho người lao động tới 70 tuổi bằng việc đưa ra các hình thức như tiếp tục thuê lao động sau khi tới tuổi nghỉ hưu, hỗ trợ người lao động tìm công việc mới tại các công ty khác, hỗ trợ tài chính cho các hợp đồng thuê việc tự do và hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra phải kể đến hơn 1300 trung tâm giới thiệu, trợ giúp việc làm cho người cao tuổi trên toàn nước Nhật. 
 
Hàn Quốc đã phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số từ năm 2000. Tuổi thọ của dân số tăng lên kéo theo độ tuổi làm việc cũng tăng lên (tuổi thọ của người Hàn Quốc thuộc nhóm cao nhất thế giới). Một công bố thống kê của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy, số người trên 60 tuổi phải lao động ở nước này đã nhiều hơn số người ở độ tuổi 20 đi làm. 
 
 
Người lao động ở Nhật Bản vẫn làm việc qua tuổi nghỉ hưu.
 
Singapore, một trong những nền kinh tế giàu nhất châu Á, đang chứng kiến tốc độ già hóa nhanh thứ hai thế giới chỉ sau Hàn Quốc, theo số liệu của Liên hợp quốc. Trung tâm tài chính hàng đầu của châu Á đang ngày càng phụ thuộc vào lực lượng lao động lớn tuổi khi tỷ lệ sinh giảm trong khi chính phủ hạn chế lao động nước ngoài. 
 
Tỷ lệ người từ 65 tuổi tham gia thị trường lao động đã tăng đến 27% trong năm 2018. Trước thực trạng dân số ngày càng già hóa, chính phủ Singapore đang nỗ lực hỗ trợ các công ty giữ chân người lao động làm việc qua tuổi nghỉ hưu. Hiện, độ tuổi nghỉ hưu chính thức của Singapore là 62, tuy nhiên, mọi công ty đều phải có một điều khoản là cho phép người lao động được lựa chọn tiếp tục làm việc cho tới 67 tuổi.
 
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, Trưởng Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), "So với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp, trong khi lại có mức tuổi thọ khoẻ mạnh sau 60 tuổi khá cao". Cũng theo một con số thống kê, số người tiếp tục làm việc sau nghỉ hưu của chúng ta cũng không hề nhỏ, có tới 42% người lao động sau nghỉ hưu tiếp tục tham gia thị trường lao động thuộc nhiều nhóm ngành nghề khác nhau.
 
Thực tế, con số này có thể cao hơn rất nhiều nếu người lao động sau nghỉ hưu có cơ hội tiếp cận, lựa chọn những công việc phù hợp với sức khỏe, trình độ và thời gian của mình. Cần phải nhấn mạnh rằng, nhu cầu được tiếp tục làm việc và có việc làm phù hợp với người lao động là hoàn toàn chính đáng và tự nguyện, xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của họ. Qua đó cho thấy, người lao động Việt Nam có thể đáp ứng được quy định mới về tăng tuổi nghỉ hưu trong tương lai gần. 
 
Ngay lúc này, dựa trên kinh nghiệm mà một số quốc gia đã làm, các cơ quan Chính phủ, mà trực tiếp là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có những chính sách trợ giúp, tư vấn chuyển đổi, tìm việc làm cho người lao động ngay từ khi họ sắp nghỉ hưu, giúp họ nhận thức đúng những vấn đề cần phải chuẩn bị, đánh giá chính xác khả năng của mình để tiếp tục hay chuyển đổi công việc. Kéo dài thời gian lao động đồng nghĩa với kéo dài thời gian đóng vào quỹ Bảo hiểm Xã hội. Người lao động vừa có thu nhập hàng tháng mà tiền lương hưu sau này lại cao hơn. Bảo đảm lực lượng lao động ổn định là một phần quan trọng để bảo đảm các quỹ an sinh xã hội nhằm đáp ứng với chi phí an sinh xã hội ngày một tăng cao do dân số già đi nhanh chóng.
 
 
Tuổi nghỉ hưu của nhiều quốc gia châu Âu thuộc nhóm cao nhất thế giới.
 
Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế, gần 40% số quốc gia có lao động nữ nghỉ hưu trên 60 tuổi, và gần 50% nước chọn lao động nam nghỉ hưu trên 60 tuổi. Việc tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu, vì lợi ích chung của sự phát triển và đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội cho tất cả mọi người. 
 
Còn rất nhiều ý kiến trái chiều từ dự luật tăng tuổi nghỉ hưu với người lao động. Còn rất nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa trước khi được thông qua. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần dựa trên những nguyên tắc bảo đảm sự phát triển hài hòa về kinh tế, chính trị, xã hội, phù hợp với xu thế phát triển về nhân khẩu học, tâm sinh lý học, bình đẳng giới cũng như về sức khỏe và đặc điểm của điều kiện lao động trong từng nhóm ngành nghề khác nhau. 
 
Bảo vệ nhóm lao động yếu thế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động, từng bước hình thành thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh.
 
Bảo đảm tính khả thi trong thực thi các điều kiện, tiêu chuẩn lao động. Đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.
 
Cùng với việc tăng tuổi hưu, Chính phủ cũng phải có những kế hoạch cụ thể để tăng quy mô nền kinh tế và các nguồn lực cho phát triển xã hội nhằm tạo ra nhiều việc làm hơn, giúp giảm bớt sự cạnh tranh giữa lực lượng lao động già và trẻ, đẩy lùi tình trạng thất nghiệp trong xã hội; Tăng cường chính sách tuyên truyền, hỗ trợ người tham gia chính sách BHXH, BHYT trong toàn dân.
Tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới phổ biến là trên 60 đối với nữ, trên 62 đối với nam. Có khoảng 6 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu từ 60 đến 63; 15 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi 65; 14 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi 67; có 2 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi 68 và có 3 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi 69 (Séc, Italia, Đan Mạch).
 

Xuân Quang/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.