THỨ HAI, NGÀY 29 THÁNG 04 NĂM 2024 05:33

Điều trị và chăm sóc khi trẻ nhiễm siêu vi hô hấp

09/03/2023 | 09:54
Nhiễm siêu vi hô hấp là bệnh lý do các loại virus đường hô hấp gây ra. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân hoặc những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường hay khi sức đề kháng của trẻ suy giảm. Phần lớn bệnh đều không nguy hiểm nhưng một số loại virus có thể gây các biến chứng nghiêm trọng.
Các bác sĩ Nhi khoa do bác sĩ Trương Hữu Khanh (ngoài cùng, bên phải) làm trưởng nhóm khám cho học sinh Trường THCS Lê Văn Tám và Trường THCS Lam Sơn, quận Bình Thạnh, TP.HCM ngày 28/2. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM

Các bác sĩ Nhi khoa do bác sĩ Trương Hữu Khanh (ngoài cùng, bên phải) làm trưởng nhóm khám cho học sinh Trường THCS Lê Văn Tám và Trường THCS Lam Sơn, quận Bình Thạnh, TP.HCM ngày 28/2. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM

Siêu vi hô hấp dễ lây lan

Cuối tháng 2/2023, tại Trường THCS Lê Văn Tám và Trường THCS Lam Sơn quận Bình Thạnh, TP.HCM, số học sinh nghỉ ốm tăng cao bất thường, đặc biệt tăng cao trong các ngày 22, 23 và 24/2. Triệu chứng chính của các học sinh là đau họng, sốt, mệt mỏi, đau đầu và chóng mặt. Ngoài ra, còn ghi nhận khoảng 10 - 15% trường hợp có tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Sau khi loại trừ được các nguyên nhân do Covid-19, cúm, vấn đề an toàn thực phẩm..., các chuyên gia nhi khoa hàng đầu tại TP.HCM nhận định các em học sinh nhiễm siêu vi hô hấp. Đây là bệnh do các tác nhân virus như rhinovirus, adenovirus, coronavirus...

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cho biết, sốt siêu vi hay nhiễm siêu vi là bệnh do rất nhiều virus gây ra. Siêu vi hô hấp rất dễ lây lan trong cộng đồng, trẻ bị nhiễm sẽ lây cho các bạn trong lớp qua tiếp xúc trực tiếp thông qua giọt bắn. Để tránh tình trạng xuất hiện các ổ dịch nhỏ, khi trẻ có các triệu chứng sốt siêu vi thì cần được cách ly.

Các triệu chứng của nhiễm siêu vi hô hấp:

- Sốt cao: Trẻ thường sốt 38 – 39 độ C, thậm chí 40 – 41 độ C.

- Đau nhức: Trẻ thường đau cơ bắp, đau khắp mình...

-Viêm long đường hô hấp: Trẻ có biểu hiện như ho, chảy nước mũi, họng đỏ.

- Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do siêu vi đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện vài ngày sau khi sốt với biểu hiện như tiêu lỏng, không có màu, chất nhầy.

- Nôn: Trẻ có thể nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn.

- Ngoài ra, trẻ có thể gặp một số các dấu hiệu khác như viêm kết mạc mắt (mắt đỏ, chảy ghèn), phát ban đỏ, sưng hạch vùng đầu, mặt, cổ sau tai, gáy...

Hầu hết, siêu vi đường hô hấp thường ủ bệnh từ 1 đến 10 ngày, tùy thuộc vào loại virus mắc phải. Các triệu chứng khi nhiễm siêu vi đường hô hấp có thể khác nhau, tùy thuộc vào loại virus gây bệnh và mỗi người có thể có những triệu chứng khác nhau.

Nhiễm siêu vi hô hấp có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Thông thường, khi nhiễm siêu vi hô hấp, các triệu chứng chủ yếu nhẹ như cảm lạnh hoặc cúm thông thường, trẻ có thể nhanh hồi phục khi duy trì chế độ chăm sóc tốt và uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu trẻ có hệ miễn dịch kém, điều trị không đúng cách hoặc gặp một số tình trạng sức khoẻ khác, nhiễm siêu vi hô hấp có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

- Viêm tiểu phế quản là tình trạng sưng và tắc nghẽn trong đường dẫn khí nhỏ (tiểu phế quản) của phổi gây ra các triệu chứng như thở khò khè, đau họng, nghẹt mũi, ho... và thường xảy ra nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 1 tuổi.

- Viêm phế quản là tình trạng sưng và tắc nghẽn đường dẫn khí lớn (phế quản) của phổi gây ho có đờm và khó thở.

- Viêm thanh khí phế quản với triệu chứng điển hình là khó thở, đặc biệt là vào ban đêm.

- Viêm phổi là tình trạng viêm cấp tính của phổi do nhiễm trùng với triệu chứng  gồm: ho có đờm, sốt, ớn lạnh và khó thở. Bệnh nghiêm trọng nhất ở trẻ em dưới 1 tuổi, trẻ nhỏ và người cao tuổi.

- Viêm xoang cấp tính là tình trạng nhiễm trùng, viêm phần niêm mạc của mũi xoang.

- Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa bị nhiễm trùng gây sưng, đau, sốt, chảy dịch.

- Viêm thanh quản có thể gây mất giọng tạm thời.

Trẻ nhiễm siêu vi hô hấp thường có các triệu chứng giống cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường.

Trẻ nhiễm siêu vi hô hấp thường có các triệu chứng giống cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường.

Điều trị và chăm sóc khi trẻ nhiễm siêu vi hô hấp

Nguyên tắc điều trị bệnh do siêu vi hô hấp gây ra thường tập trung điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, thông mũi:

- Hạ sốt: Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, cha mẹ nên cho trẻ uống hạ sốt, có thể chườm mát hoặc chườm ấm, nới hoặc cởi bớt quần áo, bổ sung điện giải phòng mất nước. Lưu ý, đối với thuốc hạ sốt, có thể dùng paracetamol với liều 10-15mg/kg, cách 6 giờ mới dùng liều tiếp theo nếu trẻ sốt trở lại.

- Sử dụng thuốc nhỏ mũi: Hầu hết các virus hô hấp gây bệnh đều gây ra triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi nên cha mẹ có thể dùng các loại thuốc xịt mũi cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ.

- Dùng kháng sinh: Trẻ nhiễm siêu vi đường hô hấp do virus gây ra nên kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh. Kháng sinh chỉ dành cho những trường hợp nhiễm khuẩn. Do đó, nếu trẻ gặp các biến chứng liên quan đến bội nhiễm do vi khuẩn và có chỉ định từ bác sĩ mới cho trẻ điều trị bằng kháng sinh.

Ngoài sử dụng thuốc, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để làm giảm triệu chứng cho trẻ như: Vệ sinh mũi họng cho trẻ với nước muối sinh lý để giảm tình trạng nghẹt mũi, hỗ trợ tiêu diệt virus, vi khuẩn. Dùng máy tạo độ ẩm giúp làm loãng dịch nhầy ở mũi, giảm triệu chứng sổ mũi và làm giảm ho. Xây dựng chế độ ăn uống giàu vitamin, kẽm, magie... để tăng cường sức đề kháng. Bổ sung nước đầy đủ, cha mẹ có thể cho trẻ uống nước lọc, sữa, nước ép trái cây...

Biện pháp phòng ngừa nhiễm siêu vi hô hấp

Thời tiết thay đổi thất thường, hệ miễn dịch yếu... làm tăng nguy cơ trẻ bị bệnh do các loại virus đường hô hấp gây ra. Vì vậy, để bảo vệ sức khoẻ của trẻ, nhất là trong thời điểm giao mùa, cha mẹ nên có những biện pháp phòng bệnh như:

- Đeo khẩu trang cho trẻ khi đi ra ngoài, nhất là các khu vực đông người.

- Rửa tay thường xuyên cho trẻ với xà phòng, đặc biệt trước khi ăn.

- Khuyến khích trẻ không cho tay lên mắt, mũi, miệng ngăn ngừa virus xâm nhập và tấn công cơ thể.

- Cho trẻ tránh xa những người có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, đau họng...

- Đồ dùng cá nhân của trẻ như cốc, đồ chơi, bát, thìa... nên được dùng riêng biệt.

- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ với chế độ ăn uống giàu vitamin, kẽm, sắt...

- Tiêm phòng đầy đủ, một số loại virus đã có vaccine phòng ngừa như cúm...

- Nếu trẻ đang bị bệnh, nên cho trẻ nghỉ ngơi ở nhà, tránh tiếp xúc với người khác để không làm lây lan virus ra bên ngoài.

Khi trẻ nhiễm siêu vi hô hấp nhưng có những biểu hiện bất thường như: sốt cao khó hạ trên 2 ngày, khó thở, thở bất thường, tay chân lạnh, mệt, nôn ói nhiều, đi cầu nhiều, rối loạn tri giác, co giật... cha mẹ khẩn trương cho trẻ nhập viện để được điều trị kịp thời.

Hồng Trần
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Hai trẻ em Hà Tĩnh đuối nước thương tâm khi ra sông cạnh nhà chơi

Hai trẻ em Hà Tĩnh đuối nước thương tâm khi ra sông cạnh nhà chơi

1 năm trước

Ra bờ sông cạnh nhà chơi, hai cháu bé ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) không may bị trượt chân rơi xuống nước tử vong.
Cấm học sinh không đăng hình ảnh, video dễ gây hiểu nhầm lên mạng xã hội

Cấm học sinh không đăng hình ảnh, video dễ gây hiểu nhầm lên mạng xã hội

1 năm trước

Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau yêu cầu các trường học tuyên truyền, nhắc nhở học sinh tuyệt đối không đăng tải hình ảnh, video mang tính nhạy cảm, dễ gây hiểu nhầm lên mạng xã hội.
Nữ sinh cấp 2 nhập viện vì ám ảnh bị bạn cùng lớp đánh hội đồng

Nữ sinh cấp 2 nhập viện vì ám ảnh bị bạn cùng lớp đánh hội đồng

1 năm trước

Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận nữ sinh cấp 2 có ý định tự tử do bạo lực học đường.
“Điều mẹ không kể” - Lời tâm tư ca sĩ Đinh Mạnh Ninh gửi tới các bà mẹ

“Điều mẹ không kể” - Lời tâm tư ca sĩ Đinh Mạnh Ninh gửi tới các bà mẹ

1 năm trước

Bài hát do ca sĩ hoàn thành ngay trước thềm 8/3, được sáng tác chỉ trong 3 ngày, lấy cảm hứng từ trải nghiệm của chính Đinh Mạnh Ninh và mẹ mình từ ngày thơ ấu cùng những câu chuyện...